Ngày 3/12, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị với các bộ, ngành đánh giá tình hình giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn nước ngoài các tháng cuối năm 2024. Tại Hội nghị, đại diện các đơn vị đã trao đổi về vướng mắc và đề xuất giải pháp để đảm bảo các dự án được triển khai đúng tiến độ.
Tiến độ giải ngân còn chậm
Ông Hoàng Hải - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) cho biết, thời gian qua, vấn đề giải ngân vốn đầu tư công nói chung và vốn đầu tư công nguồn vốn nước ngoài (ODA) nói riêng luôn được Chính phủ quan tâm và coi đây là một trong những nguồn lực để phát triển kinh tế. Với mục tiêu giải ngân đạt 95% trong cả năm 2024, Chính phủ đã có hàng loạt chỉ đạo để đẩy nhanh tiến độ giải ngân.
Về phía Bộ Tài chính đã chỉ đạo toàn ngành thực hiện đồng bộ các biện pháp để đẩy manh tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư công, bao gồm cả vốn vay nước ngoài; đôn đốc phân bổ, nhập dự toán Tabmis và giải ngân kế hoạch đầu tư công nguồn vốn nước ngoài năm 2024. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã tích cực làm việc và trao đổi trực tiếp, trực tuyến với các cơ quan chủ quản và chủ dự án để rà soát, đôn đốc giải ngân; tổ chức các đoàn đi thực địa các dự án để nắm bắt khó khăn, vướng mắc trong giải tổ chức đoàn đi thực địa các dự án ngân. Tuy nhiên kết quả giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn nước ngoài chưa được như mong muốn.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, lũy kế giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài 11 tháng kế hoạch năm 2024 của các bộ ngành đạt 39,06% kế hoạch vốn điều chỉnh, tương đương 3.285,7 tỷ đồng. Tỷ lệ giải ngân đầu tư công vốn nước ngoài 11 tháng đầu năm 2024 gấp hơn 2 lần tỷ lệ giải ngân 6 tháng đầu năm 2024 (16,62% kế hoạch vốn). Tuy nhiên vẫn thấp hơn hẳn so với kết quả giải ngân nguồn vốn đầu tư công trong nước 11 tháng đầu năm 2023 (đạt khoảng 53,16% kế hoạch).
Theo thống kê, có 2/10 bộ, ngành giải ngân trên 50% kế hoạch vốn: Bộ Tài nguyên Môi trường (87,76%), Bộ Giao thông vận tải (58,35%). Có 4/10 bộ đã giải ngân nhưng tỷ lệ giải ngân thấp: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (39,41%), Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (29,79%), Đại học Quốc gia Hà Nội (6,75%), Đại học Quốc gia TPHCM (6,82%).
“Có thể thấy mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 đạt 95% là khá khó khăn. Trong bối cảnh Chính phủ đẩy mạnh cải cách hành chính, việc thực hiện các cơ chế chính sách để phục vụ việc giải ngân vốn đầu tư công một cách nhanh nhất là cần thiết. Tại Hội nghị hôm nay Bộ Tài chính sẽ cùng làm việc trực tiếp với các bộ, ngành để cùng thảo luận về những khó khăn và tháo gỡ các vướng mắc trong thực tế” - ông Hoàng Hải nhấn mạnh.
Tập trung tháo gỡ khó khăn
Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, năm 2024 Bộ này có 2 dự án về xây dựng hạ tầng của Đại học Đà Nẵng và Đại học Y dược (Đại học Huế) với tổng số vốn là 629 tỷ đồng. Những vướng mắc chính khi thực hiện các dự án ODA là về quy trình, thủ tục, đặc biệt là trong các khâu như giải phóng mặt bằng, thẩm định thiết kế, dự toán, đấu thầu… Cùng với đó, các quy định hiện hành khá phức tạp, gây chậm trễ trong triển khai. Nguồn vốn đầu tư cho các dự án đến nay đã được phân bổ, tuy nhiên có một số dự án vẫn còn thiếu vốn, cần phải điều chỉnh bổ sung. Việc giải ngân vốn cũng gặp một số khó khăn.
Với những khó khăn về quy trình, thủ tục, nguồn vốn và tiến độ thực hiện, Bộ Giáo dục và Đào tạo kiến nghị đề xuất các giải pháp tập trung vào việc đơn giản hóa các quy định, bổ sung nguồn vốn và gia hạn thời gian thực hiện nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án. Ngoài ra, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan để thực hiện các giải pháp này.
Chia sẻ về tình hình thực hiện các dự án ODA trong năm qua, đại diện Bộ LĐTBXH cho biết, Bộ đang có 1 dự án sử dụng vốn ODA của ADB. Theo tiến độ năm 2024, các tiểu dự án thuộc dự án này sẽ kết thúc. Dự án đã gặp nhiều khó khăn và chậm tiến độ so với kế hoạch ban đầu. Một số lý do chính bao gồm: Quá trình chuẩn bị dự án kéo dài hơn 2 năm do vướng mắc về mặt bằng và thủ tục; Công tác đấu thầu và phê duyệt hồ sơ thiết kế gặp nhiều khó khăn do quy định về sử dụng vốn ODA. Cùng vơi đó, dự án có quy mô lớn, chưa dự phòng được các rủi ro có thể xảy ra trong quá trình triển khai.
Để tháo gỡ những khó khăn này, đại diện Bộ LĐTBXH đề xuất gia hạn thời gian thực hiện dự án thêm 2 năm, từ năm 2024 đến năm 2027. Các bộ, ngành liên quan như Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Xây dựng cũng cần hỗ trợ, tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình triển khai dự án cũng như đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.
Ông Nguyễn Minh Tân - Phó Vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước cho biết, với Bộ Tài chính, việc cân đối bố trí dự toán ngân sách hàng năm là cực kỳ khó khăn, để đảm bảo tỷ lệ theo quy định 28 - 30% chi cho đầu tư phát triển, giảm chi thường xuyên. Trong khi đó, nguồn lực cho đầu tư phát triển càng tăng mà không giải ngân nổi gây ra nhiều bất cập. Ông Tân đề nghị các cơ quan còn chậm trong triển khai thực hiện giải ngân vốn ODA phải có báo cáo lãnh đạo các giải pháp giải ngân sao cho đạt kết quả cao nhất; đồng thời, có giải pháp giải ngân kế hoạch vốn của năm 2025 ngay từ đầu năm sao cho hiệu quả, quyết liệt hơn.
Đại diện Vụ Ngân sách nhà nước cũng đề nghị, thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chú trọng việc bố trí vốn, để các bộ ngành tập trung giải quyết bố trí nguồn vốn cũ, nếu không sẽ gây tồn đọng, dồn vốn khiến việc giải ngân càng khó khăn.