Xã hội

Thanh Hóa siết chặt việc khai thác khoáng sản

Đình Minh, Ngọc Huyền 01/12/2023 13:47

Trong thời gian gần đây, cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa đã liên tục tiến hành nhiều đợt kiểm tra và ra quyết định xử phạt hàng loạt cá nhân, đơn vị vi phạm trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Động thái này cho thấy, tỉnh Thanh Hóa đang rất quyết liệt trong việc chấn chỉnh, xử lý các sai phạm trong lĩnh vực khoáng sản.

Xử phạt hàng loạt doanh nghiệp vi phạm

Theo số liệu thống kê, toàn tỉnh Thanh Hóa hiện có khoảng hơn 300 mỏ khoáng sản đang hoạt động, góp phần tạo việc làm cho hàng ngàn lao động có thu nhập ổn định (bình quân gần 7,5 triệu đồng/người/tháng); nhiều đơn vị, doanh nghiệp (DN) hoạt động sản xuất, kinh doanh khoáng sản theo đúng quy định của pháp luật đã mang lại hiệu quả, đóng góp cho ngân sách nhà nước, hỗ trợ các địa phương xây dựng cơ sở hạ tầng, công trình phúc lợi xã hội để hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

W_videocapture_20230315-115100.jpg
Từ 2 bài phản ánh của báo Đại Đoàn Kết tại khu vực mỏ đá tại xã Cẩm Quý, huyện Cẩm Thủy, cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa đã vào cuộc kiểm tra, chấn chỉnh lại hoạt động khai thác tại vực này.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn DN khai thác khoáng sản (KTKS) chưa thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật như khai thác vượt ra ngoài mốc giới được cấp phép, không đúng trình tự, phương pháp, chưa đúng thiết kế mỏ đã được thẩm định, phê duyệt; tình trạng các phương tiện vận chuyển khoáng sản quá trọng tải gây hư hỏng đường giao thông; một số đơn vị chưa thực hiện đầy đủ các giải pháp bảo vệ môi trường trong quá trình khai thác, vận chuyển, gây ô nhiễm môi trường...

Trước thực trạng đó, các ngành, các địa phương có khoáng sản đã đẩy mạnh tuyên truyền, tăng cường thanh, kiểm tra, xử lý nghiêm các đơn vị, DN sai phạm, từng bước nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước.

W_dji_fly_20230411_115442_465_1681206676147_photo.jpg
Từ cuối tháng 4/2023, báo Đại Đoàn Kết đã có nhiều bài viết về tình trạng khai thác cát gây sạt lở bờ sông tại xã Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Lộc. Đến tháng 11, UBND tỉnh Thanh Hóa đã yêu cầu tạm dừng khai thác cát tại khu vực này.

Đơn cử như trong tháng 6 và 7/20223, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành các văn bản kiểm tra hoạt động KTKS tại các mỏ đất sét làm gạch ngói và quặng photphorit trên địa bàn toàn tỉnh…Đối với 7 đơn vị được kiểm tra gồm: Công ty TNHH Khai thác và Chế biến khoáng sản liên doanh Việt Nhật; Công ty cổ phần cao lanh Như Xuân; Công ty CP Gạch ngói và Thương mại Hà Bắc; Công ty CP Bỉm Sơn Viglacera; Công ty CP Vĩnh Hòa; Công ty TNHH Gạch ngói Nam Vang; Công ty CP Mía đường Lam Sơn… đoàn kiểm tra đã chỉ ra nhiều tồn tại và hạn chế tại các mỏ, yêu cầu khẩn trương khắc phục, đồng thời báo cáo kết quả thực hiện về cơ quan hữu trách.

Cũng trong 2 tháng này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang đã ban hành hàng loạt quyết định xử phạt các DN có vi phạm trong lĩnh vực khoáng sản. Điển hình như vào ngày 2/7, Công ty TNHH Thanh Hải có mỏ đá tại xã Hà Long – huyện Hà Trung đã bị xử phạt 120 triệu đồng vì khai thác vượt mốc giới diện tích 3.855m2; Tổng Công ty Đầu tư Hà Thanh - CTCP có mỏ đá tại xã Minh Tân – huyện Vĩnh Lộc bị xử phạt 170 triệu đồng vì khai thác ra ngoài diện tích mỏ 9.404 m2...

W_dji_fly_20230421_161320_632_1682068722586_photo.jpg
Thời gian qua, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành nhiều văn bản để xử lý tình trạng lợi dụng dự án để múc đất tận thu đem bán sai quy định.

Tiếp đó, vào ngày 7/7, Công ty TNHH Anh Việt Hương có mỏ đá tại xã Xuân Phúc – huyện Như Thanh đã bị xử phạt 120 triệu đồng vì khai thác vượt diện tích vượt 2.011 m2... Ngày 17/7, Công ty TNHH Trung Nam bị xử phạt 650 triệu đồng vì khai thác đá vượt công suất 95,6% tại mỏ đá vôi ở xã Tân Trường- TX Nghi Sơn. Từ đầu năm đến nay, Công ty TNHH chế biến đá tự nhiên Nam Thái Sơn có mỏ đá tại thị trấn Yên Lâm – huyện Yên Định bị xử phạt với mức cao nhất là hơn 1,1 tỷ đồng vì đã vi phạm 5 lỗi, trong đó nặng nhất là khai thác ngoài mốc giới và vượt công suất mỏ.

Quyết liệt xử lý các sai phạm

Ngoài việc xử phạt hành chính đối với các DN vi phạm về KTKS, đối với các sai phạm nghiêm trọng, gây thất thoát nguồn tài nguyên lớn và gây bức xúc trong dư luận, cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa đã tiến hành khởi tố vụ án, bắt giữ các cá nhân có liên quan.

W_dji_fly_20230407_133126_398_1681107925413_photo.jpg
Mỏ đá Hà Tân, nơi có nhiều doanh nghiệp khai thác đá bị xử phạt thời gian qua.

Cụ thể, vào tháng 10/2022, Công an tỉnh Thanh Hóa đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 3 người ở huyện Yên Định và Vĩnh Lộc về tội “Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên”. Được biết, từ tháng 10/2020 - 5/2022, 3 người này đã tổ chức, huy động hàng chục tàu khai thác cát vượt công suất hơn 1 triệu m3, giá trị ước tính lên tới 95 tỷ đồng. Với các hành vi phạm tội, 3 người này bị tuyên tổng cộng 75 tháng tù giam.

Tiếp đó, vào cuối tháng 12/2022, Công an tỉnh đã khởi tố bị can, bắt giam ông Nguyễn Xuân Phượng - Giám đốc Công ty TNHH xây dựng và thương mại Tân Hải có mỏ đá tại xã Hà Tân – huyện Hà Trung về tội “Vi phạm về nghiên cứu, thăm dò và khai thác tài nguyên”. Được biết, ông Phượng đã chỉ đạo con trai tổ chức nổ mìn và cho công nhân khai thác đá vôi tại khu mỏ mở rộng nhưng chưa được cấp phép với tổng khối lượng hơn 480 nghìn m3, trị giá 33,6 tỷ đồng.

bat-giam.jpg
Ông Nguyễn Xuân Phượng - Giám đốc Công ty TNHH xây dựng và thương mại Tân Hải (dấu X) bị khởi tố, bắt tạm giam vì tổ chức khai thác trái phép.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa, trong năm 2022, các phòng, ban chức năng của Sở đã thực hiện 23 cuộc kiểm tra đột xuất theo chỉ đạo của UBND tỉnh, từ đó, đã phát hiện, xử lý hoặc kiến nghị xử lý xử phạt 16 vụ với tổng số tiền hơn 2,6 tỷ đồng.

Từ đầu năm 2023 đến nay, Sở đã phối hợp với ngành chức năng tiến hành nhiều đợt thanh, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật trong lĩnh vực khai thác khoáng sản, bảo vệ môi trường của nhiều doanh nghiệp, xử phạt với số tiền hàng trăm triệu đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thanh Hóa siết chặt việc khai thác khoáng sản

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO