Vẻ ngoài giản dị nên ít người nghĩ Nguyễn Tiến Mạnh là nghệ sĩ nhạc Jazz nổi tiếng. Anh vừa trở về sau hai chuyến lưu diễn đặc biệt tại Thụy Điển và Đan Mạch. Đặc biệt vì “Ystad Sweden Jazz Festival” là nơi tụ hội những tên tuổi thế giới về Jazz. Hơn nữa, Liên hoan này biểu diễn để bán vé chứ không phải giao hữu. Vinh dự hơn, Mạnh còn được diễn tới 2 suất, mỗi suất 70 phút.
TS, nghệ sĩ Nguyễn Tiến Mạnh trước cửa nhà hát ở Thụy Điển.
Ngày 17/10, Khoa Nhạc Jazz tổ chức biểu diễn tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Là Phó Trưởng khoa phụ trách nên TS, nghệ sĩ Nguyễn Tiến Mạnh rất chú ý đến hoạt động này. Bởi vậy, câu chuyện giữa chúng tôi diễn ra tại Học viện để thuận tiện cho anh. Tiến Mạnh kể: Năm 2001, anh học đến PTTH cũng là lúc quỹ SiDa (của Thụy Điển) sang bàn việc hợp tác, mong muốn phát triển Khoa Jazz tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam đã ký chương trình hợp tác với Học viện Âm nhạc Hàn lâm Malmo (Thụy Điển). Nguyễn Tiến Mạnh đã trúng tuyển và được sang Thụy Điển học. Năm 2009 anh tốt nghiệp cao học ở đây. Trong thời gian ở Thụy Điển, chứng kiến “Ystad Sweden Jazz Festival”, Mạnh mơ một ngày mình cũng sẽ được mời biểu diễn.
Năm 1013, khoa Jazz được thành lập. Mạnh là giảng viên về Piano, hoà tấu, ngẫu hứng Jazz. Năm 2016, Mạnh bảo vệ thành công học vị Tiến sĩ.
Theo nghệ sĩ Tiến Mạnh: Nhạc Jazz xuất hiện tại Việt Nam từ những năm 50 của thế kỷ XX khi nghệ sĩ Pháp sang biểu diễn. Sau đó, Jazz xuất hiện thường xuyên hơn ở Sài Gòn khi quân đội Mỹ vào Việt Nam. Tuy nhiên, đến năm 1991, nhạc Jazz mới được cô Nguyễn Thị Nhung (vợ nhạc sĩ Huy Du) và PGS.TS, NSƯT Lưu Quang Minh dạy thử nghiệm trong Khoa Accordion - Guitar - Organ. Bên cạnh đó có nghệ sĩ Quyền Văn Minh tự mày mò học Jazz và trở nên nổi tiếng. Đến nay, dù đội ngũ giảng viên, sinh viên đã đông nhưng chưa thể nói đã có “Jazz Việt”. Đó cũng là điều dễ hiểu. Không chỉ vì lịch sử Jazz được dạy muộn mà còn do Việt Nam chưa có đội ngũ nhạc sĩ chuyên sáng tác nhạc Jazz, chưa có những ban nhạc chuyên nhạc Jazz. Chia sẻ về việc đào tạo nhạc Jazz tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Tiến Mạnh nói: “Những nghệ sỹ Việt Nam nếu được đào tạo bài bản và khổ luyện sẽ không thua kém gì các nghệ sỹ Jazz thế giới. Bởi vì Jazz là loại hình âm nhạc của sự đa văn hoá nên đến với mỗi quốc gia nó sẽ có sự khác biệt. Đặc trưng khác biệt lại thêm phần bay bổng khi nghệ sĩ ngẫu hứng sáng tạo. Bản thân nghệ sĩ Tiến Mạnh cũng đang mày mò nghiên cứu để đưa ca nhạc dân ca chèo, cải lương, ca trù, quan họ vào nhạc Jazz. Anh cho biết: Trong dịp kỷ niệm 5 năm Ngày thành lập Khoa nhạc Jazz tại Học viện, một ca sĩ đã hát bài Dư âm của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý rất hay khiến cả hội trường đứng dậy vỗ tay nhiều đợt. Hiện tại, thế hệ giảng dạy nhạc Jazz tại Học viện ngoài Tiến Mạnh còn có Quyền Thiện Đắc, Lương Xuân Thịnh, Lê Bằng, Lê Duy Mạnh, Lê Minh Đức, Nguyễn Minh Phương, Hoàng Phú Tùng, Đào Minh Pha. Họ là sự kế thừa của các thế hệ đi trước tự học như: PGS. TS NSƯT Lưu Quang Minh, NSƯT Hoàng Tùng... đang thỉnh giảng. Ngoài giảng dạy trong nước, Tiến Mạnh còn được Học viện Âm nhạc Lunds của Thụy Điển mời thỉnh giảng.
Tiến Mạnh là nghệ sĩ được mời biểu diễn trong nhiều chương trình nghệ thuật chào mừng quan hệ ngoại giao. Ví như trong Lễ đón tiếp trước đây của Chủ tịch nước Trần Đại Quang tiếp Tổng thống Mỹ Donald Trump. Sau buổi biểu diễn, trợ lý của Nhà Trắng có điện khen ngợi về chương trình này với Văn phòng Chủ tịch nước; Cuộc gặp thượng đỉnh của Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Mỹ Donald Trump; Biểu diễn cho Nữ hoàng Đan Mạch; Các nguyên thủ trong Diễn đàn WEF… Còn các chuyến lưu diễn giao hữu thì rất nhiều. Nhưng có lẽ, ngoài NSND Đặng Thái Sơn, tính đến nay mới có Tiến Mạnh biểu diễn nhạc bán vé ở nước ngoài trong một kỳ liên hoan lớn. Tiến Mạnh kể: “Khi xem lời mời của BTC về chương trình, đọc đến đoạn: “Đây là Lễ hội giới thiệu các ngôi sao thế giới, các tên tuổi lớn từ Thụy Điển và Châu Âu, các huyền thoại Thụy Điển và nhạc sĩ nhạc jazz trẻ. 300 nghệ sĩ, từ Việt Nam ở phía Đông đến Brazil và Hoa Kỳ ở phía Tây” tôi thực sự xúc động. Hai tiếng Việt Nam vang lên bên tai như niềm tự hào. Nhìn danh sách những tên tuổi lớn của nhạc Jazz thế giới tham gia Liên hoan như Benny Golson, Charles Lloyd, NDR Bigband, Joyce Moreno, Nils Landgren, Paolo Fresu, Richard Galliano... mà tôi toàn phải học, nghe các bậc thầy này qua băng đĩa sách vở, nay lại được cùng biểu diễn trong Liên hoan nên cảm giác của tôi “khá run”. Nhận lời, gạt đi cảm xúc, Mạnh đã quyết định sang Thụy Điển trước 15 ngày để luyện đàn. Kinh phí phát sinh do anh tự trang trải. Tất nhiên là mức cát-xê cho suất diễn của anh vào loại “khủng”, phải bị đánh thuế thu nhập ở Thụy Điển. Và anh xin không tiết lộ.
“Ystad Sweden Jazz Festival 2019” diễn ra từ ngày 31/7 đến ngày 4/8. Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật là nghệ sĩ Thomas Lantz và đặc biệt là Giám đốc nghệ thuật là nghệ sỹ Jan Lundgren (nghệ sỹ của Steinway & Son) là những nghệ sĩ và nhà tổ chức khá kỹ lưỡng cho khâu công tác chuẩn bị. Đối với họ, không có sự cả nể ngoài chuyên môn của nghệ sĩ. Khi Tiến Mạnh được mời cũng phải gửi ý tưởng chương trình để BTC sắp xếp trước 3 tháng. Trước khi chương trình được tổ chức được một tháng hơn 1,1 vạn vé đã được bán hết. Do đó, BTC đề nghị Tiến Mạnh biểu diễn thêm một suất diễn nữa. Mạnh cho biết: Trước khi biểu diễn, anh đề nghị BTC không định sẵn chương trình biểu diễn tuần tự các bài mà ngẫu hứng theo dòng cảm xúc của khán giả. Đặc biệt trong chương trình, anh đã mời được GS Hakan Rydin, nghệ sỹ Sven Erik Lundequist và nghệ sĩ Anna Hoberg cùng biểu diễn. Một bài báo của Thụy Điển viết có câu: “…Một màn trình diễn đặc biệt đáng nhớ. Đó là bản trình diễn rất tự nhiên với piano độc tấu nổi tiếng Nguyễn Tiến Mạnh đến từ Việt Nam”.
Ngày 17/9, Tiến Mạnh lại nhận được lời mời cá nhân đến biểu diễn độc tấu tại Đan Mạch cho giới hoàng gia của Đan Mạch. Tiếp đó là chuyến lưu diễn 3 ngày tại Thụy Điển nhân 50 năm quan hệ ngoại giao Thụy Điển và Việt Nam do Bộ VHTTDL và Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam tổ chức.
Trong quá trình giảng dạy, Mạnh cho biết anh có ấn tượng rất tốt về “Bôm” (tên khai sinh là Anh Tuấn, con đạo diễn điện ảnh Quốc Tuấn). Theo Mạnh: Bôm có khả năng thính giác rất tốt. Hơn nữa, Bôm rất chịu khó tập luyện. Nhạc Jazz rất thích hợp với Bôm. Cứ khổ luyện, chắc chắn Bôm sẽ thành một nghệ sĩ tên tuổi…