Trên thế giới, mỗi năm, có thêm 9 triệu người mới mắc lao, 13% trong số mắc lao có đồng nhiễm HIV và 1,3 triệu người tử vong do lao, trong đó có khoảng 510.000 phụ nữ chết do lao. Lao kháng thuốc đang có diễn biến phức tạp ở hầu hết các quốc gia và được coi là vấn đề an ninh y tế toàn cầu. Ước tính, có đến 500 ngàn ca lao đa kháng thuốc và lao siêu kháng thuốc.
Bà Marie-Claude Bibeau, Bộ trưởng Bộ Phát triển quốc tế
Canada trong một chuyến thăm và làm việc với BV Phổi Trung ương và Chương trình chống lao quốc gia vào trung tuần tháng 12/2015.
Mặc dù xu hướng bệnh lao trên thế giới đang có xu hướng giảm nhưng quá chậm, mới chỉ giảm khoảng 2%/năm, chưa đạt yêu cầu. Nhờ có những tiến bộ vượt bậc của khoa học công nghệ, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa ra chiến lược kết thúc bệnh lao đến năm 2035. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi ở sự chung tay rất lớn của hệ thống chính trị các quốc gia và cộng đồng thế giới mới có thể thành công.
Tại Việt Nam, mặc dù chúng ta đã có nhiều thành tựu trong kiểm soát bệnh lao thời gian qua, nhưng nước ta vẫn đang là nước đứng thứ 14 trong 20 nước có số bệnh nhân Lao cao nhất thế giới với số người mới mắc lao hàng năm lên đến 130.000, trong đó có 7.000 người mắc lao đồng nhiễm HIV, và 17.000 người chết vì bệnh lao. Hiện nay, cả nước phát hiện và điều trị cho hơn 100.000 bệnh nhân lao với kết quả khỏi trên 90%. Như vậy, ta mới phát hiện được 77% so với ước tính còn đến gần 30.000 bệnh nhân lao chưa được phát hiện trong cộng đồng. Đó tiếp tục là nguồn lây và nguy cơ tử vong cao.
Vấn đề lao kháng thuốc cũng rất nghiêm trọng, khi Việt Nam đang đứng thứ 11 trong 20 nước có gánh nặng bệnh lao kháng thuốc cao nhất. Hàng năm ước tính có thêm 5.100 bệnh nhân lao đa kháng thuốc, trong đó gần 6% là lao siêu kháng thuốc. Rất may mắn là chúng ta đã có đủ thuốc điều trị kể cả loại siêu kháng thuốc với phác đồ mới nhất. Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc BV Phổi Trung ương kiêm Chủ nhiệm Chương trình Phòng chống lao quốc gia, đây thực sự là một thách thức rất lớn với cả chương trình.
Cũng theo ông Nhung, bệnh lao đang là nỗi lo và gánh nặng của toàn xã hội. Bởi nó đã tác động mạnh tới 70% đối tượng lao động chính, nguồn sản sinh ra của cải vật chất cho xã hội, làm cho lực lượng sản xuất bị giảm sút, năng suất lao động giảm. Bệnh lao là nguyên nhân chủ yếu làm nghèo đói dai dẳng và là trở ngại đối với phát triển kinh tế, đồng thời đói nghèo cũng là điều kiện thuận lợi dẫn đến người dân mắc bệnh lao, đó là vòng xoáy phải tháo gỡ. Các nghiên cứu về kinh tế y tế cho thấy mỗi bệnh nhân lao sẽ mất trung bình 3-4 tháng lao động, làm giảm 20-30% thu nhập bình quân của gia đình. Những gia đình có người chết sớm vì bệnh lao có thể sẽ mất tới 15 năm thu nhập, ảnh hướng tới thu nhập quốc dân và chỉ số phát triển con người của các quốc gia.
Nhân Ngày thế giới phòng chống lao (24-3) năm nay, trong chiến lược mới, theo ông Nhung, bảo trợ xã hội cho người mắc lao là một vấn đề rất quan trọng để giải quyết vòng xoáy này, đồng thời khi được chữa khỏi người mắc bệnh lao cần có ý thức và nghĩa vụ hỗ trợ cho những người khác dự phòng, phát hiện sớm và điều trị khỏi như mình. Ngoài ra, để có thể thanh toán bệnh lao sớm hơn kế hoạch mà WHO đề ra năm 2035, mỗi người dân chúng ta cần giác ngộ tiếp một điều: Bệnh lao là bệnh có thuốc chữa khỏi dứt điểm. Thay vì sợ nhiễm lao, hãy “nhiễm” lòng nhân ái!