Mấy ngày gần đây, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã có mưa to, mưa rất to, khiến mực nước ở nhiều sông dâng cao. Đặc biệt, trên sông Chu, lượng mưa lớn cộng với việc thủy điện Cửa Đạt xả lũ đã khiến mực nước sông dâng cao, gây ngập lụt đối với nhiều huyện suốt dọc tuyến.
Tại huyện miền núi Thường Xuân: Do ảnh hưởng của không khí lạnh, từ chiều tối ngày 21/9 đến nay, trên địa bàn huyện có mưa kéo dài và Nhà máy Thuỷ điện Hủa Na (Nghệ An) xả lũ về hồ Cửa Đạt nên Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng Thủy Lợi 3 (Ban 3) đã vận hành xả lũ theo phương án.
Bên cạnh đó, nước lớn từ các sông Đặt, sông Đằn đổ về đã làm mực nước sông Chu đang dâng cao gây ngập lụt, chia cắt nhiều thôn, khu phố của các xã Xuân Dương, Thọ Thanh, Ngọc Phụng, Xuân Cao. Đặc biệt, trên tuyến QL519 đoạn qua cầu Vụng Láu ở thị trấn Thường Xuân, nước ngập sâu đến 1m. Cầu treo Bản Mạ (thị trấn Thường Xuân) bị nước ngập sâu khiến toàn bộ thôn Bản Mạ với 50 hộ dân/200 nhân khẩu bị cô lập, chia cắt từ 17h ngày 22/9.
Ngoài ra, tại các xã vùng cao của huyện, mưa lớn và lũ đổ về đã làm nhiều tuyến giao thông, tất cả các đường tràn bị ngập lụt gây chia cắt giao thông, nhiều điểm trong khu dân cư có nguy cơ bị sạt lở, nhiều diện tích lúa, hoa màu trên địa bàn huyện bị ngập úng.
Tính đến sáng 23/9, toàn huyện Thường Xuân đã di dời được trên 500 hộ dân và tài sản, vật nuôi đến nơi an toàn. Hầu hết các tuyến giao thông trên địa bàn huyện vẫn bị chia cắt.
Huyện cũng đã chỉ đạo các xã, thị trấn bố trí lực lượng trực tại các điểm có nguy cơ cao về ngập, lụt, sạt lở đất, canh gác, hướng dẫn người và phương tiện lưu thông. Cùng với đó, huyện chỉ đạo các địa phương dọc các tuyến quốc lộ, đường tỉnh huy động nhân lực, vật lực theo phương châm “4 tại chỗ” chủ động khắc phục các điểm sạt lở đất, nhằm đảm bảo giao thông thông suốt.
Tại huyện Thọ Xuân: Do nước sông Chu dâng nhanh đã gây ra tình trạng trạng ngập lụt đối với đời sống của người dân trên địa bàn 11 xã và thị trấn. Tính đến 22h ngày 22/9/2024, huyện Thọ Xuân đã chỉ đạo 11 xã, thị trấn di dời 468 hộ dân theo cấp báo động I; đồng thời chuẩn bị phương án di dời khi có báo động 2.
Liên quan đến tình hình mưa lũ: Sáng 23/9, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Thanh Hóa đã có Công điện gửi Chủ tịch UBND các huyện Thọ Xuân, Yên Định, Thiệu Hóa phát lệnh Báo động II trên sông Cầu Chày.
Được biết: Vào hồi 7h ngày 23/9/2024, mực nước trên sông Cầu Chày tại trạm Thủy văn Xuân Vinh là +8.70m (dưới BĐ II là 0.3m). Theo bản tin cảnh báo lũ trên sông Cầu Chày của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Thanh Hóa tại Văn bản số CBLU58/08h20/THOA, ngày 23/9/2024, cảnh báo mực nước sông Cầu Chày tại trạm Thuỷ văn Xuân Vinh có khả năng đạt mức báo động II (+ 9.00m) vào khoảng từ 10 - 11 giờ ngày 23/9/2024.
Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh phát lệnh báo động II trên sông Cầu Chày, yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện triển khai ngay việc tuần tra canh gác đê và hộ đê theo các cấp báo động. Tổ chức kiểm tra, rà soát và sẵn sàng triển khai phương án đảm bảo an toàn công trình đê điều; đặc biệt là các vị trí trọng điểm xung yếu về đê điều, các cống dưới đê. Chủ động triển khai phương án sơ tán dân sinh sống ở vùng bãi sông, đảm bảo an toàn về người và tài sản.
Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24h, theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa, lũ để sẵn sàng xử lý các tình huống ngay từ giờ đầu; thông tin, báo cáo kịp thời về Văn phòng thường trực Chỉ huy Phòng, chống thiên tai tỉnh và Văn phòng thường trực Chỉ huy Phòng thủ dân sự, ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh.