Khi đọc tên bài viết này chắc ai cũng cười và nghĩ ngay đến một câu chuyện dân gian cùng tên được nghe kể từ khi còn thơ ấu về một cách đánh giá phiến diện, về một lối suy diễn áp đặt.
Khi đọc tên bài này chắc ai cũng tưởng đây là một câu chuyện “tiếu lâm” riêng của Việt Nam, chuyện có tính giáo dục, dạy bảo nhẹ nhàng qua một câu chuyện đơn giản như sau: “Có mấy ông thầy bói mù rủ nhau đi xem con voi ở vườn bách thú. Ông thì sờ thấy cái vòi, ông thì sờ thấy cái chân, ông thì sờ thấy cái tai..., nên mỗi người mô tả con voi theo cái mình sờ thấy được. Những lời bình của người bình dân qua chuyện tiếu lâm dân gian này biết bao thú vị, bao bất ngờ và bao trí tuệ ẩn dụ.
Phần lớn các việc ta thấy hàng ngày, nếu không tìm hiểu kỹ, không suy xét cẩn thận đã vội vàng kết luận, vội vàng đánh giá thì dễ mắc sai lầm hoặc không đạt được điều mình mong muốn.
Thực ra, ở nhiều nước trên thế giới cũng có những câu chuyện dân gian có nội dung tương tự. Bài viết này xin giới thiệu một bài thơ đặc sắc của nhà thơ người Anh nổi tiếng, ông John Godfrey Sax (1816 – 1887) nói về những người mù đã mô tả con voi theo ý riêng của mình khi sờ thấy, cảm nhận thấy, đoán thấy theo chủ quan của từng người. Tên bài thơ là: “Những anh mù và con voi”. Xin không chép hết bài thơ, chỉ trích phần mô tả con voi của từng anh mù.
Anh mù thứ nhất mô tả: “Con voi, thề có Chúa, giống y như bức tường”.
Anh mù thứ hai: “Rằng voi như ngọn giáo, mới đích thị con voi”.
Anh mù thứ ba: “Con voi như tôi thấy, giống như hệt con trăn”.
Anh mù thứ tư: “Một thân cây thẳng đứng, mới thật là con voi”.
Anh mù thứ năm: “Rằng voi như quạt giấy, đưa đẩy làm gió bay”.
Anh mù thứ sáu: “Voi như ta đã thấy, giống hệt chiếc dây thừng”.
Hơn 130 năm đã trôi qua kể từ lúc bài thơ ra đời, có người đã chế giễu cái cách xem voi của những anh mù. Nhưng ít ai ngờ rằng chính bản thân mình cũng đang đóng vai “người mù xem voi”một cách đáng buồn mà tự mình không biết. Trong đời sống hàng ngày, có người vội vàng vui, vội vàng buồn, vội vàng hy vọng, vội vàng thất vọng.
Có nhà thơ đã viết: “Vội đến, vội đi, vội nhạt nhòa/ Vội thương, vội nhớ, vội chia xa” để mô tả cái trạng thái tình cảm “dễ đến, dễ đi”. Có bài hát với lời như sau: “Vội vã trở về, vội vã ra đi” để mô tả một cuộc sống suốt đời tất bật, bồn chồn, hốt hoảng, mà nếu trong tình trạng như thế thì làm sao đủ thời gian để tĩnh tâm, để bình tĩnh suy nghĩ, để suy xét đúng đắn.
Nên nhớ bất cứ việc gì dù lớn hay bé cũng cần có thời gian tiếp nhận chính xác các thông tin đa phía, đa chiều để có những góc nhìn, những quan điểm khác nhau. Tác hại hơn nữa, đáng buồn hơn nữa là từ những “đầu vào” như thế, ta lại phát ngôn và hành động dựa theo những nhận xét cục bộ, phiến diện.
Cái gì cũng vậy, lúc nào cũng cần có sự kiểm định của thời gian, cần có sự đánh giá của kinh nghiệm và nhất là cần có sự cho điểm của thực tế cuộc sống mới có được kết quả đích thực. Kết quả này mới thực sự mang hơi thở của cuộc sống đúng như đại thi hào Goethe (1749 – 1832) đã tổng kết: “Mọi lý thuyết đều xám xịt, chỉ có cây đời mãi mãi xanh tươi”. Triết gia Blaise Pascal (1623 – 1662) đã luôn luôn đúng khi ông tổng kết: “Không thể lấy bộ phận để xem xét toàn cục được”.
Trở lại với tên bài viết “Thầy bói xem voi” với cái ý chủ đạo là: Phần lớn các việc ta thấy hàng ngày, nếu không tìm hiểu kỹ, không suy xét cẩn thận đã vội vàng kết luận, vội vàng đánh giá thì dễ mắc sai lầm hoặc không đạt được điều mình mong muốn.
Một triết gia Cổ đại Đông phương là Tăng Tử (từ năm 505 đến 437 trước Công nguyên) đã dạy ta một công thức để suy nghĩ hàng ngày cho đúng đắn, cho khoa học, cho đầy đủ nghĩa tình. Công thức suy nghĩ đó là: “Hàng ngày ta hãy tự kiểm điểm bản thân về ba điều: Làm việc gì cho người khác ta đã hết lòng chưa, trong kết giao bạn bè ta có để mất lòng tin không và hôm nay ta đã học thêm được gì để nâng cao trình độ bản thân?”. Nếu thực hiện được đúng ba điều dạy của Tăng Tử cách đây 2.500 năm thì mỗi con người nhỏ bé chúng ta sẽ tránh được sự suy nghĩ thiếu thận trọng trong mọi việc ứng xử hàng ngày.
Như vậy, xuất phát từ một câu chuyện cười dân gian Việt Nam mà ta có câu “Thầy bói xem voi" và cũng xuất phát từ bài thơ “Những anh mù và con voi” của nhà thơ John Godfrey Sax từ cách đây đã hơn 130 năm mà ta đã hiểu thêm được một căn bệnh thường gặp hàng ngày trong cuộc sống là việc đoán mò, nghe đồn, không được chính tai nghe mắt thấy mà đã vội vàng tin theo, vội vàng kết luận. Theo kinh nghiệm sống ở đời thì nhiều lần “tai nghe" cũng không bằng một lần “mắt thấy”.
Thế mà thầy bói và anh mù chỉ nhờ đôi bàn tay sờ vào từng bộ phận của con voi mà tưởng rằng đó là con voi thì thật là một cách suy đoán quá đơn giản, quá sơ sài, thiếu chính xác nên không thể chấp nhận được. Muốn trưởng thành, muốn hiểu biết ngày một hoàn thiện, con người bắt buộc phải dựa vào kinh nghiệm.
Theo “Từ điển tiếng Việt”: “Kinh nghiệm là điều hiểu biết có được do tiếp xúc với thực tế, do từng trải. Thí dụ: Giàu kinh nghiệm. Rút kinh nghiệm. Những bài học kinh nghiệm”.
Đông phương Cổ học Tinh hoa đã nhấn mạnh: “Kinh nhất sự, trưởng nhất trí” (tạm dịch: Có trải qua một công việc cụ thể thì một phần trí khôn mới được hình thành). Như thế, người chưa đi học thì biết thế nào là có học được hay không, học giỏi hay học dốt. Học sinh phải hết lớp 1 mới lộ ra được một số em tiếp thu nhanh hơn một số em khác.
Rồi các em lên lớp tiếp theo, lên cấp 2, cấp 3 rồi vào đại học, vào các trường trung cấp, trường Dạy nghề chuyên nghiệp. Cái phần trí khôn được hình thành phải mất hàng chục năm mới lộ rõ, mới hình thành, mới chọn lọc được. Việc chọn lựa nhân tài cũng phải cần có thời gian, có thử thách mới chắc chắn được.
Cổ học lại có câu: “Lộ dao chi mã lực/ Sự cửu kiến nhân tâm” (tạm dịch: Có chạy đường xa mới biết được sức ngựa/ Có trải việc đời mới rõ được lòng người). Ứng dụng trong thực tế cuộc sống, đó là: Thời gian tập sự, thời gian thử việc, thời gian làm việc không có lương... để theo dõi xem liệu có sử dụng được lâu dài nhân sự đó không? Ai sốt ruột, ai nôn nóng, ai thiếu kiên nhẫn, ai thiếu sự chịu đựng khó nhọc vất vả lập tức được phát hiện và sẽ bị đẩy ra khỏi quy luật của cuộc chơi.
Triết gia Roger Ascham đã khẳng định: “Sự khôn ngoan quý giá mà ta có được chính là nhờ bởi kinh nghiệm sống mà có”. Điều này đúng hoàn toàn. Có người khôn lên nhờ có thất bại cay đắng dạy bảo, như một nhà thơ đã viết: “Ai nên khôn mà chẳng dại đôi lần” hoặc “Thất bại là mẹ thành công”...
Vì thế, trong chặng đường gian lao vất vả mà con người phải trải qua, dù xảy ra tình huống nào cũng đều đáng ghi nhận, đáng học hỏi, đáng rút kinh nghiệm. Ở những thế kỷ trước người ta rất e ngại việc ly hôn vì nó mang tiếng xấu và đem lại nỗi buồn cho tất cả mọi người. Có triết gia đã thốt ra lời cay đắng sau đây: “Ta cứ mạnh dạn kết hôn, nếu thành công ta sẽ có được người vợ hiền đức. Nếu thất bại thì ta sẽ trở thành một triết gia”.
Nếu như tất cả mọi thanh niên nam nữ đều hào hứng với hôn nhân, với lập gia đình, với sinh con đẻ cái một cách bình thường thì dân số ổn định, xã hội ổn định. Nếu một bộ phận thanh niên nam nữ đề cao chủ nghĩa sống độc thân hoặc thích làm bố, làm mẹ đơn thân thì dân số sẽ có vấn đề trong tương lai, việc ổn định xã hội sẽ không còn được bảo đảm.
Theo dòng chảy của thời gian, những danh ngôn, những triết lý, những ngụ ngôn cũng cần thay đổi cho phù hợp với xã hội mới, với tình hình dân cư mới. Đại triết gia René Descartes (1596 – 1650) đã dặn dò tỉ mỉ: “Đâu có phải cứ có cái trí tuệ tốt là đủ, mà cần phải biết cách điều chỉnh để ứng dụng nó cho thích hợp mới có kết quả tốt”.
Thấm thía lời dạy rất cụ thể này của Descartes, những người đọc sách chúng ta lại càng thấm thía câu “Học phải đi đôi với hành”, luôn luôn phải lấy thực tế cuộc sống làm trọng tài để đánh giá mọi kiến thức mà mình đã học được. Làm như thế mới có được sự hiểu biết trọn vẹn, không chắp vá, không vay mượn.
Vì thế, câu thành ngữ cổ xưa “Thầy bói xem voi” hay bài thơ “Những anh mù và con voi” sẽ mãi là lời nhắc nhở ta về một cách suy nghĩ, một cách rút kinh nghiệm trong cuộc sống ngày càng phức tạp, ngày càng khó khăn vất vả khi Trái đất đã có tới 8 tỷ người và ngày càng có nhiều khó khăn do thiên tai và do chính con người gây nên.