Theo Chủ tịch UBND huyện Mường Lát, có thể ngày 2/9, bão số 4 tan nhưng thường sau bão sẽ có mưa lớn kéo dài, gây nguy hiểm. Đặc biệt, trên địa bàn huyện Mường Lát, Quan Sơn vừa trải qua đợt mưa lớn do ảnh hưởng của bão số 3 những ngày đầu tháng 8 vừa qua, không được phép chủ quan.
Chính quyền và người dân Thanh Hóa đang khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó với bão số 4.
Tại huyện miền núi Mường Lát, địa phương vừa bị hại nặng nề do ảnh hưởng của bão số 3, công tác ứng phó với bão số 4 cũng đang gấp rút triển khai.
Ngay từ chiều ngày 29/8, các tổ công tác cấp huyện và các xã bắt đầu ra quân túc trực 24/24 ở những thôn, bản, vùng có nguy cơ sạt lở, lũ ống lũ quét để ứng phó với bão số 4.
Đối với cấp huyện, đã thành lập 8 tổ công tác gồm các lực lượng biên phòng, quân sự, công an xuống các xã để túc trực, chỉ đạo công tác phòng, chống bão số 4. Các xã đã thành lập hơn 10 tổ công tác để ứng trực 24/24 giờ ở hơn 10 thôn, bản có nguy cơ sạt lở cao.
Ngoài ra, UBND huyện Mường Lát đã chỉ đạo các phương tiện, máy móc tập trung ở các đầu đường quốc lộ, tỉnh lộ chạy qua địa bàn huyện, chuẩn bị đầy đủ nhiên liệu sẵn sàng khắc phục các sự cố sạt lở đường.
Trao đổi với phóng viên Báo Đại đoàn kết chiều ngày 29/8, ông Cao Văn Cường, Chủ tịch UBND huyện Mường Lát cho biết, huyện đã họp ban chỉ đạo cấp huyện và thống nhất huy động 100% quân số các đơn vị như biên phòng, công an, quân sự, cán bộ huyện và xã để túc trực ứng phó với bão số 4. Không giải quyết cho việc nghỉ lễ dịp 2/9 để tập trung phòng chống bão.
Ông Cường nhận định: “Có thể ngày 2/9, thì bão đã tan, nhưng thường sau bão sẽ có mưa lớn kéo dài, gây nguy hiểm. Đặc biệt, trên địa bàn huyện vừa trải qua đợt mưa lớn do ảnh hưởng của bão số 3 những ngày đầu tháng 8 vừa qua. Do đó, chúng tôi chỉ đạo nếu khu vực nào có lượng mưa từ 100 mm trở lên, sẽ bố trí sơ tán dân tới khu vực an toàn”.
Huyện miền núi Quang Sơn cũng đang khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó với mưa bão số 4. Qua điện thoại, ông Vũ Văn Đạt, Chủ tịch UBND huyện Quan Sơn, cho biết, hiện nay, huyện đã ban hành công điện khẩn đến các đơn vị, địa phương để chuẩn bị đối phó với bão số 4, đồng thời cảnh báo các địa phương phải đặc biệt quan tâm đến 6 tuyến giao thông đi qua sông Luồng và sông Lò để bảo đảm tính mạng cho người dân qua lại khi có mưa lớn.
Trong đó có tuyến từ bản Bo Hiềng qua sông Luồng để vào bản Sa Ná, xã Na Mèo, nơi vừa bị lũ quét tàn phá hơn 30 ngôi nhà và cuốn trôi 15 người dân do ảnh hưởng của bão số 3, vào ngày 3/8.
Đối với các xã có tuyến giao thông có nguy cơ chia cắt, chủ động bố trí lực lượng để cảnh báo khi nước dâng bị chia cắt tuyến và hướng dẫn giao thông qua các tuyến đường có nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất, đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người, phương tiện qua lại... Nghiêm cấm người qua lại khi thiếu an toàn.
Trong khi đó, tại các huyện ven biển như: Nga Sơn, Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Quảng Xương, Tĩnh Gia và TP Sầm Sơn, từ sáng sớm ngày 29/8, chính quyền địa phương đã thực hiện lệnh cấm biển. Đến 9h sáng cùng ngày, tàu thuyền và các loại bè mảng đã cơ bản được ngư dân đưa vào khu vực neo đậu, tránh trú an toàn.
Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai – Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa cho biết: Tính đến chiều ngày 29/8, toàn tỉnh đã có 3.449 phương tiện với 9.123 ngư dân đã vào nơi tránh trú an toàn. Hiện còn 3.839 tàu thuyền, bè mảng với 16.431 ngư dân đang hoạt động trên biển. Trong đó, có 3 tàu cá của ngư dân xã Hòa Lộc, huyện Hậu Lộc vẫn chưa liên lạc được.
Trước đó, chiều ngày 28/8, UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã ra công điện khẩn yêu cầu Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai – Tìm kiếm cứu nạn các đơn vị, các huyện, thị xã, thành phố tập trung lực lượng để ứng phó với bão số 4. Theo đó, phải chủ động để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho tính mạng người dân và hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản.