Tháp Chăm Bình Định

Vân Ly 22/01/2017 09:28

Thời gian gần đây, về Bình Định khám phá sự kỳ bí của những tòa tháp Chăm - minh chứng thời kỳ phát triển rực rỡ của nền văn hóa Champa đang là lựa chọn của nhiều du khách.

Quần thể tháp Dương Long.

Thật hiếm nơi nào những quần thể tháp Chăm lại có kiến trúc khác biệt và độc đáo như ở đất võ Bình Đinh - vốn là vùng văn hóa Champa cổ xưa. Niên đại của hệ thống tháp Chăm được xác định chừng 1.000 năm.

Hệ thống tháp gồm 8 cụm tháp với 14 tháp hiện tồn tại, trong đó, 7 cụm đã được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng di tích văn hóa cấp quốc gia trải rộng khắp vùng: Tây Sơn, An Nhơn Tuy Phước và Quy Nhơn.

Xuất phát từ thành phố Quy Nhơn, sẽ gặp Tháp Đôi ngay trong lòng thành phố, bên bờ đầm Thị Nại. Tháp nằm cạnh cầu Ðôi trên đường Trần Hưng Đạo, phường Đống Đa, thành phố Quy Nhơn.

Tháp Ðôi còn có tên là tháp Hưng Thạnh, được xếp vào một trong những tháp đẹp nhất của nghệ thuật kiến trúc Chămpa.

Bởi hai tháp đứng gần như song song với nhau nên được gọi là Tháp Đôi. Tiếp tục đi ra hướng bắc là tháp Phú Lốc và tháp Cánh Tiên, hai ngọn tháp này cũng được xây trên những ngọn đồi cao, từ Quốc lộ 1 nhìn lên đều thấy.

Tháp Cánh Tiên nằm giữa thành Ðồ Bàn, thuộc làng Nam An, xã Nhơn Hậu, huyện An Nhơn, cách thành phố Qui Nhơn 27km về hướng tây bắc. Tháp được xây trên một đỉnh đồi cao chừng vài chục mét, thờ Nữ Thần Y A Na.

Tháp Cánh Tiên có bề mặt vuông, nhiều tầng xây bằng gạch, cao gần 20m, trông xa giống như đôi cánh của nàng tiên đang bay lên trời.

Đây là một trong những ngôi tháp điển hình cho phong cách kiến trúc Bình Định. Đi tiếp về phía biển, du khách sẽ bắt gặp tháp Bình Lâm (thuộc huyện Tuy Phước) trên núi Bà.

Tháp Đôi.

Cũng thuộc địa phận huyện Tuy Phước, cách thành phố Quy Nhơn khoảng 30km, sát ngã ba Quốc lộ 19 và Quốc lộ 1, là quần thể tháp Bánh Ít, gồm 4 tháp lớn nhỏ được xây trên một ngọn núi, soi bóng xuống dòng sông Côn, đứng từ xa trông giống như chiếc bánh ít nên gọi là tháp Bánh Ít.

Quanh tháp chính còn có 3 tháp phụ, hình dáng thấp và nhỏ hơn. Trên đỉnh mỗi tháp đều có tượng thần Siva làm bằng đá.

Từ tháp Bánh Ít, theo Quốc lộ 19 lên Tây Sơn, chiêm ngưỡng tháp Thủ Thiện ở bên này và tháp Dương Long ở bên kia sông Kôn. Tháp Dương Long thuộc xã Bình Hòa, huyện Tây Sơn, còn có tên là tháp Ngà, gồm 3 tháp, tháp giữa cao 24m, hai tháp hai bên cao 22m.

Ðây là một trong những cụm tháp đẹp nhất còn lại của miền Trung Việt Nam. Phần thân tháp xây gạch, các góc được ghép những tảng đá lớn và các trang trí điêu khắc đều bằng đá. Cửa tháp quay hướng đông và được nâng lên khá cao, khoảng 1,5m và khung cửa là những khối đá lớn. Nửa phần trên của tháp gần như là những khối đá lớn xếp chồng lên nhau rất khéo.

Ở các góc là những mảng chạm lớn với hình chim thần Garuda, Voi, Đại bàng... Ðặc biệt là những đỉnh tháp ở đây là những bông sen vĩ đại với nhiều lớp cánh hoa hơi hướng lên trên.

Đáng chú ý, tháp Chăm ở Bình Định thường được phân thành hai nhóm: một nhóm là những tháp mang đặc trưng cơ bản của kiến trúc tháp Champa gồm Bình Lâm, Bánh Ít, Cánh Tiên, Thốc Lốc, Thủ Thiện có niên đại vào nửa sau thế kỷ XI nửa đầu thế kỷ XII; một nhóm chịu ảnh hưởng của nghệ thuật kiến trúc tháp Khmer gồm Dương Long và tháp Đôi, có niên đại cuối thế kỷ XII, đầu thế kỷ XIII.

Tháp Chăm ở Bình Định cũng được xây dựng theo kiến trúc tháp Champa: bình đồ vuông, thân trụ khối vươn cao, hệ thống mái nhiều tầng thu nhỏ vươn lên, toàn bộ tháp được trang trí các họa tiết đẹp như một tác phẩm nghệ thuật; vật liệu xây dựng tháp chủ yếu là gạch, kỹ thuật xây dựng gạch mài chập.

Tuy nhiên, tháp Chăm ở Bình Định hình thành một phong cách mới riêng có. Ngoài kế thừa truyền thống tháp Champa chủ đạo, kiến trúc tháp còn xuất hiện nhiều yếu tố chịu ảnh hưởng của kiến trúc Khmer.

Những ngọn tháp được xây trên đồi cao, kiến trúc tháp hình khối chắc khỏe, lớp vòm cửa hình mũi lao nhọn, các tháp góc trang trí tầng mái lớp lớp nhô vút lên, khác với vẻ cắt gọt cầu kỳ, đường nét uốn lượn của giai đoạn trước.

Những yếu tố trên tạo cho kiến trúc tháp Bình Định vẻ đẹp khỏe khoắn, trang nhã mà không kém phần tôn nghiêm. Trong điêu khắc, hình khối điêu khắc phong cách Bình Định giản lược và gân guốc hơn, toát lên vẻ khỏe khoắn, hoành tráng và căng tràn sức sống.

Điều thú vị là dõi theo những bước chuyển trong phong cách nghệ thuật của những ngọn tháp này, ta đọc thấy ở đó, những mối giao lưu đan cài của cả ba nền văn hóa: Champa, Đại Việt và Khmer. Đây cũng là điều rất thú vị có thể cảm nhận trên mỗi dáng tháp Chăm ở Bình Định.

Hơn thế, xét về quy mô, trong những công trình kiến trúc gạch Đông Nam Á, tháp Dương Long là cao nhất. Về kỹ thuật, kỹ thuật xây tháp bằng gạch của người Chăm không quốc gia nào thời ấy, kể cả Campuchia, Indonesia, Myanma - những quốc gia có kiến trúc gạch cùng thời đạt được.

Về nghệ thuật, bản thân sự phối hợp giữa hai loại vật liệu không đồng chất là gạch và đá trên mỗi kiến trúc tháp ở Bình Định là rất độc đáo, sáng tạo. Sự phong phú và đa dạng của loại hình di tích Chăm ở Bình Định cũng là một yếu tố góp phần vào việc khẳng định giá trị riêng có, độc đáo của tháp Chăm Bình Định.

Tính hệ thống, mà hầu hết những yếu tố góp vào hệ thống ấy như thành, cảng thị, đền tháp, đồ gốm và các lò gốm, ta đều có thể dễ dàng tìm thấy di chỉ vật chất đang hiện hữu, càng khẳng định tính độc nhất vô nhị của hệ di tích Chăm Bình Định.

Đó cũng là những sự khác biệt khi đem so sánh tháp Chăm Bình Định với khu di tích Mỹ Sơn. Trong khi khu di tích Mỹ Sơn gồm những công trình tôn giáo - tín ngưỡng gắn với Ấn Độ giáo, thì tháp Chăm ở Bình Định lại biểu hiện sự hỗn dung tôn giáo, tín ngưỡng giữa Ấn Độ giáo, Phật giáo và tín ngưỡng bản địa.

Những đền tháp này lại được đặt trong sự gắn kết với đời sống của cộng đồng cư dân, thể hiện bằng một trung tâm về chính trị, kinh tế, quân sự và tôn giáo (thành Đồ Bàn), với hoạt động kinh tế (đồ gốm Gò Sành), và trung tâm thương mại (cảng Thị Nại, thành Thị Nại).

Hơn nữa, nếu các tháp Chăm tại khu di tích Mỹ Sơn nay chỉ còn là phế tích, thì hệ thống tháp Chăm Bình Định vẫn cứ trường tồn với thời gian.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tháp Chăm Bình Định