'Thầy mo' ở bản Giàng

Hạnh Nguyên 19/05/2016 16:30

Trước đây, mỗi khi bị bệnh người dân tộc Chứt ở bản Giàng (Hương Liên, Hương Khê, Hà Tĩnh) phải vượt rừng, lội suối đến gõ cửa các thầy mo, thầy cúng với mong muốn nhờ các thầy đuổi con ma bệnh trong người cho. Nhưng kể từ khi những người lính Biên phòng cắm bản ở đây thì các thầy mo đã “hết thời” và nhường chỗ cho những bác sĩ mang quân hàm xanh. Đối với người dân ở bản Giàng thì Bộ đội Biên phòng chính là “thầy mo” tân tiến của họ.

'Thầy mo' ở bản Giàng

Niềm vui của người dân bản Rào Tre khi đến khám chữa bệnh ở trạm xá mới.

Những hủ tục chết người

Bản Giàng là một trong những địa bàn biên giới đặc biệt khó khăn của tỉnh Hà Tĩnh với địa hình rừng núi cao, hiểm trở, thời tiết khí hậu khắc nghiệt, giao thông đi lại khó khăn, trình độ dân trí thấp. Vốn đã sống hàng trăm năm trong hang đá, rừng sâu nên bà con người Chứt vẫn còn những quan niệm chữa bệnh lạc hậu, thường xuyên đe dọa đến tính mạng con người.

Bàn Giàng (thường gọi là bản Rào Tre) có 33 hộ đồng bào dân tộc Chứt sinh sống với 132 nhân khẩu. Ăn sâu trong tiềm thức mọi người nơi đây về chăm sóc sức khỏe là hết sức nguyên sơ. Hễ có bệnh, từ già trẻ, gái trai đều tìm đến nhà thầy mo, thầy cúng trong bản bởi với họ chỉ có thầy mo, thầy cúng mới đuổi được con ma bệnh trong người đi. Nhưng rồi cái bệnh vẫn không khỏi mà cứ âm ỉ, dai dẳng qua bao thế hệ. Hầu hết trong bản đều bị các bệnh liên quan đến đường hô hấp, tiêu hóa, lao, phổi.

Theo lời kể của Trung tá Dương Thanh Tịnh- Tổ trưởng tổ công tác Rào Tre, chúng tôi mới biết về một hủ tục đau xót của đồng bào trước đây: Phụ nữ Rào Tre mỗi khi đến kỳ sinh nở thì chồng phải vào rừng sâu làm một cái lán để đưa vợ vào đó sinh. Sau một tháng người mẹ mới được bế con về nhà bởi quan niệm phụ nữ sinh đẻ gần nhà sẽ xảy ra nhiều điều quái gở. Những đứa trẻ may mắn sống sót sẽ trở thành thế hệ mới của bản. Nhưng đau lòng thay, chính tại nơi chứng kiến cho sự ra đời của một lớp người mới của bản thì đồng thời cũng là nghĩa địa mà người mẹ phải tự tay chôn cất đứa con bất hạnh của mình nếu không may đứa trẻ không sống được.

Điển hình như năm 2001, chị Hồ Lĩnh phải vào rừng sinh đứa con thứ ba. Trước khi sinh, chồng mời một ông thầy mo tên là Hồ Phúc bói toán đường sinh nở. Nhưng nhiều ngày trôi qua, cả nhà vẫn không thấy chị Lĩnh về. Nghe tin, Bộ đội Biên phòng Rào Tre đã tìm đến nơi chị Tịnh sinh nở và phát hiện lý do khó sinh là do thai ngược. Ngay trong đêm, các anh thuyết phục thầy mo và gia đình cử người cáng ra Bệnh viện huyện Hương Khê. Tại đây, người mẹ được phẫu thuật, cháu bé may mắn thoát chết. Cháu có tên là Hồ Lài, hiện đang học lớp 5 Trường tiểu học xã Hương Liên.

Những chiến sĩ Biên phòng Đồn 575 bản Rào Tre đã kiên trì, cố gắng vận động bà con từ bỏ những hủ tục lạc hậu. Tuy nhiên, để thay đổi cả một quan niệm là điều vô vàn khó khăn. Để lấy được niềm tin nơi bà con, cán bộ quân y phải xuống từng nhà dân, cùng hướng dẫn đồng bào tập ăn chín uống sôi, ngủ phải mắc màn, làm nhà vệ sinh gia đình, khám chữa bệnh cho người dân… “Không chỉ một lần mà phải rất nhiều lần bà còn mới nhớ được một chút. Thời gian đầu rứa là cũng mừng lắm rồi bởi họ không nhớ được lâu. Mới tập đã quên, anh em chúng tôi luôn bảo ban nhau kiên trì từng chút một”- Trung tá Tịnh nhớ lại.

Vận động thầy mo bỏ mê tin dị đoan không được, lắm lúc bác sĩ quân y phải trổ tài thi thố chữa bệnh với cả thầy mo. Thế nhưng, hủ tục cúng, đuổi ma không dễ bị loại bỏ trong thời gian ngắn, khi mắc bệnh, một số gia đình vẫn tìm đến thầy mo. Chính bản thân thầy mo Hồ Phúc bị mắc bệnh sốt rét ác tính, ông đã dùng đủ mọi phương cách nhưng bệnh càng nặng. Nhưng ông không muốn tìm đến bộ đội Biên phòng. Biết tin, chính lực lượng Biên phòng lại tìm đến tận nhà rồi đưa về trạm chữa trị, chăm sóc và giữ được mạng sống. Đến lúc này, thầy mo Hồ Phúc mới chịu bỏ nghề còn vận động bà con tìm đến bộ đội Biên phòng khi có ốm đau.

Từ đó, mỗi khi khám chữa bệnh bà con bản Rào Tre lại tìm đến “thầy mo” mới - các chiến sĩ Biên phòng.

'Thầy mo' ở bản Giàng - 1

Bác sĩ quân y ở Đồn Biên phòng Rào Tre tận tình chăm sóc bệnh nhân.

Nơi gửi gắm niềm tin

Để khám chữa bệnh, không chỉ bà con bản Giàng mà bà con dân bản trong vùng ra đến trung tâm huyện Hương Khê phải mất hơn 50km đường rừng. Mùa mưa thường bị nước lũ chia cắt, cô lập nên việc chăm sóc sức khỏe cho đồng bào chủ yếu dựa vào lực lượng quân y sĩ của Tổ công tác Rào Tre. Điểm khám chữa bệnh là một căn phòng cấp 4 chật chội (18m²). Một trạm xá cho bà con trở thành mơ ước không chỉ của riêng ai.

Xuất phát từ nhu cầu cấp thiết đó, năm 2012, Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh đã vận động các doanh nghiệp ủng hộ xây dựng Trạm xá Quân Dân y kết hợp bản Rào Tre. Đây là một trạm xá khang trang, rộng rãi với cơ sở hạ tầng kiên cố, trang thiết bị khám chữa bệnh tiên tiến. Đồng thời hai cán bộ quân y có chuyên môn giỏi cũng được cử về đây công tác.

Trung tá Dương Thanh Tịnh cho hay: Đây là trạm y tế đa khoa, tuy mới có một bác sĩ và một y sĩ. Riêng chuyện cử một bác sĩ về trạm này phục vụ cho 135 dân bản Rào Tre là đặc cách của Biên phòng Hà Tĩnh bởi Đồn Biên phòng Bản Giàng chưa có bác sĩ.

Thượng úy- bác sĩ Nguyễn Nam Giang quê ở Nam Đàn (Nghệ An) công tác tại bản từ năm 2011 chia sẻ: “Người bệnh thì lúc nào cũng có, lực lượng quân y tại đây còn mỏng nên mỗi lần nghỉ phép mình cũng không yên tâm để nghỉ dài ngày. Lên đây, bà con cũng quý nên đã trở thành nhà thứ 2 của mình rồi”.

Một trong những khó khăn khi khám chữa bệnh cho người dân nơi đây chính là việc kê đơn thuốc và chế độ ăn kiêng. Do mỗi đơn thuốc có nhiều loại, người dân lại tái mù chữ cao nên người dân rất khó nhớ đơn thuốc. Để khắc phục tình trạng này, các bác sĩ quân y phải chia ra từng loại một và làm ký tự dễ nhớ đồng thời dặn dò cẩn thận để bà con về uống...

“Giờ đây, không lo sức khỏe nữa đâu. Chúng tôi được miễn phí công khám bệnh và thuốc chữa, dân làng rất biết ơn các anh bộ đội, bộ đội trở thành thầy mo mới của bản Rào Tre chúng tôi rồi”- Trưởng bản Hồ Kinh phấn khởi nói.

Những chiến sĩ Biên phòng nơi đây không chỉ mang trách nhiệm, nghĩa vụ đến để phục vụ bà con dân bản mà ẩn chứa trong đó là cái tâm, cái tình sâu lắng của Bộ đội Cụ Hồ. Trạm y tế Quân Dân y kết hợp Rào Tre trở thành nơi gửi gắm trọn niềm tin không chỉ của người dân bản Giàng mà còn là địa chỉ tin cậy cho xã Hương Liên, và cả Hương Lâm. Chứng kiến những lớp người xếp hàng ngay ngắn để đến lượt khám bệnh, lấy thuốc chúng ta sẽ thấy được tình quân dân nơi vùng biên thắm đượm như thế nào.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    'Thầy mo' ở bản Giàng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO