Từ năm 2019 đến nay, tỉnh Thanh Hóa đã xảy ra 4 đợt dịch tả lợn châu Phi, trong đó riêng năm 2021 xảy ra 3 đợt. Đợt dịch thứ 4 này đã xuất hiện tại huyện Thiệu Hóa, Nông Cống, Triệu Sơn, Như Thanh.
Tính từ ngày 29/9 đến ngày 21/10, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 171 hộ thuộc 59 thôn, 19 xã của 3 huyện Thiệu Hóa, Nông Cống và Triệu Sơn. Số lợn phải tiêu hủy là 851 con với tổng trọng lượng 55.770kg.
Sau khi xuất hiện các ổ dịch, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã được cấp 162.000 lít hóa chất, 896 tấn vôi bột để thực hiện tiêu độc, khử trùng tại các khu vực chăn nuôi, các chợ, điểm giết mổ, buôn bán lợn, thịt lợn và những khu vực có nguy cơ cao. Ngoài ra, các địa phương đã tổ chức tiêu huỷ toàn bộ lợn mắc bệnh, lợn chết theo đúng quy định; bố trí nguồn lực tăng cường công tác giám sát dịch bệnh đến tận thôn để phát hiện sớm, xử lý, bao vây ổ dịch kịp thời…
Tính từ ngày 20/9, tỉnh đã thành lập hơn 600 trạm, chốt kiểm soát, tổ kiểm soát lưu động, thực hiện tuần tra, kiểm tra các hoạt động vận chuyển động vật, kinh doanh, các sản phẩm từ lợn. Đến nay, trên địa bàn tỉnh vẫn duy trì 272 chốt kiểm soát giám sát. Đối với các xã bị dịch uy hiếp, đã thực hiện việc tổng vệ sinh, khử trùng bằng vôi bột, hoá chất 1 lần/ngày trong vòng 1 tuần đầu tiên. Đối với các xã thuộc vùng đệm thực hiện vệ sinh, tiêu độc khử trùng 1 lần/ tuần trong vòng 1 tháng.
Được biết, Thanh Hóa hiện có hơn 335 trang trại và hàng nghìn gia trại chăn nuôi lợn, trong đó có nhiều trang trại quy mô lớn. Hiện nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi vẫn chưa có vaccine phòng bệnh, bởi vậy, nếu để tái phát hoặc xâm nhiễm dịch bệnh trên đàn lợn, thì thiệt hại về kinh tế là rất lớn.
Mới đây, ông Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản yêu cầu các cấp, các ngành phải thường xuyên theo dõi, nắm chắc tình hình dịch bệnh; quản lý chặt chẽ đàn lợn trên địa bàn đến từng trang trại, từng hộ gia đình; nhanh chóng phát hiện, khoanh vùng, khống chế và xử lý triệt để các ổ dịch trong thời gian sớm nhất. UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt các biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh dịch trên địa bàn theo phương châm “huyện giữ huyện”, “xã giữ xã”, “thôn giữ thôn”, “trang trại giữ trang trại”, “hộ giữ hộ”; khẩn trương rà soát, xây dựng, triển khai các phương án, kịch bản phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi để chủ động, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống.
Đồng thời, phải tổ chức rà soát, nắm chắc số lượng các tổ chức, hộ chăn nuôi lợn đến tận thôn, bản để giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh; tổ chức vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại, khu vực chăn nuôi; yêu cầu các tổ chức, hộ chăn nuôi khi có lợn ốm, chết bất thường phải báo ngay với chính quyền địa phương và cơ quan thú y để lấy mẫu, xét nghiệm và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định. Tổ chức tốt công tác kiểm dịch vận chuyển lợn, kiểm soát giết mổ, mua bán thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn theo quy định; căn cứ tình hình dịch bệnh trên địa bàn quản lý để lập các chốt kiểm soát dịch bệnh nhằm kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn ra, vào địa bàn...
Đối với các huyện đã xảy ra dịch phải tập trung thực hiện quyết liệt các biện pháp để sớm khống chế và xử lý dứt điểm các ổ dịch, kiên quyết không để lây lan ra diện rộng và tái phát dịch; phấn đấu dập tắt, công bố hết dịch trên địa bàn toàn tỉnh trước ngày 5/12.