Thất thế ly hương

Phương Hà 07/06/2016 09:15

London, thủ đô vương quốc Anh và Paris, thủ đô Pháp, hiện vẫn tiếp tục là “điểm đến” hấp dẫn đối với nhiều nhà cựu lãnh đạo bị lật đổ ở quê hương.

Thất thế ly hương

Mohammed Nasheed.

Theo hãng tin Reuters ngày 23/5, chính quyền Anh vừa cho phép cựu tổng thống quốc đảo Meldives, Mohammed Nasheed, được nhận chế độ tị nạn chính trị. Ông này đã bị kết án ở quê hương nhưng mới đây đã được cho ra nước ngoài để chữa bệnh.

Nasheed sinh năm 1967 tại thành phố Male, là tín đồ Hồi giáo dòng sunnit. Ông được bầu làm Tổng thống Maldives ngày 28/10/2008, sau khi đánh bại vị trưởng lão nhiều năm làm nguyên thủ quốc gia Maumoon Abdul Gayoom ở vòng thứ hai. Nasheed được coi là vị tổng thống đầu tiên ở Maldives được bầu một cách dân chủ. Ông chính thức nhậm chức ngày 11/11/2008. Tuy nhiên, chỉ sau bốn năm thì ông đã buộc phải tuyên bố từ chức ngày 7/2/2012 dưới sức ép của làn sóng biểu tình dữ dội.

Tháng 10/2012, Nasheed đã bị tống giam một thời gian vì đã không tới phiên tòa xử việc ông bị buộc tội lạm dụng quyền lực khi còn là tổng thống. Tuy nhiên, chánh án vẫn cho phép Nasheed đi sang Ấn Độ cho tới ngày 9/2/2012. Phiên tòa mới dự định sẽ khai mạc vào ngày 10/2 nhưng Nasheed lại không đếm xỉa tới trát gọi của tòa và tá túc tại đại sứ quán Ấn Độ ở Thủ đô Maldives nên tới tháng 3/2013 đã bị bắt giam trong một ngày. Tới tháng 2/1015, Nasheed lại bị bắt vì bị buộc tội liên quan tới việc bắt chánh án tòa hình sự Abdulla Mohamed năm 2012. Tháng 3/2015, tòa án tuyên bố Nasheed có tội vì đã ra lệnh bất hợp pháp bắt giữ Andulla Mohamed – hành động này bị coi như một hành động khủng bố. Ông bị kết án 13 năm tù… Tháng 1/2016, Nasheed được phép rời khỏi Maldives do sức ép quốc tế đối với vị tổng thống đương nhiệm Abdulla Yameen…

Cũng phải nói rằng, nước Anh hiện đang dẫn đầu về số lượng các cựu chính trị gia nước ngoài, thậm chí cả cựu nguyên thủ quốc gia, tới tị nạn, vượt lên trên cả Đức, Mỹ, Pháp, Canada… Thí dụ như con trai của cựu Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak, ông Gamal, cũng có hộ chiếu Anh. Ông rời tổ quốc sang “hòn đảo sương mù” từ tháng 1/2011. Vợ con ông này hiện đang ở London và địa chỉ nơi họ tá túc đang được giữ bí mật…

Thất thế ly hương - 1

Pervez Musharaff.

Cựu Tổng thống Pakistan, tướng Pervez Musharaff, từng lãnh đạo quốc gia Trung Á này từ năm 1999 tới năm 2008, hiện cũng đang ở London trong cảnh lưu đày tự nguyện. Ông từng tuyên bố rằng sẽ không bao giờ trở về tổ quốc nữa. Tháng 2/2011, tòa án ở thành phố Ravallindi đã ra sắc lệnh bắt giữ ông Musharaff vì tội liên quan tới vụ ám sát bà cựu Thủ tướng Benazir Bhutto. Tất nhiên, ông tướng muốn sống yên ổn ở London chứ không muốn ra tòa. Bản thân bà Bhutto trong nhiều năm khác nhau cũng từng tị nạn ở Anh, những khi bà không được “cơm lành canh ngọt” với chính quyền Pakistan…

Cũng giống như London, Paris cũng là nơi thu hút không ít những chính trị gia hết thời phải bỏ của chạy lấy người khỏi cố quốc. Trong số này, con trai của nhà độc tài Haiti, Jean Claude –Duvalier (7/1951 – 10/2014), hay người đời vẫn gọi, bebe Doc, có lẽ là người khét tiếng nhất. Năm 1971, ở tuổi 20, Bebe Doc đã được thừa hưởng quyền lực tối cao ở một trong những quốc gia nghèo khổ nhất thế giới từ người cha có biệt danh là Papa Doc. Và Bebe Doc đã ngồi được ở vị trí béo bở này những 15 năm, chủ yếu dựa vào bộ máy cảnh sát ngầm rất thông thạo những trò tác oai tác quái. Trong khoảng thời gian này, Bebe Doc đã biển thủ từ ngân quỹ, theo những nguồn tin khác nhau, từ 30 tới 800 triệu USD. Phần lớn số tiền này là tiền viện trợ từ nước ngoài.

Năm 1986, trong cảnh khốn cùng, người dân Haiti đã buộc phải “vùng dậy” cướp chính quyền. Những thế lực ngoại bang từng o bế Bebe Doc, trước tiên là Washington, cũng buộc phải quay lưng lại với nhà độc tài tham lam thiển cận nhưng vẫn “hỉ xả” cho y một chiếc máy bay phản lực bay đi tìm chốn nương thân trong những ngày tàn. Sau những thương thảo khá căng, nước Pháp đồng ý chấp nhận cho Bebe Doc tạm sống lưu vong: dù sao thì trước kia Haiti cũng đã từng là thuộc địa của Paris. Điều kiện ban đầu là Bebe Doc chỉ ở Pháp một thời gian ngắn cho hồi tâm rồi phải chuyển sang sống lâu dài ở một nước thứ ba nào đó. Nhưng dù các nhà ngoại giao có cố gắng đến mấy thì cũng chẳng có nước nào chịu nhận nhà cựu lãnh đạo khét tiếng tham lam và tàn ác này. Và thế là đã một phần tư thế kỷ qua, Bebe Doc đã phải “sống tạm” ở Paris. Không có giấy tờ gì kèm theo, nếu không kể cuốn hộ chiếu Haiti đã bị hết hạn sử dụng. Bù lại, y có những tài khoản nhiều triệu USD ở các ngân hàng Mỹ và Thụy Sĩ.

Thất thế ly hương - 2

Bebe Doc.

Trong một số năm, Bebe Doc cùng bầu đoàn thê tử đã sống như những ông bà hoàng Arab giàu sang, xa hoa. Lúc thì họ ở trong khách sạn thượng đẳng Abbaye de Talloires bên bờ hồ Annecy gần biên giới Pháp - Thụy Sĩ, lúc thì ở trong những biệt thự mênh mông ở Côte d’Azur. Bebe Doc chỉ đi bằng những cỗ xe hơi Ferrari hay Bentley, dùng bữa trong những nhà hàng ngon nhất, vung tay quá trán những đồng tiền đã ăn cướp được của đất nước Haiti. Tay chân của y liên tục đi sang Geneva và Zurich để mang về những va li chứa đầy tiền mặt. Nhiều va li như thế đã rơi vào tay Michelle, vợ của Bebe Doc. Cô này sau ba năm sống cảnh lưu vong với chồng đã cao chạy xa bay để đi tìm niềm hạnh phúc mới cùng với một phần không nhỏ gia sản mang theo từ Haiti.

Thế là những ngày vui vô tư lự đã kết thúc với nhà cựu độc tài. Y đã gần như bị mắc kẹt ở Paris trong cảnh túng bấn. Chủ ngôi biệt thự mà Bebe Doc thuê để ở gần Cannes, đã kiện y ra tòa vì tội nhiều tháng liền không thanh toán tiền. Lái xe riêng của Bebe Doc sau nhiều tháng không được nhận lương đã tống thẳng vào mặt chủ cũ mấy quả đấm. Cuối cùng, Bebe Doc với bà mẹ già cùng người bạn tình ở giữa những năm 90 của thế kỷ trước đã phải chuyển về ở trong một căn hộ ba phòng tại khu nhà xoàng xĩnh ở phía Đông Paris, ngay sát vùng ngoại ô “lắm vấn đề" Bagnolet. Đôi khi y gặp phải cảnh bĩ cực đến mức bị cắt điện thoại vì không có tiền thanh toán… Rốt cuộc, tới trung tuần tháng 1-2001, Bebe Doc đã tìm đường quay trở lại Haiti.

Theo lời Bebe Doc, y thực sự muốn “giúp” tổ quốc đang chìm trong những khốn khó. Thế nhưng, vừa xuống máy bay, y đã bị bắt ngay. Rồi y được thả ra sau khi ký giấy không rời khỏi Haiti… Tới ngày 4/10/2014, Bebe Doc đã bị đột tử chết tại thủ đô Haiti…

Khác với Bebe Doc, cựu Tổng thống Congo, Pascal Lissouba hiện không hề gặp khó khăn gì trong chuyện ăn ở tại Pháp. Ông này đang sử dụng căn biệt thự hoành tráng nằm tại khu phố sang trọng Prony gần công viên Monceau tại quận 17 của Paris. Biệt thự này đã được mua nhờ những khoản tiền được gửi vào tài khoản của Lissouba từ năm 1992 tới năm 1997 khi ông giữ trọng trách nguyên thủ ở quốc gia châu Phi giàu “vàng đen” trong lòng đất này. Những đồng tiền mà Lissouba có, như một nguồn tin từ cộng đồng người Congo ở Paris tiết lộ cho phóng viên tờ “Báo Nga”, chính là thu được nhờ dầu mỏ. Tuy nhiên, không ai biết được các công ty khai thác dầu mỏ của Pháp và Mỹ đã đút lót bao nhiêu tiền cho Lissouba khi ông này còn là Tổng thống Congo.

Thất thế ly hương - 3

Pascal Lissouba.

Cũng cần nói rằng, Pascal Lisouba là một trường hợp rất thú vị nếu nhìn từ những góc độ khác nhau. Đó không phải là Bebe Doc với trình độ trung học. Lissouba là một trí thức có học vấn cao. Ông từng tốt nghiệp Trường cao cấp Nông nghiệp ở Tunisia cũng như Trường Đại học Tổng hợp Paris. Ông có thời từng là một vị Bộ trưởng Nông nghiệp và Thủ tướng xuất sắc của Congo. Ông có những công trình nghiên cứu về gien. Từ năm 1979 tới năm 1990, ông sống ở Paris để giảng dạy tại bậc đại học, thậm chí đã kịp làm việc cho cả cơ quan UNESCO.

Lần thứ hai Lissouba tới châu Âu với tư cách một cựu Tổng thống sau khi ông bị lật đổ năm 1997 bởi nhà lãnh đạo đương chức Denis Sassou Nguesso, người được các đơn vị quân đội của nước láng giềng Angola hậu thuẫn. Lissouba đã sống ở London cho tới năm 2004 rồi chuyển sang Paris một cách dễ dàng, vì dẫu sao, đó vẫn là chiến khu xưa của ông. Cho tới năm 1960, tất cả các cư dân ở Congo đều có quyền mang hai quốc tịch, một của nước mình và một của Pháp. Vì sao? Vì rằng, Brazzaville, thành phố chính yếu của Congo, khi đó là thuộc địa Pháp, trong thời gian chiến tranh thế giới thứ hai, là thủ đô của France Libre (nước Pháp tự do), không quy thuận theo chính phủ thân phát xít do Vichi cầm đầu ở Paris. Để kỷ niệm những ngày tháng đó và để cảm ơn người Congo, Paris sau này đã cho họ đặc quyền đó. Đặc quyền này đã bị xóa bỏ khi chế độ thuộc địa không còn nữa.

Hiện nay, ở tuổi bát thập, cựu Tổng thống Congo, Lissouba, đang sống rất yên ổn và thanh thản. Vợ ông vẫn còn ở cạnh ông. Thỉnh thoảng, những người con đã trưởng thành (ông có 11 người con) lại tới thăm cha mẹ mình. Một người con trai của ông là nhà văn nổi tiếng ở châu Phi, cũng sống lưu vong như cha… Tình hình tài chính của cựu Tổng thống Congo rất ổn định, không chỉ nhờ những khoản tiền đã tích cóp được từ khi còn cầm quyền. Lissouba hiện vẫn được nhận một số khoản lương hưu với tư cách một giáo sư của các trường đại học Pháp và với tư cách một cựu viên chức của UNESCO. Đồng thời, vài năm trước, ông đã nhận được lệnh ân xá của chính phủ Congo và đương kim Tổng thống Denis Sassou Nguesso và vì thế, ông còn được nhận lương hưu như một cựu nguyên thủ quốc gia. Khoản lương hưu thứ ba không rõ là bao nhiêu nhưng hai khoản lương hưu đầu ở mức vài chục nghìn euro một tháng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thất thế ly hương