Nhiều thủy đài (bồn nước công cộng- tháp nước) đã xuống cấp, bị bỏ hoang đến 50 năm, nằm xen kẽ trong khu dân cư với những nguy cơ tiềm ẩn thường trực. Sau nhiều kiến nghị đến nay chính quyền TP HCM đã phê duyệt cho tháo dỡ…
Một thủy đài nằm trên khu đất vàng ngay mặt tiền
đại lộ Võ Văn Kiệt - TP HCM. (Ảnh: Hồng Phúc).
Tiềm ẩn nhiều nguy cơ
Theo Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH Một thành viên (SAWACO) thì trong quý IV năm nay thành phố sẽ tiến hành tháo dỡ 7 thủy đài trong nhóm xuống cấp nằm trên địa bàn các quận trung tâm. Trong đó có 2 thủy đài nấm khổng lồ nằm trên đường 3 Tháng 2 (P.11, Q.10) và đường Lê Đại Hành (P.7, Q.11) là 2 công trình đã có tuổi thọ khoảng 50 năm. Tiếp đó, thành phố sẽ cho tháo dỡ tiếp 5 thủy đài nằm trong khu vực dân cư, với các rủi ro phức tạp hơn. Đó là vì các công trình này đều nằm sát nhà dân, muốn tháo dỡ phải có tính toán kích thước, cấu kiện rất kỹ lưỡng.
Như Đại Đoàn Kết đã có các bài phản ánh Bất an dưới thủy đài” (số ra ngày 30/9/2015); “Lo lắng sống dưới thủy đài” (số ra ngày 26-10-2015); “Phá dỡ thủy đài khổng lồ trăm tuổi ở Sài Gòn” (số ra ngày 16/3/2016), thời gian qua dù hơn 100 thủy đài lớn nhỏ khắp TP.HCM đã không còn hoạt động, bị bỏ hoang nhưng lại chưa có phương án xử lý. Về nguồn gốc các thủy đài được xây dựng để tăng áp nước cho người dân các khu vực xa nhà máy nước Thủ Đức từ trước năm 1975, tuy nhiên khi xây xong và đưa vào sử dụng thì các thủy đài không vận hành được do bị rò rỉ, nứt và thấm. Ngoài việc làm ảnh hưởng đến không gian đô thị, việc các công trình cao tới vài chục mét này đang đồng loạt xuống cấp đã gây bất an cho cuộc sống của người dân xung quanh. Điển hình như chúng tôi đã phản ánh thủy đài ở khu vực cầu vượt Quang Trung (Q.12) đã xuống cấp trầm trọng. Người dân phản ánh thường xuyên chứng kiến hiện tượng rơi rớt các mảng bê tông xuống nhà dân, gây lo lắng cho nhiều người sống gần khu vực thủy đài. Có trường hợp, vật liệu rớt trúng đầu nhưng không biết kêu ai xử lý bởi thực tế, thủy đài này hầu như bỏ hoang cả mấy chục năm qua. Người dân cũng phản ánh tới Đại Đoàn Kết tình trạng xuống cấp tại các thủy đài tại khu vực đường Hoàng Diệu (Q.4), đường Lê Đại Hành (Q.11), đường Hồ Văn Huê (Phú Nhuận),… bởi các loại nguyên vật liệu rớt xuống, nhất là mùa mưa như hiện nay. Mới đây nhất, Trường Quân sự Quân khu 7 (TP HCM) đã phải cho tiến hành cho tháo dỡ thủy đài khổng lồ trên đường Tô Ký (Q.12) do thủy đài này đã xuống cấp nghiêm trọng đe dọa an toàn đến các khu dân cư bên cạnh. Việc tháo dỡ phải kéo dài ngót nghét một tháng do kết cấu của thủy đài cũng như quá trình tháo dỡ phải làm lưới chắn cẩn thận để đảm bảo an toàn cho người dân sống xung quanh thủy đài.
Đề xuất cho đấu giá
Cũng theo SAWACO thì các thủy đài do đơn vị này quản lý hầu hết được xây dựng, kết cấu bằng bê tông cốt thép với dung tích từ 1.200 m3 – 8.500 m3 được xây dựng trong thời gian từ những năm 1965 – 1969 đến nay nên tính an toàn của công trình cần phải được khảo sát, tính toán cẩn trọng, phương án tối ưu là tháo dỡ để đảm bảo không gian an toàn cho các nhà dân xung quanh. Hiện nay SAWACO đang đề xuất UBND TP cho đấu giá diện tích đất thuộc 2 thủy đài tại 10/6 Tô Ngọc Vân, P.Linh Tây, Q.Thủ Đức và thủy đài tại địa chỉ 58/27A Trần Văn Kỷ, P.14, Q.Bình Thạnh.
Theo tính toán, diện tích sau khi tháo dỡ các thủy đài vào quý IV-2016 sẽ vào khoảng 12.000m2 và sẽ là quỹ đất để sử dụng cho xây dựng nhà ở, nhà cao tầng. Chưa kể một số thủy đài nằm ở vị trí đất vàng ngay trung tâm thành phố, có giá trị lớn.
Theo PGS.TS Nguyễn Lê Ninh - Ủy viên Ủy ban MTTQ TP HCM, để làm được điều này thì cần sự thống nhất chung trong lãnh đạo thành phố. Ngoài ra, diện tích đất sau khi tháo dỡ các thủy đài cần được tính toán để xây dựng thành các công trình công viên, công trình công cộng cho các khu vực dân cư khu vực xung quanh.