Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết sẽ thành lập một ủy ban chuyên nghiên cứu về việc chỉnh sửa gene. Quyết định trên được đưa ra sau khi nhà khoa học Trung Quốc Hạ Kiến Khuê thông báo tạo ra một cặp bé gái song sinh "biến đổi gene" đầu tiên trên thế giới, gây chấn động cộng đồng khoa học quốc tế.
Ảnh minh họa. |
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus khẳng định không thể tiến hành chỉnh sửa gene mà không có hướng dẫn rõ ràng, cụ thể. Chính vì vậy, WHO đang bàn bạc với giới chuyên gia cũng như hợp tác với các nước thành viên để thảo luận các tiêu chuẩn và hướng dẫn, trong đó có các vấn đề an toàn xã hội và đạo đức liên quan đến việc chỉnh sửa gene.
Theo ông Tedros, hiện WHO đang trong quá trình thành lập ủy ban chuyên nghiên cứu việc chỉnh sửa gene, bao gồm các học giả cũng như chuyên gia y tế của các Chính phủ và WHO. Tuy nhiên, Tổng Giám đốc WHO không cho biết sáng kiến này có nhằm phản ứng với việc thử nghiệm mới đây của nhà khoa học Trung Quốc Hạ Kiến Khuê hay không cũng như từ chối bình luận việc liệu WHO có thể cho phép chỉnh sửa một số gene có lợi cho sức khỏe cộng đồng trong tương lai hay không.
Trước đó, tại Hội nghị quốc tế về biến đổi gene người diễn ra ngày 27/11 tại Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc), nhà khoa học Hạ Kiến Khuê đã làm chấn động giới khoa học khi thông báo về sự ra đời của cặp song sinh "biến đổi gene" đầu tiên trên thế giới.
Ông Hạ nói rằng đã chỉnh sửa thành công ADN của cặp bé gái song sinh từ một người cha dương tính với HIV. Cặp song sinh này có ADN được chỉnh sửa bằng kỹ thuật CRISPR nhằm ngăn ngừa khỏi bị nhiễm HIV. CRISPR cho phép các nhà khoa học thay đổi một vài tế bào của một cơ quan cụ thể, song chưa bao giờ được sử dụng để chỉnh sửa tất cả các tế bào của cả cơ thể.
Thông tin này lập tức vấp phải sự phản đối kịch liệt của cộng đồng quốc tế. Ngày 28/11, ông Hạ cho biết cuộc thử nghiệm đã phải tạm dừng.
Công nghệ chỉnh sửa gene mở ra hướng điều trị đầy hứa hẹn đối với một số căn bệnh di truyền nhưng nó cũng đặc biệt gây tranh cãi vì những biến đổi như vậy có nguy cơ truyền tiếp cho những thế hệ sau những gene đã bị chỉnh sửa. Ở nhiều nước, kỹ thuật biến đổi ADN ở người được kiểm soát chặt chẽ.
Nhiều chuyên gia cảnh báo việc chỉnh sửa các phôi thai người có thể tạo ra những đột biến không lường trước hay còn gọi là "tác dụng ngoài mong muốn", coi thử nghiệm này là một "bước thụt lùi" đối với giới khoa học và là ví dụ về một "phương pháp không được nghiên cứu cẩn thận một cách đầy đủ và thích đáng".