Chuẩn bị những bước để mở cửa trở lại nền kinh tế, các hiệp hội, một số doanh nghiệp (DN) lớn cho rằng, cần có sự đồng bộ trong cơ chế thực hiện Chỉ thị 16 và các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về mở cửa và kiểm soát dịch để làm sao các địa phương thật sự thấu hiểu, phải làm theo một chương trình hành động xuyên suốt từ trên xuống dưới.
Cụ thể, từ những vướng mắc về việc cấp “giấy đi đường”, từ việc “ngăn sông cấm chợ”, hay việc “tỉnh lộ thông nhưng thôn lộ, ấp lộ tắc”... cho thấy sự thiếu đồng bộ từ các cấp. Do đó, để sớm hồi phục nền kinh tế, thì cần có “mệnh lệnh” xuyên suốt... Bởi nếu địa phương này mở cửa nhưng địa phương kia lại thắt chặt sẽ không tạo ra sự đồng bộ cho phục hồi, phát triển sản xuất và kinh doanh.
Phó Chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da giày-Túi xách Việt Nam Phan Thị Thanh Xuân nêu thực tế, thời gian vừa qua, nền kinh tế bị ảnh hưởng phần lớn do DN bị “ngăn sông cấm chợ”. Tức là nơi cho lưu thông, nơi đóng chặt khiến họ không thể thực hiện mục tiêu “3 tại chỗ”, chán nản khi không thể làm gì.
Như tại tọa đàm trực tuyến “Kết nối cung cầu nông thủy sản giữa các tỉnh, thành ĐBSCL với TPHCM” mới đây, ông Nguyễn Phước Thiện, Giám đốc Sở NNPTNT Đồng Tháp cho biết, mỗi địa phương có kế hoạch phòng, chống dịch khác nhau nhưng cần thống nhất từ đầu, giúp DN muốn đi qua tỉnh khác để thu hoạch hoặc vận chuyển đỡ bị phiền phức xin giấy tờ chỗ này, xác nhận chỗ kia.
Ông Thiện nêu ví dụ, trường hợp DN muốn qua Đồng Tháp thu hoạch nông thủy sản thì Đồng Tháp phải phát văn bản hỏi các tỉnh khác có cho qua hay không thì địa phương mới đồng ý tiếp nhận DN. Vậy rất tốn thời gian, bởi chỉ chậm nửa ngày hoặc một ngày là doanh nghiệp đã gặp khó khăn. Lãnh đạo các tỉnh ĐBSCL cần ngồi lại, có kế hoạch cụ thể, hướng dẫn chung để DN chủ động di chuyển giữa các vùng, tránh mất từ 3-5 ngày để xin thủ tục đi lại.
Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở NNPTNT Long An thông tin, tuần đầu tiên áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 16, mỗi ngày đơn vị này tiếp nhận 300 cuộc điện thoại qua đường dây nóng xin gỡ khó vận chuyển lưu thông, nhất là vật tư sản xuất nông nghiệp.
Như vậy, để mở cửa trở lại nền kinh tế cần phải dỡ bỏ ngay rào cản này. Để làm được điều này, bà Xuân đề nghị cho DN được góp ý rộng rãi các văn bản chính sách để tránh trường hợp khi ra rồi áp dụng không được thì lại thu hồi, gây khó khăn cho DN.
“Phải có một mệnh lệnh từ trên xuống và đưa vào văn bản để chỉ đạo thống nhất chứ không chung chung là khuyến khích, tạo điều kiện, giao trách nhiệm cho địa phương tự thực hiện để xảy ra tình trạng mỗi nơi một kiểu như thời gian vừa qua”, bà Xuân nhấn mạnh.
DN cần chuẩn bị gì? Theo bà Phan Thị Thanh Xuân, vấn đề đưa lao động trở lại nhà máy cần phải làm ngay. DN cần có tính toán, kiến nghị để có sự phối hợp của Chính phủ, địa phương để đưa công nhân quay trở lại thành phố.
Đại diện một số DN cho rằng, mấu chốt chính nhất chính là lên các phương án rủi ro vì đã mở cửa nền kinh tế thì DN đang đối diện với nguy cơ nhiễm bệnh cao. Cụ thể, có dự phòng nhân sự để có thể thay phiên nhau, lên chính sách khuyến khích họ sẵn sàng tham gia.
Đồng thời dự phòng chuỗi logistics. Các dịch vụ phụ trợ. Dự phòng rủi ro của đối tác cả cung ứng nguyên liệu và đầu ra sản phẩm... Mặt khác, dự phòng các tình huống xấu nhất có thể xảy ra và phương án xử lý để không bị động. Từ đó, có kiến nghị kịp thời đến các cấp liên quan xử lý tháo gỡ.