Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) vừa cảnh báo: Do người dân Trung Quốc đặc biệt ưa chuộng thanh long nên trong vài năm gần đây diện tích trồng thanh long của Trung Quốc đã tăng hơn 10 lần. Điều này sẽ gây khó khăn cho xuất khẩu thanh long của Việt Nam vào thị trường Trung Quốc.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) thông tin: Trong tháng 11/2020, xuất khẩu thanh long các loại (bao gồm thanh long tươi, đông lạnh, nước ép thanh long, thanh long sấy khô) đạt 82 triệu USD, giảm gần 9% so với tháng 11/2019. Tính chung 11 tháng năm 2020, xuất khẩu thanh long các loại ước đạt 1,08 tỷ USD, giảm 10,2% so với cùng kỳ năm 2019.
Đáng chú ý, Cục Xuất nhập khẩu cảnh báo, do người dân Trung Quốc đặc biệt ưa chuộng thanh long nên trong vài năm gần đây diện tích trồng thanh long của Trung Quốc đã tăng hơn 10 lần. Hiện nay, diện tích trồng thanh long của Trung Quốc là khoảng 35.555 ha, tương đương với diện tích trồng thanh long của Việt Nam. Điều này sẽ gây khó khăn cho xuất khẩu thanh long của Việt Nam tới thị trường Trung Quốc trong thời gian tới.
Đứng sau thị trường Trung Quốc, thị trường xuất khẩu thanh long lớn thứ 2 của Việt Nam là Mỹ cũng giảm. Cụ thể, 10 tháng năm 2020, xuất khẩu thanh long các loại tới thị trường này đạt 21,1 triệu USD, giảm 28,3% so với cùng kỳ năm 2019.
Để đẩy mạnh xuất khẩu thanh long các loại, đặc biệt là chủng loại quả thanh long tươi trong thời gian tới, phía chuyên gia nông nghiệp cho rằng các doanh nghiệp cần chú trọng tới sản xuất để đáp ứng đúng các quy định, yêu cầu khắt khe của các thị trường xuất khẩu. Cần phải sản xuất thanh long tiêu chuẩn VietGAP để nâng cao giá trị cạnh tranh của trái thanh long trên thị trường xuất khẩu...
Và quan trọng hơn là đưa ra giải pháp phát triển trái cây thành ngành hàng chiến lược. Bởi càng vươn ra thị trường thế giới, hợp tác thương mại với nhiều quốc gia khác, ngành sản xuất và xuất khẩu trái cây Việt càng đòi hỏi một chiến lược phát triển bền vững, một quy chuẩn chất lượng để có thể cạnh tranh trên thị trường thế giới.
Trong định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Bộ NNPTNT, trái cây được coi là một trong 9 ngành hàng chủ lực bên cạnh các ngành hàng thủy sản, lúa gạo, hạt điều, chế biến và xuất khẩu gỗ, đồ gỗ, cà phê, cao su, tiêu.
Theo thống kê của Cục trồng trọt (Bộ NNPTNT) giai đoạn từ 2015 đến tháng 8/2019, diện tích cây ăn trái của khu vực phía Nam đạt khoảng 600.000ha. Tổng sản lượng đạt 6,6 triệu tấn, chiếm 67% sản lượng trái cây của cả nước, trong đó có 14 loại cây ăn trái có diện tích trồng hơn 10.000 ha như xoài, chuối, thanh long, sầu riêng, cam, bưởi, nhãn, dứa, chôm chôm, mít, bơ, mãng cầu…Riêng khu vực ĐBSCL, diện tích sản xuất cây ăn trái đạt 350.000 ha.
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh cho biết, để có thể chủ động thích ứng với những thay đổi của thị trường và điều kiện tự nhiên, khu vực ĐBSCL được Bộ NNPTNT quy hoạch dựa trên các biến động về nguồn nước, tính thích nghi về đất đai, phát triển bền vững thành 3 vùng. Đó là vùng thượng, vùng giữa và vùng ven biển, xoay trục chiến lược của ngành nông nghiệp thành thủy sản, trái cây và cuối cùng là lúa gạo.
Còn theo ông Nguyễn Như Hiến, Trưởng Phòng cây lâu năm, Văn phòng Cục trồng trọt phía Nam, ngành sản xuất và chế biến trái cây phải tổ chức lại sản xuất và liên kết, các doanh nghiệp cũng cần đổi mới công nghệ chế biến. Như vậy, mới phát huy hết hiệu quả của từng khâu như sản xuất giống, sản xuất trái cây tươi, chế biến và tiêu thụ.
“Khi những mắt xích trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ trái cây được thực hiện tốt từng khâu, mối liên kết chuỗi hình thành và phát triển chặt chẽ, ngành hàng trái cây Việt Nam mới đi vào sản xuất và tiêu thụ ổn định, người sản xuất cũng có động lực đưa ngành trái cây đi lên”, ông Hiến gợi mở.