Hàng trăm hộ dân huyện Đông Sơn (Thanh Hóa) sinh sống dọc tỉnh lộ 517 (tuyến đường nối QL45 với QL47), luôn phải chịu cảnh ô nhiễm môi trường và mất an toàn giao thông vì mặt đường hư hỏng nghiêm trọng.
Chị Nguyễn Thị Tuyến, chủ cửa hàng tạp hóa Tuyến Bình - trú tại thôn Thành Vinh, xã Đông Nam cho biết, sáng lau, trưa lau, chiều lau tiếp, nhưng chỉ được vài tiếng đồng hồ là bàn ghế, giường tủ và mọi vật dụng trong nhà lại bị phủ một lớp bụi mịn trắng đục.
Nhiều người dân trong khu vực này cũng cho biết: Vì đường hẹp lại nhiều “ổ trâu, ổ voi” giăng “thiên la địa võng” trên mặt đường nên việc đi lại của bà con gặp rất nhiều khó khăn và mất an toàn khi tham gia giao thông. Mỗi khi có xe tải chạy qua là con đường gần như trở thành một chiều, mọi phương tiện như xe máy, xe đạp đều phải dừng lại và nép vào sát lề mới tránh được va chạm.
Nguyên nhân chính dẫn đến sự xuống cấp và hư hỏng nặng nề của con đường là do tại xã Đông Nam có một số mỏ đá hoạt động, cộng với lưu lượng xe trọng tải lớn chở đất san lấp từ phía huyện Nông Cống thường xuyên qua lại đã dẫn đến thảm cảnh như hiện tại. “Xe chạy rầm rầm suốt ngày đêm nhưng tuyệt nhiên không thấy bóng dáng của bất cứ cơ quan chức năng nào đứng ra xử lý” - ông Nguyễn Văn Duy, trú tại xã Đông Phú bức xúc nói.
Được biết, để cải tạo, nâng cấp tuyến tỉnh lộ 517, góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội các xã phía đông của huyện Đông Sơn phát triển, đầu năm 2021, UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt dự án có tổng mức đầu tư lên đến 150 tỷ đồng từ nguồn vốn trung hạn (2021 - 2025) và giao cho UBND huyện Đông Sơn làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn đang nằm trong tình trạng “giậm chân tại chỗ” do giữa chính quyền và người dân không thống nhất được phương án đền bù, giải phóng mặt bằng (GPMB).
Nói về vấn đề này, ông Lê Cao Thắng, Chủ tịch xã UBND xã Đông Nam bày tỏ: Để có mặt bằng bàn giao cho chủ đầu tư, toàn xã có khoảng 180 hộ dân phải giải tỏa một phần đất đang sở hữu. Tuy nhiên, vì đây là một phần kế hoạch nằm trong chương trình xây dựng nông thôn mới nên huyện chủ trương vận động người dân tự nguyện hiến đất, cắt bỏ các công trình trên đất để dành kinh phí cho dự án. Với phương châm, hộ gia đình nào bị mất từ 20m2 trở xuống thì không được hỗ trợ, đền bù; từ 20m2 trở lên thì được hỗ trợ đền bù với mức giá là 1,5 triệu đồng/1m2.
“Hạn mức mà huyện giao cho chúng tôi là đến 30/10 phải bàn giao được mặt bằng cho bên thi công, nhưng đến nay xã mới chỉ vận động được hơn 50 người dân đồng ý giải tỏa. Đường rộng rãi, đẹp thì ai cũng muốn, nhưng khi vận động hiến đất, GPMB thì không phải ai cũng sẵn sàng chia sẻ với chính quyền! Chính điều này đang kéo chậm tiến độ của dự án”- ông Thắng nói.
Ông Lê Trọng Thụ, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Đông Sơn khẳng định: Dự án đang được huyện gấp rút triển khai từ nhiều tháng trở lại đây. Tuy nhiên, do vướng khâu GPMB cũng như nguồn vốn giải ngân nên đến nay nhà thầu thi công vẫn chưa thể bắt tay vào làm.
“Do nguồn vốn eo hẹp nên chúng tôi đã tính đến 2 phương án. Thứ nhất là sẽ ưu tiên cho các xã như Đông Nam, Đông Phú, giữ nguyên tuyến trình hiện tại và sẽ nâng cấp mở rộng lòng lề đường với điều kiện nhân dân tại các xã có tuyến đường đi qua phải hiến đất, dành kinh phí cho chất lượng công trình. Thứ 2, nếu người dân không thống nhất với phương án 1, huyện sẽ mở một tuyến đường khác ngắn hơn chạy trên đất nông nghiệp, qua thôn Mai Chữ (xã Đông Nam) nối với QL45 và huyện Quảng Xương. Số kinh phí dự định dùng cho công tác GPMB sẽ được dùng để xây cầu vượt đường sắt Bắc - Nam. Đây là tuyến đường mới góp phần mở thêm không gian phát triển cho các xã phía đông của huyện. Tuy nhiên, vì nhu cầu của người dân, chúng tôi sẽ vẫn để người dân tự lựa chọn và quyết định”- ông Thụ cho biết thêm.