Thanh toán trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt là một chủ trương đúng đắn được Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước thúc đẩy phát triển từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, do thói quen nên phần lớn người dân vẫn sử dụng tiền mặt để thanh toán. Giới chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến xấu, việc thanh toán không dùng tiền mặt là một giải pháp hữu hiệu để người dân có thể phòng tránh trước một nguồn nguy cơ nhiễm bệnh.
Thanh toán không dùng tiền mặt đã dần quen thuộc với người thành phố.
Tỷ lệ thanh toán tiền mặt vẫn chiếm tới gần 80%
Theo các chuyên gia ngành tài chính, ngân hàng, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, đây là lúc đẩy mạnh thanh toán trực tuyến thanh toán không dùng tiền mặt như chủ trương của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước thời gian qua.
Với những lợi ích về độ an toàn, tiết kiệm thời gian và chi phí, thanh toán không dùng tiền mặt là xu hướng tất yếu, đặc biệt khi cả thế giới đang đón cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Thanh toán không dùng tiền mặt sẽ giảm nhiều nguy cơ về mất tiền hoặc giúp người tiêu dùng tiết kiệm chi phí vận chuyển, tiết kiệm thời gian khi muốn mua sắm hàng hóa hoặc thanh toán các loại dịch vụ như điện, nước… “Với một chiếc điện thoại thông minh, hoặc một chiếc máy tính tôi có thể mua sắm đủ thứ ngay tại nhà, thanh toán cũng rất thuận tiện chỉ bằng những thao tác nhấn phím hoặc kick chuột đơn giản, không mất thời gian đi ra ngoài, giảm nhiều nguy cơ về an toàn giao thông cũng như nguy cơ mất tiền mặt, giảm cả chi phí về thời gian. Trong khi chờ hàng đến có thể ở nhà làm đủ việc thay vì phải đến tận địa điểm mua sắm”- chị Nguyễn Thùy Trang, một nhân viên văn phòng (Lê Trọng Tấn, Hà Nội) chia sẻ.
Còn anh Trần Văn Chương (Kim Sơn, Ninh Bình) cho hay, tiện lợi nhất của việc thanh toán không dùng tiền mặt là việc đi khám chữa bệnh tại các bệnh viện không phải nơm nớp lo mất tiền khi trong tay đã có một tấm thẻ tiền lợi và gọn nhẹ.
Có thể thấy rõ những lợi ích mà việc thanh toán trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt mang lại cho người dân. Tuy nhiên, thời gian qua, mặc dù nhà quản lý đã nỗ lực đưa ra nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển loại hình thanh toán này, song thực tế tỷ lệ người dân thanh toán không dùng tiền mặt vẫn rất thấp. Số liệu thống kê cho biết, tỷ lệ thanh toán tiền mặt ở Việt Nam vẫn rất cao, lên tới 79%, trong khi tỷ lệ giao dịch không dùng tiền mặt chỉ vỏn vẹn trên 20%.
Cơ hội để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt
Nêu nguyên nhân của thực tế này, ông Lê Thanh Tâm- Tổng Giám đốc IDG Việt Nam & ASEAN cho hay, một phần do hệ thống hạ tầng kỹ thuật tài chính chủ yếu tập trung tại các trung tâm, thành phố lớn, chưa vươn đến các vùng nông thôn, miền núi. Tỷ lệ vay mượn qua các tổ chức tài chính chính thức thuộc diện tương đối cao nhưng vẫn còn nhiều hình thức vay mượn không chính thức; tài chính kỹ thuật số chưa phát triển, số người sử dụng các dịch vụ tài chính số ở mức thấp.
Ngoài ra, do thói quen tiêu dùng của người Việt Nam vẫn “ăn chắc mặc bền”, phải có tiền mặt trong tay mới cảm thấy an tâm, dẫn đến mục tiêu phát triển loại hình thanh toán này chưa được như kỳ vọng.
Giới chuyên gia nhận định, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt là việc cần làm, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang chưa có dấu hiệu chững lại. “Thanh toán trực tuyến, không dùng tiền mặt sẽ giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm cho người dân”- TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngành tài chính - ngân hàng nhấn mạnh. Theo TS Hiếu, với chủ trương giãn cách xã hội, hạn chế tiếp xúc mà nhà quản lý đang đưa ra để phòng chống dịch Covid-19, loại hình kinh doanh trực tuyến đang trở thành lựa chọn chính của nhiều người dân, giới thương nhân hiện nay. Đây là cơ hội để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. “Có thể, sau khi dịch bệnh kết thúc, thương mại điện tử phát triển mạnh sẽ càng tạo cơ hội để chúng ta hướng đến nền kinh tế “phi tiền mặt”- ông Hiếu nói. Tuy nhiên, để có thể tạo điều kiện phát triển mạnh loại hình thanh toán này, thu hút người dân sử dụng dịch vụ mạnh mẽ hơn vị chuyên gia khuyến cáo, các ngân hàng phải cung cấp đầy đủ phương tiện, công nghệ tại các địa điểm thanh toán, giúp người dân dễ dàng sử dụng. Theo ông Hiếu, các ngân hàng cần mở rộng các điểm giao dịch bằng phương thức này, tạo điều kiện cho người dân, khi họ cảm thấy việc thanh toán này thuận tiện hơn nhiều so với việc thanh toán kiểu truyền thống, tất yếu họ sẽ chuyển đổi.
Giới chuyên gia trong ngành cũng cho rằng, để thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt, tâm lý “ăn chắc” đã ăn sâu vào tư duy của người dân Việt Nam không dễ từ bỏ trong một sớm một chiều, song nếu có sự đồng thuận chung tay của cả Nhà nước, ngân hàng, doanh nghiệp thì mục tiêu hướng đến thanh toán không dùng tiền mặt sẽ được sớm hiện thực hóa.