CHDCND Triều Tiên trong hôm 9/9 đã tuyên bố thử nghiệm thành công một đầu đạn hạt nhân, lần thử nghiệm thứ 5 tính từ trước đến nay. Sự việc gây chấn động cộng đồng quốc tế, và khiến Hàn Quốc chỉ trích mạnh mẽ nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Vụ thử hạt nhân của Triều Tiên gây nên một đợt dư chấn có cường độ 5,1 độ Richter. (Nguồn: NPR).
Kênh truyền thông Nhà nước Triều Tiên nói rằng cuộc thử nghiệm trên, được thực hiện sau hàng loạt vụ thử nghiệm tên lửa đạn đạo khiến cộng đồng quốc tế lên án và LHQ áp đặt lệnh trừng phạt, đã đạt được mục tiêu là lắp đặt vừa một đầu đạn hạt nhân lên một tên lửa đẩy.
“Các nhà khoa học hạt nhân của chúng ta đã thử nghiệm một vụ nổ hạt nhân đối với một loại đầu đạn mới phát triển tại khu vực thửu nghiệm phía Bắc” - kênh truyền hình của Triều Tiên đưa tin - “Đảng của chúng ta đã gửi một thông điệp đến các nhà khoa học vì đã thử nghiệm thành công đầu đạn hạt nhân”.
Động thái của Bình Nhưỡng nhanh chóng nhận phải chỉ trích từ Tổng thống Mỹ Barack Obama, người từng cảnh báo về “các hậu quả nghiêm trọng” và nói rằng ông đã kêu gọi lãnh đạo Hàn Quốc và Nhật Bản thảo luận về cuộc khủng hoảng này.
Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye thì lên án lãnh đạo Triều Tiên là người “bất cẩn điên cuồng” vì liên tiếp tổ chức các cuộc thử nghiệm tương tự nhằm phô diễn sức mạnh quân sự.
“Chính quyền Kim Jong-un sẽ chỉ nhận thêm lệnh trừng phạt và sự cô lập… và hành động khiêu khích kiểu này sẽ chỉ khiến họ tiến nhanh hơn đến con đường tự diệt vong” - bà Park nói, cảnh báo rằng sự ám ảnh về hạt nhân của Triều Tiên là một thách thức lớn.
“Chúng tôi sẽ tăng cường sức ép đối với Triều Tiên bằng mọi biện pháp có thể, trong đó gồm các lệnh trừng phạt năng nề hơn, phối hợp với cộng đồng quốc tế và Hội đồng Bảo an LHQ” - bà Park nói thêm.
Các bên phân tích vụ thử
Thông tin về cuộc thử nghiệm xuất hiện khi các nhà địa chấn học phát hiện ra một “trận động đất nhân tạo” có cường độ 5,1 độ Richter trong buổi sáng ngày 9/9 gần khu vực thử nghiệm Punggye-ri của Triều Tiên, nơi mà lần thử nghiệm hạt nhân lần 4 của họ diễn ra hồi tháng Một vừa qua.
“Vụ nổ này có sức mạnh gần gấp đôi vụ thử nghiệm lần thứ tư và chỉ kém quả bom hạt nhân từng thả xuống Hiroshima một chút” - ông Kim Nam-wook, thuộc cơ quan Khí tượng học Hàn Quốc, cho hay.
Nếu Bình Nhưỡng có thể chế tạo một thiết bị hạt nhân có kích thước nhỏ vừa để lắp đặt trên một đầu đạn, cùng lúc tăng tầm bắn và độ chính xác của tên lửa, họ có thể đạt được mục đích chĩa tầm ngắm sang các mục tiêu ở nước Mỹ. Tuy nhiên, tuyên bố này vẫn còn vấp phải nhiều hoài nghi.
Hiện các nhà khoa học đang cố gắng phân tích vụ nổ này để tìm xem Triều Tiên đã đạt được bước tiến như thế nào sau vụ thử nghiệm, trong đó gồm cả việc đó là một quả bom nguyên tử đạt tiêu chuẩn hay là một quả bom nhiệt hạch, bom khinh khí…
Kênh truyền hình NHK của Nhật Bản cho hay, Bộ Quốc phòng của họ đang chuẩn bị để triển khai máy bay tới phân tích các mẫu không khí để rò mức độ phóng xạ.
“Việc Triều Tiên thử nghiệm hạt nhân là điều không thể chấp nhận được đối với Nhật Bản” - Thủ tướng Nhật Shinzo Abe nói - “Chương trình phát triển hạt nhân của Triều Tiên đang trở thành một mối đe dọa nghiêm trong đối với Nhật Bản và gây tổn hại nghiêm trong tới hòa bình và sự an toàn của khu vực và cộng đồng quốc tế”.
Đầy bất ngờ
CHDCND Triều Tiên hiện đã phải chịu 5 lớp lệnh trừng phạt của LHQ kể từ khi họ lần đầu tiên thử nghiệm thiết bị hạt nhân trong năm 2006, nhưng vẫn khẳng định rằng sẽ tiếp tục chương trình hạt nhân để đối phó với cái mà họ gọi là mối đe dọa hiện hữu từ sự hung hăng của Mỹ.
Trước đây, các vụ thử nghiệm của Triều Tiên thường được dự báo trước nhờ các hình ảnh vệ tinh chụp các hoạt động tại khu vực thử nghiệm ở Punggye-ri. Nhưng lần thử nghiệm thứ 5 này khiến người ta hết sức bất ngờ vì không có dấu hiệu nào báo trước cả.
“Vụ thử nghiệm lần này đã khiến nhiều người không ngờ tới, dù giới chức Seoul đã dự báo từ nhiều tháng trước rằng Triều Tiên đang duy trì tư thế sẵn sàng để thực hiện cuộc thử nghiệm vào bất kỳ lúc nào” - Kim Jin-moo, thuộc Viện Phân tích Quốc phòng Hàn Quốc, nhận định.
Trước đó, trong hôm đầu tuần, Bình Nhưỡng cũng phóng liên tiếp 3 tên lửa ra biển cùng lúc mà Trung Quốc đang tổ chức hội nghị thượng đỉnh G20 tại Hàng Châu, khiến nhiều nước quan ngại. Vụ thử nghiệm trên, cùng với vụ thử nghiệm hạt nhân lần thứ 5 này được nhận định là đã làm "bẽ mặt" Trung Quốc bởi nước này rất kỳ vọng vào một kỳ thượng đỉnh G20 tốt đẹp và cũng đang chịu sức ép phải kiềm chế tình hình ở bán đảo Triều Tiên.