Những ngày qua, hàng chục hộ dân sinh sống tại khu vực núi Biềng Kha, thôn Thanh Xá 3, xã Hà Lĩnh, huyện Hà Trung (Thanh Hóa) luôn sống trong tâm trạng nơm nớp lo sợ, do phía lưng chừng núi xuất hiện một vết nứt lớn như “giao thông hào”. Trong khi người dân đang hết sức lo lắng thì biện pháp duy nhất của chính quyền xã là căng dây cảnh báo, gửi kiến nghị lên trên và… chờ đợi!
Theo phản ánh của người dân thôn Thanh Xá 3, xã Hà Lĩnh, huyện Hà Trung thì vết nứt tại khu vực núi Biềng Kha đã xuất hiện từ nhiều năm trước. Ban đầu chỉ là một vệt nứt nhỏ, chạy dài theo triền núi, ẩn trong cây bụi, khó phát hiện. Tuy nhiên, sang đến mùa mưa bão năm nay, sau những đợt mưa lớn kéo dài, vết nứt lớn hơn rất nhiều và có chiều hướng ngày một nghiêm trọng hơn, đe dọa trực tiếp đến tính mạng và tài sản của hàng chục hộ dân sinh sống ngay phía bên dưới.
Tại hiện trường, theo quan sát của phóng viên: Vết nứt có chiều dài gần 100m, chiều rộng gần 70cm và sâu hơn 1m, kéo dài từ thân núi xuống sát QL217. Bên miệng vết nứt, nhiều cây cối trốc rễ, xiêu vẹo như muốn đổ ụp xuống bất cứ lúc nào. Các khối đất bên vách núi bị xệ xuống, tạo nên nguy cơ sạt lở rất cao.
Ông Hoàng Khắc Đơ - sinh sống ngay dưới chân núi Biềng Kha, thôn Thanh Xá 3, xã Hà Lĩnh lo lắng cho biết: Dọc QL217 nơi xảy ra những vết nứt trên núi này có hơn 10 hộ dân đang sinh sống. Ngoài ra còn có khoảng 20 hộ dân đã mua đất ở tại khu vực này và đang chuẩn bị xây dựng nhà ở. Đây không phải lần đầu tiên xuất hiện tình trạng này. Đã có lần gia đình ông phải di chuyển nhà, nạo vét vách núi để tránh tình trạng sạt lở đất xuống khu vực nhà ở. Bản thân gia đình ông liên tục bị đất đá từ trên núi sạt, trượt xuống, đặc biệt là vào mùa mưa lũ.
“Hiện tượng sạt lở đã có từ 7-8 năm nay, nhưng cách đây 3 năm, phía sau nhà tôi bị sạt lở một lần. Để khắc phục tạm thời gia đình tôi phải cho máy múc, công nông về nạo vét phần sạt lở phía sau nhà. Mấy năm trở lại đây khu vực này vẫn thường xuyên xảy ra hiện tượng sạt lở, nhất là mùa mưa bão như hiện nay. Cứ mỗi khi mưa lớn chúng tôi lại phải cắt cử người thức đêm để canh gác”- ông Đơ nói.
Tìm hiểu thêm từ phía các hộ dân khác chúng tôi được biết: Trước tình trạng trên, bà con nhân dân đã nhiều lần có kiến nghị đến chính quyền địa phương, đề nghị phải có biện pháp xử lý dứt điểm hiểm họa sạt lở, đặc biệt là trước thời điểm mưa bão, nhằm đảm bảo an toàn về tài sản, tính mạng cho người dân. Tuy nhiên, do không có kinh phí nên xã chưa thể làm gì hơn ngoài việc cảnh báo.
Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, ông Nguyễn Xuân Cường, Chủ tịch UBND xã Hà Lĩnh cho biết: Thời gian vừa qua do ảnh hưởng của mưa bão liên tục diễn ra trên địa bàn làm đất ngậm nước, dẫn đến vết sạt nứt lan rộng hơn. Đây không phải là điểm duy nhất đang có nguy cơ sạt lở mà tại khu vực núi Biềng Kha còn có một số điểm khác, có nguy cơ sạt lở cao hơn và cần được xử lý khẩn cấp.
“Đối với những điểm sạt lở nói trên, trước mắt chúng tôi sẽ cho căng dây cảnh báo người dân. Đồng thời thường xuyên kiểm tra, thậm chí có thời điểm phải trực gác tại các điểm sạt lở để kịp thời ứng phó, sẵn sàng di tản bà con nếu trường hợp xấu xảy ra. Về lâu dài, xã cũng đã báo cáo UBND huyện Hà Trung, đề nghị huyện khẩn trương có phương án xử lý. Chứ với nguồn kinh phí hạn hẹp của xã thì chúng tôi không đủ sức để xử lý triệt để!” - ông Cường bày tỏ.
Liên quan đến vấn đề trên, ông Nguyễn Xuân Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hà Trung cho biết, huyện vẫn chưa nhận được báo cáo cụ thể, chi tiết về nguy cơ sạt lở tại khu vực núi Biềng Kha từ phía UBND xã Hà Lĩnh. “Tuy nhiên, qua thông tin báo chí phản ánh, chúng tôi sẽ khẩn trương cho đoàn kiểm tra, rà soát cụ thể và đánh giá mức độ nguy hiểm tại đây để có phương án xử lý tối ưu nhất khi có thể!” - ông Dũng cho hay.