Ngày 21/2, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự phiên cấp cao Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) thường niên với chủ đề “Phục hồi kinh tế và phát triển chuỗi cung ứng trong bối cảnh bình thường mới”. Diễn đàn do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) và Liên minh Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam tổ chức.
Gần 160 nghìn doanh nghiệpthành lập mới và quay trở lại hoạt động
Phát biểu khai mạc diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, năm 2021 môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam tiếp tục được cải thiện. Theo đó, gần 160 nghìn doanh nghiệp (DN) thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội ước đạt trên 2,89 triệu tỷ đồng, tăng 3,2% so với năm 2020. Tuy đây là mức tăng thấp nhất trong nhiều năm qua nhưng là kết quả khả quan trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và có những tác động tiêu cực tới trong nước và trên thế giới. Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài phục hồi, tổng vốn đăng ký đạt trên 31 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2020, cho thấy nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục tin tưởng vào kết quả phòng, chống dịch Covid-19 của Chính phủ, cũng như môi trường đầu tư tại Việt Nam.
Về đổi mới sáng tạo, thương mại điện tử, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số, công nghiệp văn hóa, các mô hình, hoạt động kinh doanh mới ngày càng được quan tâm đầu tư phát triển mạnh mẽ và sâu rộng. Hội nghị sẽ là cơ hội để cộng đồng doanh nghiệp đóng góp ý kiến, đề xuất những giải pháp nhằm triển khai Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; đồng thời, xác định trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế tư nhân và đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của Việt Nam; thể hiện sự đồng hành của Chính phủ cùng cộng đồng DN vượt qua khó khăn, ổn định và phục hồi sản xuất kinh doanh.
Bà Amy Luinstra- Quyền Giám đốc Quốc gia cấp cao của IFC cho rằng, năm 2021 khi dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng nền kinh tế Việt Nam đã đạt được những kết quả khả quan. Điển hình như xuất nhập khẩu tiếp tục tăng trưởng mạnh và đạt kỷ lục, xuất siêu gần 4 tỷ USD, môi trường đầu tư trong nước được cải thiện đáng kể, những cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong thúc đẩy tăng trưởng xanh. Bà Luinstra tin tưởng trong năm 2022 dưới sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển, nâng cao đáng kể khả năng chống chịu, tăng trưởng xanh hơn, đổi mới hơn, bao trùm hơn.
Tại diễn đàn, ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch Liên minh Diễn đàn DN Việt Nam cho biết, cách đây 5 tháng, cộng đồng DN đã hết sức lo lắng do những diễn biến phức tạp và tác động của dịch bệnh tới hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, Chính phủ, Thủ tướng đã có những chỉ đạo kịp thời, quyết liệt, hiệu quả, giúp doanh nghiệp và nền kinh tế vượt qua các khó khăn thách thức. Thủ tướng đã liên tục có các cuộc gặp gỡ, làm việc, đối thoại với DN, khảo sát thực tế, kiểm tra tại tâm dịch, lập các tổ công tác tháo gỡ khó khăn. Đặc biệt, việc thực hiện thành công chiến lược vaccine, đưa Việt Nam trở thành một trong những nước có tỷ lệ bao phủ vaccine cao nhất thế giới đã tạo sự yên tâm, tin tưởng cho DN trong nước và quốc tế trong đầu tư, kinh doanh.
Còn ông Alain Cany- Hiệp hội DN châu Âu (Eurocham) khuyến nghị, cần tăng cường hợp tác công tư để xây dựng điện toán đám mây cho các cơ quan Chính phủ, áp dụng các chính sách ưu tiên đám mây thông minh và giảm chi phí bằng cách cơ chế công nhận, tuân thủ và bảo mật trên đám mây được quốc tế công nhận.
Tập trung cho 3 khâu đột phá chiến lược
Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, những kết quả phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam năm 2021 đạt được là nhờ đã linh hoạt, thay đổi tư duy và biện pháp phòng chống dịch, chuyển hướng kịp thời trong điều kiện khó khăn; nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng tình, hưởng ứng của người dân và cộng đồng DN; sự ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè, đối tác quốc tế với tinh thần “đồng cam cộng khổ”, “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”.
Thủ tướng khẳng định: “Tình hình càng khó khăn, phức tạp, càng phải giữ vững bản lĩnh, đoàn kết, thống nhất, bình tĩnh, kiên trì, sáng suốt lựa chọn con đường, giải pháp phù hợp, tổ chức thực hiện hiệu quả”.
Năm 2022, Việt Nam tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ trong bối cảnh “bình thường mới”, dựa trên kinh nghiệm đã được đúc kết về phòng chống dịch gồm 3 trụ cột về cách ly, xét nghiệm, điều trị, Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam đang tập trung cho 3 khâu đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực. Theo đó, về thể chế, Việt Nam sẽ tập trung sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật, nhất là các vấn đề thực tiễn mới phát sinh, cần điều chỉnh để tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách, tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế-xã hội.
Về hạ tầng, Việt Nam tập trung cho hạ tầng chiến lược, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng số, hạ tầng ứng phó biến đổi khí hậu. Về đào tạo nguồn nhân lực, Việt Nam chuyển mạnh từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học.
Bày tỏ mong muốn các DN, hiệp hội tiếp tục đồng hành, hỗ trợ, giúp đỡ Việt Nam trong quá trình phục hồi nhanh, phát triển bền vững, Thủ tướng giao các bộ, ngành, cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu, phản hồi và xử lý các ý kiến, kiến nghị xác đáng tại diễn đàn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, giải quyết những tồn tại, hạn chế trong khâu thực thi, tháo gỡ các rào cản về thể chế, quy định pháp luật, hỗ trợ tốt hơn cho cộng đồng DN và các tổ chức quốc tế, thúc đẩy phát triển và phục hồi chuỗi sản xuất.