Thanh long tăng giá: Sau tin vui lại thấy lo

Thanh Xuân 10/04/2023 08:30

Đã từng bị chặt đi, trồng thay thế cây khác, rồi hiện tại lại đang được bà con nông dân tập trung trồng thật nhiều do giá cao. Đó là số phận của cây thanh long hiện nay. Câu chuyện này tiếp tục đặt ra vấn đề, làm sao để nông sản giữ được giá, tránh điệp khúc trồng – chặt chạy theo thị trường?

Thanh long nói riêng, các sản phẩm nông nghiệp nói chung cần nâng cao chất lượng để chinh phục các thị trường khó tính.

Giá thanh long tăng, người trồng phấn khởi

Thời gian gần đây, xuất khẩu hút hàng nên giá trái thanh long thương phẩm tăng lên, nhiều người ở tỉnh Tiền Giang – thủ phủ của trái thanh long đã có lãi. Đây là tín hiệu mừng, song bên cạnh đó lại canh cánh nỗi lo người nông dân sẽ chạy theo thị trường và tái diễn tình trạng trồng – chặt đã từng xảy ra không chỉ với trái thanh long.

Bà Huỳnh Thu Bé, chủ hộ trồng thanh long ở xã Thanh Bình (huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang) cho biết, mấy ngày này, thương lái thu mua thanh long thương phẩm với giá nhích lên hẳn so với trước, 25 nghìn đồng/kg. Giờ đây, bà Bé đang thu hoạch nốt số diện tích thanh long còn sót lại để bán với niềm vui trồng thanh long thu được lãi cao. Theo chia sẻ của bà Bé, từ đầu năm đến nay gia đình bà bán 2 đợt thanh long đều có lãi lớn.

“Gia đình tôi trồng khoảng 2ha thanh long, trước đây khó khăn vì thanh long chẳng được giá mấy nhưng mấy năm trở lại đây giá đã nhích lên rất nhiều. Thương lái họ đã vào tận vườn trả 25.000 đồng/kg. Trong khi giá trên 20.000 đồng là có lãi. Với đà này, trồng cam, bưởi cũng không bằng thanh long” – bà Bé cho biết.

Theo bà con nông dân huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang, từ trước Tết Nguyên đán đến nay, đầu ra trái thanh long rất thuận lợi, giá liên tục tăng. Ở thời điểm hiện tại, thanh long ruột đỏ (loại 1) giá trên 34.000 đồng/kg, loại 2 giá 28.000 đồng/kg và loại 3 giá 25.000 đồng/kg. Riêng trái thanh long ruột trắng cũng ở mức 22.000 đồng/kg. So với cùng kỳ năm ngoái, trái thanh long hiện nay tăng hơn 10.000 đồng/kg. Với mức giá ổn này, nhà vườn trồng cây thanh long có lãi gần 500 triệu đồng/ha.

Giá thanh long tăng cao là tin vui cho người trồng thanh long. Thế nhưng, cùng với đó là nỗi lo về tình trạng chặt – trồng, trồng chặt. Bởi theo nhận định của các nhà vườn và ngành nông nghiệp tỉnh Tiền Giang, dù trái thanh long đã giữ mức cao và khá ổn định trong thời gian qua, song cũng chưa thể chắc chắn về tính bền vững do đó, vấn đề nâng cao chất lượng gắn với liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm cần được quan tâm.

Ông Hoàng Tuấn Hùng, chủ nhà vườn thanh long với diện tích 1,5 ha được trồng theo tiêu chuẩn Global GAP (xã Mỹ Tịnh An, huyện Chợ Gạo) cho biết, giá thanh long khởi sắc thực sự là tin vui cho bà con nông dân khi trồng trái cây này đã có lãi lớn. Tuy nhiên, với kinh nghiệm của người trồng thanh long hơn một thập kỷ qua, ông Hùng cho rằng, muốn bền vững hay không phải tổ chức lại sản xuất, liên kết tiêu thụ sản phẩm, làm sao để sản phẩm của mình đủ chất lượng đảm bảo các quy chuẩn quốc tế để có thể xuất khẩu đi nước ngoài, như thế mới có thể bền vững.

Nâng chất để phát triển bền vững

Toàn tỉnh Tiền Giang hiện có gần 10.000 ha cây thanh long; trồng nhiều nhất ở huyện Chợ Gạo, Gò Công Tây, Tân Phước, Gò Công Đông… cho sản hàng năm trên 236.000 tấn quả. Cùng với sầu riêng, mít thì trái thanh long cũng là loại trái cây đang cho hiệu quả kinh tế cao nhất do thị trường Trung Quốc hút hàng.

Tuy nhiên, ngành nông nghiệp tỉnh Tiền Giang không khuyến khích người dân ồ ạt mở rộng diện tích mà chỉ cải tạo lại vườn cây đúng quy chuẩn, chú trọng các mô hình sản xuất sạch đáp ứng nhu cầu xuất khẩu ra các nước trên thế giới. Chủ trương của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang là, vẫn xem thanh long là cây trồng chủ lực trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, để tránh tình trạng trồng – chặt chạy theo thị trường khi được giá, Sở khuyến cáo bà con nông dân không nên phát triển thêm diện tích mà cần đầu tư chăm sóc, phòng trừ dịch hại diện tích hiện có, đặc biệt là sản xuất rải vụ để không cùng một lúc thu hoạch sản lượng lớn dẫn đến dội chợ sẽ bị rớt giá.

Theo Chi cục Trồng Trọt - Bảo vệ thực vật tỉnh Tiền Giang, hiện các thị trường tiêu thụ lớn trái thanh long như Trung Quốc và một số thị trường khác, quy chuẩn về các vấn đề an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc rất cao nên các sản phẩm nông sản nói chung, thanh long nói riêng cần phải nâng chất để có thể đáp ứng yêu cầu của các thị trường, kể cả thị trường khó tính nhất.

Theo định hướng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích thanh long đến năm 2030 của cả nước là 48.500ha - 49.000ha. Năm 2021, diện tích thanh long cả nước đã đạt 65.000ha, sản lượng hơn 1,3 triệu tấn. Các tỉnh có diện tích thanh long lớn là Bình Thuận 33.000ha, Long An trên 11.800ha và Tiền Giang xấp xỉ 10.000ha.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thanh long tăng giá: Sau tin vui lại thấy lo