Sáng 30/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị quán triệt, triển khai thi hành một số luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XV. Đây là hội nghị đầu tiên, cách làm mới của Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong triển khai thực hiện các luật, nghị quyết của Quốc hội.
Hội nghị do Chính phủ phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức theo hình thức trực tuyến tại đầu cầu Trụ sở Chính phủ, trực tuyến với điểm cầu 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Hội nghị đã nghe quán triệt các nội dung chính, điểm mới và công tác chuẩn bị, triển khai thi hành, thực thi Luật, Nghị quyết của Quốc hội khóa XV gồm: Nghị quyết số 129/2024/QH15 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024; Quy định số 178-QĐ/TW ngày 27/6/2024 của Ban chấp hành trung ương về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật; các Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Đường bộ, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Thủ đô…
Hội nghị nêu những điểm mới, nội dung trọng tâm, yêu cầu và nhiệm vụ chủ yếu để đưa các luật, nghị quyết mới ban hành vào cuộc sống; phối hợp giữa xây dựng với tổ chức thi hành pháp luật; tăng cường kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật. Đồng thời nêu giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong tổ chức triển khai các Luật, Nghị quyết, nhất là việc chậm triển khai, nợ đọng, ban hành văn bản quy định chi tiết, rà soát văn bản quy phạm pháp luật...
Kết luận Hội nghị, Thủ tướng cho biết, xây dựng và hoàn thiện thể chế là một trong 3 đột phá chiến lược, chủ trương lớn của Đảng nhằm xây dựng Nhà nước pháp quyền, xã hội chủ nghĩa; nền dân chủ xã hội chủ nghĩa; phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc; lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể trong xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật. Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh định hướng tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển bền vững về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường..., tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc; khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho phát triển nhanh, bền vững.
“Thể chế phù hợp sẽ tạo động lực phát triển, nếu không phù hợp sẽ kìm hãm sự phát triển; thể chế phải đi trước, mở đường cho đột phá phát triển, phát huy tối đa tiềm năng, sức sáng tạo, đáp ứng tốt nhu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế” - Thủ tướng chỉ rõ.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng khái quát “5 tạo lập” của thể chế đối với sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước. Đó là: Tạo lập cơ sở pháp lý để kiến tạo, phát triển năng lực các chủ thể, phát huy đúng vai trò của từng chủ thể; tạo lập cơ chế, chính sách huy động và phân bổ mọi nguồn lực; điều tiết hài hòa lợi ích phát triển giữa các chủ thể…; tạo lập “sân chơi” lành mạnh, bình đẳng, minh bạch, phù hợp, hiệu quả, điều tiết lợi ích hài hòa đối với các chủ thể trong từng lĩnh vực; tạo lập khung khổ pháp lý phù hợp để hội nhập quốc tế có hiệu quả cao, bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc; tạo lập cơ chế vận hành, kiểm soát có hiệu quả, khắc phục, phòng ngừa rủi ro, tiêu cực.
Thủ tướng nêu một số tồn tại, hạn chế trong xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật như trong ban hành và tổ chức thực hiện pháp luật; nợ đọng văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành; công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật; cơ chế phân công, phối hợp giữa các cơ quan trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật…
Thủ tướng chỉ rõ các nguyên nhân, bài học kinh nghiệm và yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt; phân công rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ kết quả, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm để triển khai thực thi các luật, nghị quyết được Quốc hội bám sát phương châm “5 đẩy mạnh”. Đó là đẩy mạnh tiến độ, chất lượng xây dựng luật theo đúng tiến độ đề ra; đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong xây dựng pháp luật; đẩy mạnh công tác rà soát, hệ thống hóa và pháp điển hóa; đẩy mạnh cơ chế phân công, phối hợp giữa các cơ quan trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật; đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
Thủ tướng yêu cầu, thời gian tới cần tiếp tục quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối của Đảng được đề ra tại Văn kiện Đại hội XIII, các nghị quyết, kết luận của Trung ương, nhất là Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, Quy định số 178-QĐ/TW ngày 27/6/2024 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật; gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng với tổ chức thi hành pháp luật, hoàn thiện cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật nghiêm minh, nhất quán, bảo đảm thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững.
Để nâng cao hiệu quả phối hợp trong tổ chức triển khai thi hành pháp luật, Thủ tướng đề nghị các Ủy ban của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Chính phủ, bộ, ngành ngay từ giai đoạn đầu trong công tác xây dựng pháp luật, bảo đảm tính khả thi của quy định trong các dự án luật, nghị quyết; tăng cường giám sát trong xây dựng và thi hành pháp luật, kịp thời phát hiện những nội dung trái pháp luật, vi phạm để kiến nghị biện pháp xử lý phù hợp.
Thủ tướng cũng đề nghị UBTƯ MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên tham gia xây dựng, đóng góp ý kiến đối với việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; phổ biến giáo dục pháp luật cho nhân dân bằng các hình thức phù hợp. Cùng với đó là vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện luật, nghị quyết; tăng cường hoạt động giám sát, phản biện xã hội đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật có liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, quyền và trách nhiệm của MTTQ Việt Nam.
Trên tinh thần thượng tôn pháp luật, với mục tiêu đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đổi mới cơ chế thi hành pháp luật, gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật với thực hiện pháp luật theo Nghị quyết số 27 của Trung ương, Thủ tướng tin rằng những vấn đề còn vướng mắc trong triển khai thi hành luật, nghị quyết sẽ có phương án giải quyết phù hợp, qua đó, đưa công tác triển khai thi hành pháp luật ngày càng chuyên nghiệp, bài bản, hiệu lực, hiệu quả, góp phần quan trọng, phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.