Tại Hội nghị giao ban trực tuyến công tác phòng chống dịch Covid-19 sáng 16/7, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 nhận định, đợt dịch này sẽ kéo dài hơn so với các đợt dịch trước, gây tác động trên diện rất rộng, ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến đời sống, phát triển kinh tế xã hội, nhất là các tỉnh, thành phố khu vực miền Nam.
Do đó, đề nghị các địa phương đánh giá, rà soát lại các kịch bản đã đưa ra, chuẩn bị cho tình hình dịch phức tạp hơn.
Theo Bộ trưởng, các đợt dịch trước chỉ một đến một tháng rưỡi là kết thúc. Lần này, biến chủng Delta lây lan nhanh, tốc độ tấn công tăng gấp 2-3 lần so với các đợt dịch trước. Kỳ lây nhiễm hiện nay chỉ còn 2 ngày chứ không phải 5 ngày như trước đây. Chính vì tốc độ lây lan nhanh như vậy nên dù chúng ta triển khai chống dịch quyết liệt, rất cố gắng, nhưng kết quả chưa được như mong muốn.
Trên thực tế việc thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ tại một số địa phương được thực hiện chưa nghiêm túc, chưa đầy dủ, chưa quyết liệt, nhiều khi còn chần chừ, nấn ná. Có địa phương chưa kiểm tra, chưa giám sát, chưa xét nghiệm, đặc biệt là tâm thế chuẩn bị cho tình hình dịch lan rộng kéo dài còn rất lần chần. Một số nơi vẫn còn trông chờ vào Trung ương, ngại mua sắm.
Vì thế, Bộ trưởng đề nghị các địa phương đánh giá, rà soát lại các kịch bản đã đưa ra, chuẩn bị cho tình hình dịch phức tạp hơn; Cùng với đó là những thay đổi về chiến lược cách ly, xét nghiệm và điều trị phù hợp với thực tiễn.
Bộ trưởng Bộ Y tế cũng cho biết, hiện đang có thay đổi cơ bản trong phòng, chống dịch.
Về vấn đề cách ly: Giảm thời gian cách ly, dù có rủi ro nhưng chấp nhận rủi ro ở mức thấp. Đồng thời thí điểm cách ly F1 tại nhà, có thể áp dụng theo hướng dẫn của Bộ Y tế nếu đảm bảo các tiêu chí, thay đổi trong xét nghiệm.
Về xét nghiệm: Trước đây chủ yếu sử dụng xét nghiệm PCR là chính, giờ thay đổi sử dụng test nhanh là chính, để trả kết quả nhanh, đưa F0 ra khỏi cộng đồng càng nhanh càng tốt.
Để tiết kiệm test nhanh, Bộ Y tế cho biết có thể gộp mẫu trong test nhanh, nhất là TPHCM nơi có tỷ lệ ca nhiễm cao, đặc biệt là khu vực có diễn biến phức tạp thì có thể sử dụng test nhanh gộp 3-5 mẫu trong một test. Dù vậy, với vùng nguy cơ cao không nên gộp quá nhiều mẫu test nhanh, chỉ nên gộp tối đa là 5.
Về điều trị bệnh nhân Covid-19: Hiện Bộ Y tế đã có những thay đổi về chiến lược điều trị. Theo đó, thiết lập phân tầng theo các khu vực khác nhau. Thứ nhất, khu vực dành cho điều trị bệnh nhân nhẹ, không có triệu chứng sẽ điều trị tại các cơ sở thu dung, điều trị ban đầu phù hợp với diễn tiến bệnh. Thứ hai, đối với bệnh nhân có triệu chứng, sẽ chuyển đến điều trị tại các cơ sở y tế. Thứ ba, bệnh nhân nặng, rất nặng chuyển đến điều trị tại các bệnh viện đa khoa, bệnh viện dã chiến có đơn vị điều trị hồi sức tích cực (ICU).
Bộ Y tế khuyến nghị các địa phương thiết lập khu vực điều trị ICU tại các bệnh viện dã chiến để có thể nâng cao năng lực khi cần và giảm lây nhiễm chéo trong bệnh viện.
Trước mắt, Bộ Y tế sẽ ưu tiên phân bổ vaccine cho các tỉnh, thành phố đang có dịch, các địa phương là đầu tầu phát triển kinh tế xã hội để đảm bảo đạt được mục tiêu vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế xã hội.
Trước đó, TP HCM đã xây dựng 3 kịch bản phải đối diện sau 15 ngày giãn cách xã hội. Tình huống thứ nhất, ngăn chặn và kiểm soát được dịch Covid-19 và xem xét việc thực hiện Chỉ thị 16 như thế nào. Lúc đó có thể là Chỉ thị 16 “trừ”, Chỉ thị 15 hoặc Chỉ thị 19 tùy theo diễn biến dịch. Tình huống thứ hai là chưa kiểm soát được và dịch vẫn gia tăng, khi đó phải tiếp tục Chỉ thị 16, thậm chí là tăng cường thực hiện Chỉ thị 16 “cộng” ở một số địa bàn. Tình huống thứ ba là dịch gia tăng mạnh mẽ và mất kiểm soát. Đối mặt với tình huống này, thành phố phải tính toán phong tỏa kèm biện pháp mạnh hơn để ứng phó, hoặc sẽ có một cách tiếp cận khác.