Tối ngày 23/11, nhân ngày Di sản văn hóa Việt Nam (DSVH), tại Đàn tế Nam Giao nằm trên núi Đốn Sơn, thị trấn Vĩnh Lộc, UBND tỉnh Thanh Hóa, Hội DSVH và cổ vật tỉnh (HDSVH Thanh Hóa) và UBND huyện Vĩnh Lộc lần đầu tiên phối hợp tổ chức lễ tế Giao sau 613 năm lịch sử vương triều Hồ khai đàn.
Ông Nguyễn Văn Phát - Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa
dẫn đầu đoàn dâng hương lên viên đàn.
Mở đầu buổi lễ là nghi thức trang nghiêm dâng các sản vật quý giá lên Đàn tế Nam Giao, cung kính hoàng thiên, mẫu địa. Tiếp đó, chủ tế dẫn đầu đoàn tế trang nghiêm đi trên con đường thần đạo tiến lên khu vực viên đàn làm nghi lễ nghênh thần, tế thần và tiễn thần.
Chủ tế đã đọc chúc văn ghi nhớ, cung thỉnh hoàng tộc Hồ triều cùng võ tướng, văn quan, bách tính muôn dân, tráng sĩ đã mạng vong vị quốc.
Vị chủ tế thực hiện nghi lễ tế trời đất.
Nhấn mạnh: “Mới đó mà đã 613 năm đi qua, vừa đây mà rêu phủ mấy tầng di tích. Đàn tế Giao trên núi Đốn Sơn linh thiêng và việc đăng đàn cũng là nhằm cầu khấn thiên, địa, bốn phương phong đều, vũ thuận giúp cho đất nước ngày càng phát triển”.
Cũng tại buổi tế lễ, ông Hồ Quang Sơn - Chủ tịch HDSVH Thanh Hóa khẳng định: Đây là lần đầu tiên lễ tế Giao được tái hiện nhằm tôn vinh những giá trị bất biến của cha ông ta đã tạo dựng và truyền đời trong suốt tiến trình lịch sử dân tộc. Đồng thời, đây cũng là dịp nhắc cho hậu thế hiểu thêm về truyền thống ngàn đời của các thế hệ cha, anh. Từ đó, góp sức cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ non sông, đất nước.
Các sản vật được dâng lên viên đàn.
Đánh giá về hoạt động của HDSVH, ông Nguyễn Xuân Thanh - PGĐ Sở VHTTDL ghi nhận: 11 năm qua, hoạt động của HDSVH Thanh Hóa đã đem đến cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị DSVH xứ Thanh một sắc thái mới. Công tác tuyên truyền, vận động mọi người cùng chung tay gìn giữ, bảo tồn di sản được cấp hội thường xuyên quan tâm. Nhờ đó, nhiều người dân đã nhận thức đầy đủ về giá trị của các DSVH và cùng chung tay gìn giữ, phát huy.
Hội đã đầu tư, khôi phục được nhiều làng nghề truyền thống, đặc biệt là nghề đúc trống đồng bằng phương pháp thủ công. Củng cố các câu lạc bộ Ca trù, Chầu văn, hò sông Mã…
Trâu đực được coi là linh vật dâng lên thiên địa.
Suốt từ năm 2009 đến nay, HDSVH Thanh Hóa đã đúc thành công hàng trăm trống đồng dâng lên Đại lễ 1000 năm Thăng Long, dâng tặng 11 trống đồng tới các di tích đặc biệt trong nước và Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại tỉnh Khăm Muộn (Lào).
Nói về việc tái hiện lễ tế Giao, ông Thanh nhấn mạnh: HDSVH Thanh Hóa đã khôi phục cơ bản những nghi thức của bậc đế vương trước trời đất bằng việc cử hành các nghi thức trang nghiêm, hoành tráng, linh thiêng.
Chủ tế thực hiện nghi thức truyền thống.
“Nghi lễ tế Giao là một DSVH phi vật thể đặc biệt. Do đó, việc bảo tồn, phát huy các giá trị di sản là trách nhiệm không chỉ của cơ quan chức năng mà còn là trách nhiệm của tất cả nhân dân. Khôi phục lại lễ tế Giao ngoài gìn giữ còn góp phần làm sống lại di sản Đàn tế Nam Giao vốn đang tồn tại khá nguyên vẹn”- ông Thanh nói.
Một tiết mục văn nghệ tôn vinh giá trị di sản.