Theo Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa, hiện nay đơn vị này đang tích cực triển khai thực hiện hiệu quả Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vùng dân tộc thiểu số, giai đoạn 2021-2025” với mục tiêu đẩy lùi tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống tại các xã miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Cụ thể, thời gian qua, Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức 262 hội nghị tuyên truyền, 113 buổi nói chuyện, nhiều mô hình điểm về vấn đề tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại các Trường Trung học cơ sở, Trung học phổ thông khu vực miền núi. Bên cạnh đó, Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa cũng tổ chức các hội nghị, tập huấn cho người dân về Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật trẻ em…; biên soạn tài liệu, các sản phẩm truyền thông như: tờ rơi, tờ gấp, sổ tay, hỏi đáp về pháp luật hôn nhân và gia đình, các vấn đề tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống để cấp phát cho các xã, thôn, bản; tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác dân tộc, báo cáo viên.
Đặc biệt, tỉnh Thanh Hóa cũng đã đặt mục tiêu, phấn đấu đến hết năm 2025, trên địa bàn sẽ không còn tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Để thực hiện mục tiêu, các cấp chính quyền địa phương đang kỳ vọng, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị thực hiện đồng bộ các giải pháp, thì nguồn lực hỗ trợ từ Tiểu dự án 2, Dự án 9 của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi sẽ giúp các địa phương có thêm động lực, kiên trì giải quyết những vấn đề còn khó khăn trong công tác truyền thông, nhằm chuyển đổi nhận thức, hành vi trong hôn nhân của đồng bào dân tộc thiểu số.
Theo thống kê từ năm 2020 đến nay, trên địa bàn các huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa có 151 cặp tảo hôn; 1 cặp kết hôn cận huyết thống. Các cơ quan chức năng đã xử lý hơn 90 vụ vi phạm về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.