Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị chuyển 40 vụ việc liên quan đến các gói thầu phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19 cho cơ quan điều tra để xem xét, xử lý theo thẩm quyền.
Gần 5.000 gói thầu liên quan phòng chống dịch Covid-19 vướng sai phạm
Thanh tra Chính phủ (TTCP) vừa có Báo cáo số 362/BC-TTCP về Kết quả giải quyết và trả lời kiến nghị của cử tri gửi trước kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.
Báo cáo do Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong ký, ban hành hôm 16/2. Kết quả thanh tra cho thấy, ngành y tế có nhiều nỗ lực trong mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ kịp thời cho khám, chữa bệnh, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến rất phức tạp. Đa số gói thầu mua sắm được các cơ quan y tế triển khai bảo đảm trình tự thủ tục, góp phần quan trọng trong việc đẩy lùi dịch bệnh trên phạm vi cả nước.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện còn nhiều thiếu sót, khuyết điểm, vi phạm trong xây dựng kế hoạch lựa chọn nhà thầu, tổ chức đấu thầu mua sắm, thực hiện hợp đồng mua sắm.
Một số hàng hóa nhập khẩu chưa thể hiện đầy đủ các thông tin về chất lượng, nguồn gốc, giá cả; số mặt hàng mua bán qua nhiều khâu trung gian làm tăng giá sản phẩm so với giá gốc.
TTCP lập 3 đoàn thanh tra tại Bộ Y tế, Hà Nội và TPHCM đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn thanh tra các bộ, ngành, địa phương tiến hành thanh tra chuyên đề liên quan các gói thầu trong phòng chống dịch Covid-19. Có 9 bộ, ngành và 61 tỉnh thành thành lập đoàn thanh tra, đã tiến hành thanh tra 21.383 gói thầu (đạt 59,23%) với tổng giá trị 15.475 tỷ đồng (đạt 59,36%).
Theo kết quả thanh tra, việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế đã được các đơn vị thực hiện theo quy trình, thủ tục quy định tại Luật Đấu thầu, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP, Thông tư số 58/2016/TT-BTC.
Tuy nhiên, quá trình mua sắm có nhiều thiếu sót, khuyết điểm, vi phạm trong việc lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu, tổ chức đấu thầu và thực hiện hợp đồng mua sắm tại nhiều địa phương.
Cụ thể, tại 54/61 tỉnh, thành phố có 4.992 trong số 15.909 gói thầu có sai phạm liên quan đến mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế.
Một số địa phương có tỉ lệ gói thầu vi phạm cao thông qua kiểm tra xác suất một số đơn vị, cơ sở y tế, như: Hà Tĩnh, Đà Nẵng 100%; Hải Phòng 95,8%; Quảng Trị 95,2%; Nam Định 91,3%; Bình Thuận 90,7%; Cần Thơ 89,3%; Vĩnh Long 85,5%; Cao Bằng, Điện Biên, Ninh Bình, Hà Giang trên 70%...
Chuyển 40 vụ việc cho cơ quan điều tra
Đáng chú ý, có một số vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước. TTCP đã kiến nghị chuyển 40 vụ việc cho cơ quan điều tra để xem xét, xử lý theo thẩm quyền; trong đó, TTCP 16 vụ việc; thanh tra bộ, thanh tra tỉnh 24 vụ việc.
Các bộ, ngành hoàn thiện cơ chế chính sách như: Sớm trình cấp có thẩm quyền kế hoạch xây dựng Luật Quản lý trang thiết bị y tế; sửa đổi quy định để khắc phục bất cập, vướng mắc trong quá trình thực hiện đấu thầu trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế công lâp; sớm trình Chính phủ ban hành Nghị định về vay vốn, huy động vốn, liên doanh, liên kết, thuê tài sản, thuê đơn vị cung ứng dịch vụ đối với cơ sở y tế công lập, khắc phục những bất cập trong việc đặt máy, mượn máy tại các cơ sở y tế công lập; nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung Luật Đấu thầu, Nghị định 63/2014 theo hướng bổ sung quy định cụ thể về "trường hợp cấp bách" và việc áp dụng hình thức "chỉ định thầu rút gọn" khi xảy ra trường hợp cấp bách….
Cơ quan thanh tra cũng kiến nghị các bộ, ngành, địa phương tổ chức kiểm điểm, xử lý vi phạm, thu hồi các khoản tiền do vi phạm, khẩn trương chấn chỉnh, khắc phục kịp thời những thiếu sót, khuyết điểm đã được chỉ ra qua thanh tra.
Đối với quyền lợi của tổ chức, cá nhân bị thiệt hại trong vụ kit test Việt Á, người đứng đầu TTCP cho biết, trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, các cơ quan chức năng sẽ làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo Tổng TTCP Đoàn Hồng Phong, tổ chức, cá nhân nào có căn cứ cho rằng mình bị thiệt hại trong vụ Việt Á, có thể liên hệ với cơ quan chức năng để được xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật.