Thay vì tranh luận người ta công kích cá nhân

CẨM ANH (thực hiện) 01/11/2023 07:28

Có thể thấy rất rõ không khí tranh luận khá “hùng hổ” trên mạng xã hội qua bộ phim “Đất rừng phương Nam” vừa rồi. Tâm thế xã hội bị phân tâm, chia thành các phe, bên khen bên chê. Điều này là hết sức bình thường đối với một tác phẩm nghệ thuật.

Hình ảnh từ phim “Đất rừng phương Nam” (2023).

Nhưng chỉ được đoạn ban đầu là xuất hiện những bài viết thể hiện quan điểm. Ngay sau đó, người ta lao vào nhau, đem cá nhân ra công kích. Thay vì chỉ nói về việc bài chê "Đất rừng phương Nam" của một tiến sĩ văn học đúng sai chỗ nào, một cây bút phê bình điện ảnh bèn đem nhan sắc của cô tiến sĩ nọ ra chê.

Chỉ một phát ngôn của một người đẹp hay một cuốn sách, một bộ phim mới ra, cũng có thể bùng nổ một cuộc tranh luận trên mạng xã hội. Chuyện khác nhau về quan điểm sống, quan điểm học thuật, dẫn đến tranh luận là hết sức bình thường. Chuyện bày tỏ chính kiến khác nhau cũng là bình thường. Tranh luận còn thúc đẩy sự phát triển, nhờ tìm ra những kiến giải mới, tiệm cận tới chân lý gần hơn thông qua tranh luận. Nhưng đó là tranh luận có văn minh, văn hóa. Tranh luận như chúng ta đang thể hiện trên mạng xã hội vừa qua chỉ đem lại tổn thương, khi thay vì tranh luận, người ta “bỏ bóng đá người”, lao vào công kích cá nhân.

Và ví dụ như vừa rồi, không hiếm các cuộc tranh luận vẫn diễn ra trên mạng xã hội suốt thời gian qua.

Một cô người mẫu phát ngôn, có thể chưa phù hợp với đạo đức và thuần phong mỹ tục, cũng có thể chưa khôn ngoan, chưa sắc sảo, nhưng không có nghĩa là các luồng ý kiến sau đó đem thân thể cô ra bêu riếu, so sánh kiểu “não ngắn”.

Thói quen, tạm gọi là tính cách người Việt, thích chỉ trỏ, bình luận về người khác, thậm chí đem nhược điểm hình thể người khác ra bình phẩm, coi như một thú vui sau này đã đi theo vào cả mạng xã hội. Công nghệ thì hiện đại lên, không phải buổi xem phim bãi hay xem tivi tập thể.

Nhưng thói quen "ném đá", bình phẩm thì vẫn nguyên thế. Vô phúc mà ai đó trót xảy miệng hoặc có hành vi không tốt thì cộng đồng sẽ tập trung vào bình phẩm, lôi hết chuyện từ đời thuở nào ra mà bình luận, mà chê bai. Khoảng cách với việc đòi cạo đầu bôi vôi cô Mầu ngày xưa cũng chẳng đáng là bao.

Tôi mong chờ trên mạng, trong những cuộc tranh luận những bài viết mang tính học thuật, khen chê cho đích đáng. Nhưng có vẻ như điều này càng ngày càng hiếm. Nhiều người đứng đắn, trước cơn hung hãn của mạng xã hội cũng không muốn ra lời. Tránh đi cho lành.

Thuật ngữ thông dụng nhất trên mạng xã hội ngày nay có lẽ là 2 chữ "ném đá". Mặc dù đó là nơi người ta cũng hay nhắc tới 2 chữ "dân chủ", nhưng nếu chỉ cần chứng kiến một cuộc "ném đá" ai đó, bạn sẽ hiểu rằng tranh luận dân chủ trên mạng là việc không tưởng.

Chỉ cần có một ca sĩ nổi tiếng nói ngược ý kiến mọi người về một dự án nào đó trên trang cá nhân, lập tức người ta xúm vào "ném đá". Mà không chỉ tranh luận về quan điểm trong bài viết, người ta sẽ mạt sát cá nhân cô ấy với đủ các từ ngữ, lôi cả chuyện đời tư cô ấy ra…

Đó chỉ là một trong số những ví dụ thường thấy trên mạng xã hội, nơi người ta luôn nghĩ là mỗi người khi bày tỏ quan điểm cá nhân thì đều được tôn trọng như nhau. Và mọi tranh luận đều hướng tới văn minh, dân chủ.

Tôi mong chờ trên mạng, trong những cuộc tranh luận những bài viết mang tính học thuật, khen chê cho đích đáng. Nhưng có vẻ như điều này càng ngày càng hiếm. Nhiều người đứng đắn, trước cơn hung hãn của mạng xã hội cũng không muốn ra lời. Tránh đi cho nó lành.

Có vẻ như là, cãi nhau thật ở bên ngoài, người ta cũng ít khi văng bậy, nhưng ở trên mạng, thì từ ngữ nào cũng được dùng. Có vẻ như, ở trên mạng xã hội, ai cũng có thể thành quan tòa.

Gia tăng tranh luận có thể xem là một tín hiệu tích cực cho lộ trình hướng tới một xã hội dân chủ, văn minh. Nhưng văn hóa tranh luận đang bộc lộ những khiếm khuyết, lệch lạc…

Rất nhiều người hiếu thắng khi tranh luận. Người ta tranh cãi để giành phần hơn, phần thắng bất chấp cơ sở lý tính đầy đủ và chính xác để làm sáng tỏ chân lý. Chúng ta đang trong giai đoạn thiếu, hoặc yếu nền tảng văn hóa tranh luận. Và bởi vậy, để cho hả hê, chúng ta bèn dùng ngôn từ để cãi vã và hơn thua bằng cả việc đả kích cá nhân.

Lợi dụng sự tung hô của đám đông, tha hồ xỉ vả một ai đó, văng tục, chụp mũ là thứ dễ gặp mỗi ngày trong các cuộc tranh luận trên mạng. Người ta thỏa mãn với việc giải tỏa những bức xúc cá nhân bằng cách làm tổn thương người khác. Tinh thần cao cả, trong sáng, hướng thượng trong tranh luận biến mất.

Để tranh luận không dẫn đến tổn thương xã hội, chúng ta cần phải có văn hóa phê bình thật sự. Suy cho cùng, tranh luận là để làm sáng tỏ vấn đề hơn là để tranh thắng bại.

Đặc trưng của mạng xã hội là tính tương tác thuận lợi và nhanh chóng. Trên mạng xã hội, người ta dễ dàng gặp những người cùng sở thích, cùng yêu hoặc ghét những thứ như nhau. Mỗi người tham gia mạng xã hội đều có xu hướng xích lại gần nhau trong một nhóm có cùng khuynh hướng suy nghĩ, cùng một kiểu lập luận và phù hợp sở thích.

Bởi vậy, sự tung hô của một cộng đồng cùng một quan điểm dễ khiến người ta nhầm lẫn. Tương tác trên mạng xã hội thực chất là thứ tương tác bị ảnh hưởng và chi phối bởi chính ý kiến mà người chủ trang cá nhân hay Fanpage nêu ra (những người khác chính kiến sẽ lảng đi).

Lâu dần, người tham gia mạng xã hội sẽ có xu hướng loại bớt khỏi danh sách bạn bè thường xuyên giao tiếp những người có chính kiến hoặc cách nhìn không phù hợp và tụ họp thành nhóm những người đồng tình. Khi ai đó khác quan điểm vào comment (bình luận) người ta sẽ block (chặn). Nghĩa là sau một thời gian, mỗi người sẽ chỉ cung cấp cái nhìn một chiều, đọc được những lời bình luận vừa với ý mình và không chấp nhận các quan điểm khác mình.

Đây là điều nguy hại cho tranh luận xã hội, mà nguy hại hơn khi mạng xã hội đang dẫn dắt người ta vào những hành xử như vậy. Bảo thủ về quan điểm, cùng hội chứng đám đông đang đẩy đa số người phát ngôn trên mạng sa vào tình trạng “đặc quyền” quan điểm mà họ nhầm tưởng mình là tinh hoa.

Trong phần nhiều các bài viết bày tỏ quan điểm về một vấn đề trên mạng xã hội, có một tâm lý cơ bản hiện rõ khi tham gia tranh luận, đó chính là tâm thế hiếu thắng, không tôn trọng người đối thoại.

Để tranh luận không dẫn đến tổn thương xã hội, chúng ta cần phải có văn hóa phê bình thật sự. Suy cho cùng, tranh luận là để làm sáng tỏ vấn đề hơn là để tranh thắng bại. Một khi bước vào tranh luận với một đầu óc mang sẵn những định kiến cá nhân cực đoan, chúng ta sẽ không còn đủ tỉnh táo để nhìn nhận sự hợp lý trong ý kiến, lập luận của người đối thoại.

Lúc đó, ta chỉ còn cuộc cãi vã. Tính chất tranh luận đã hoàn toàn biến mất. Công kích cá nhân và đánh tráo khái niệm không phải là bản chất của tranh luận, nó cũng đang cản trở sự trưởng thành của cộng đồng, và kéo lùi sự phát triển.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thay vì tranh luận người ta công kích cá nhân