Lịch sử dân tộc hàng mười thế kỷ cũng như muôn mặt của đời sống xã hội nước ta được gìn giữ trong các di sản văn bản Hán Nôm. Hiện tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm đang quản lý các tài sản vô giá này.
Ảnh chụp trang mạng xã hội.
Các nguồn tài liệu của Viện được thu thập từ các nguồn chính như: Viện Viễn Đông bác cổ Pháp bàn giao lại cho Việt Nam; Thư viện tỉnh Hà Tây; Thư viện Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐHQG Hà Nội); Long Cương thư viện của gia đình cụ Cao Xuân Dục; Thư viện Hoàng Xuân Hãn; Mua trong các cuộc sưu tầm từ 1970 đến nay…
Để khai thác nguồn tài liệu quý giá này, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện – cán bộ Viện Nghiên cứu Hán Nôm cho biết: Ngay cả cán bộ của Viện Nghiên cứu Hán Nôm khi muốn có một bản photto tài liệu để nghiên cứu cũng phải thực hiện các bước theo quy trình: Làm đơn đề nghị gửi Viện trưởng; Được Viện trưởng phê duyệt thì tự chuyển đơn lên Phòng Bảo quản; Phòng Bảo quản vào kho lấy sách, chuyển xuống phòng photo coppy; Photto xong chuyển lại phòng Bảo quản; Người xin chụp đến Phòng bảo quản lấy thông báo số trang và số tiền phải nộp. Giá 5000 đ/1 trang photto. 15.000 đ/1 trang scan màu; Người xin chụp mang giấy thông báo đó xuống Phòng tài vụ nộp tiền, lấy biên lai; Người xin chụp quay lại Phòng bảo quản nộp biên lai để lấy tài liệu. Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện cho biết: Đối với tài liệu quý, hiếm đặc biệt thì không cho làm bản sao. Số tiền thu được từ việc sao nộp tài liệu đều được báo cáo và nộp Nhà nước và được trích lại một phần làm quỹ phúc lợi cơ quan.
Vậy mà cái quy trình tưởng như chặt chẽ ấy và nếu ai đó có thu thập được mấy ngàn tập tài liệu đó thì số tiền bỏ ra rất lớn lại bỗng dưng bị thất thoát.
Ảnh chụp trang mạng xã hội.
Không ít tiến sĩ, cán bộ của Viện Nghiên cứu Hán Nôm đều biết việc thất thoát tài liệu này nhưng chỉ Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện dám lên tiếng. Ông làm đơn gửi Viện trưởng Viên Nghiên cứu Hán Nôm, ông Nguyễn Quang Thuấn - Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam và Ban lãnh đạo Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam báo cáo sự việc. Nội dung đơn phản ánh: “Vừa qua, trên mạng xã hội facebook, tại trang có tên Thư viện Nhân học, do ông Nguyễn Phúc Anh quản lý có đưa tin thư viện điện tử này hiện lưu trữ và sẵn sàng phục vụ những người có yêu cầu bản scan và photocopy của 1.702 đầu sách Hán Nôm mang ký hiệu kho Viện Nghiên cứu Hán Nôm đang quản lý, trong đó có nhiều bản scan một số bộ sách quý như Toàn Việt thi lục (A.132 gồm 4 quyển 1492 trang), Toàn Lê tiết nghĩa lục (A.2705), Nam Sơn tùng thoại (VHv.246/1)...”. Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện bức xúc: Trên trang mạng xã hội này, người ta còn mập mờ ghi lời cảm ơn “NXD” ám chỉ là tôi (vì cả Viện không có ai có tên viết tắt các chữ cái đầu là NXD ngoài tôi) đã cung cấp.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện: 1.702 đầu sách bị thất thoát đã chiếm tới gần 2/5 số đầu sách tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Người rao trên trang Thư viện Nhân học tuy không thu tiền trực tiếp nhưng thành viên của thư viện điện tử một năm phải đóng 500 ngàn đồng phí. Tất cả mọi giao dịch bằng tiền đều phải thông qua 5 tài khoản trong nước.
Sau khi tiếp nhận đơn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm Nguyễn Tuấn Cường đã triệu tập họp cơ quan và đánh giá đây là sự việc rất nghiêm trọng. Vụ việc được Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam xem xét giải quyết. “Thấy động”, trang mạng xã hội Thư viện Nhân học bèn đổi tên thành Thư viện khoa học và những bản scan màu được đổi thành đen trắng…
Sau gần 3 tháng nhận được trình báo, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam mới có văn bản giải quyết gửi Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện. Văn bản khiến nhiều người thất vọng. Ngoài việc vào trang mạng xã hội nêu trên quan sát và kết luận: “…Như vậy, tổng số tài liệu do Viện Nghiên cứu Hán Nôm quản lý có thể quan sát được từ ảnh chụp trên mạng là 36 đơn vị tài liệu, trong đó, có một tài liệu scan màu (10 trang đầu), 2 tài liệu đen trắng (vài trang đầu), 33 tài liệu chỉ có tên sách, chưa thấy nội dung…”.
Và thật nực cười khi văn bản thừa lệnh của ông Viện trưởng Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam cho rằng: Các tài liệu do Viện Nghiên cứu Hán Nôm quản lý bị đưa lên mạng trên là “không thuộc danh mục bí mật Nhà nước, không thuộc nhóm tư liệu hạn chế đọc”. Đáng buồn hơn, văn bản lại cho rằng: “Ngoài việc bảo tồn và gìn giữ thật tốt di sản tư liệu Hán Nôm quý giá, nó sẽ càng phát huy được giá trị nếu được càng nhiều người biết đến và sử dụng để phục vụ mục đích nghiên cứu (trừ những tài liệu thuộc danh mục bí mật Nhà nước, hoặc tài liệu hạn chế đọc), miễn là bản gốc bằng hiện vật vẫn được lưu giữ an toàn tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm”.
Vậy xin hỏi ông Viện trưởng Viện KHXH Việt Nam: Tài liệu Hán Nôm có phải là tài sản Nhà nước? Và Thư viện Nhân học, Thư viện Khoa học có phải là đơn vị được Nhà nước giao và khai thác sử dụng các tài sản này?...