Bước vào ngày đầu tiên của năm mới 2022, Chính phủ Nam Phi tuyên bố đã qua đỉnh dịch Omicron và dỡ lệnh giới nghiêm ban đêm, nới một số hạn chế. "Tốc độ sóng lây nhiễm thứ tư do Omicron tăng lên, đạt đỉnh và sau đó giảm đáng kinh ngạc" - TS Fareed Abdullah thuộc Hội đồng Nghiên cứu Y khoa Nam Phi cho biết. Đây được cho là tin vui đầu năm không chỉ riêng với Nam Phi trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19.
Tiến sĩ Fareed cho biết, dịch Covid-19 do biến thể Omicron gây ra ở Nam Phi (kể từ ngày 24/11/2021) đã đạt đỉnh trong 3 tuần và giảm mạnh trong 3 tuần kế tiếp. “Sóng Omicron đã kết thúc ở thành phố Tshwane mà không gây ra trận lũ quét".
Thông báo của Chính phủ Nam Phi cũng cho biết, biến thể Omicron có khả năng lây lan cao nhưng tỷ lệ nhập viện thấp hơn so với các đợt trước. Điều này đồng nghĩa hệ thống y tế còn nhiều không gian để tiếp nhận bệnh nhân, kể cả những người điều trị các bệnh khác.
Diễn biến ở Nam Phi được cho là mang lại hy vọng cho những quốc gia đang vật lộn với biến chủng Omicron. Một số nhà khoa học đã nhanh chóng dự báo mô hình tương tự ở những nơi khác.
"Chúng ta sẽ trải qua tháng 1 khó khăn, vì ca nhiễm sẽ tiếp tục tăng và đạt đỉnh, rồi giảm nhanh" - Ali Mokdad, nhà dịch tễ học thuộc Đại học Washington (Mỹ) và từng là nhà khoa học của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC), cho biết thêm rằng tỷ lệ ca nhập viện thấp hơn các đợt trước.
Tuy nhiên, giới khoa học vẫn chưa đưa ra kết luận cuối cùng về độc lực hay mức độ né tránh vaccine của Omicron. Soumya Swaminathan - nhà khoa học hàng đầu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhấn mạnh, sẽ "không khôn ngoan" khi cho rằng Omicron là biến thể yếu. Nhưng dẫu thế, trong Thông điệp đầu năm mới 2022, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã cho rằng đây sẽ là năm phục hồi cho tất cả mọi người.
"Phục hồi sau đại dịch với một kế hoạch táo bạo là tiêm chủng cho mọi người, ở mọi nơi. Phục hồi nền kinh tế của chúng ta bằng cách các quốc gia giàu có hơn hỗ trợ các nước đang phát triển về tài chính, đầu tư và xóa nợ. Phục hồi sau sự chia rẽ và ngờ vực bằng các dữ liệu khoa học, thông tin thực tế. Phục hồi sau xung đột với tinh thần đối thoại, thỏa hiệp và hòa giải. Phục hồi hành tinh của chúng ta với các cam kết về khí hậu… Vì mọi người, vì hành tinh và sự thịnh vượng” - ông Guterres nói.
Ngày 3/1/2022, ngoài dự báo kinh tế thế giới tăng trưởng 4,7% trong năm 2022, Ngân hàng Đầu tư J.P. Morgan (Mỹ) còn lạc quan rằng năm tới sẽ đánh dấu sự kết thúc của Covid-19 và thị trường sẽ quay về bình thường như trước đại dịch. Chuyên gia Marko Kolanovic của J.P. Morgan tin rằng, 2022 là năm kinh tế toàn cầu hồi phục hoàn toàn nhờ miễn dịch cộng đồng rộng rãi và sự ra đời của các loại vaccine, thuốc điều trị mới.
Cùng đó, trong báo cáo mới nhất, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) vẫn giữ nguyên dự báo kinh tế thế giới tăng trưởng 4,5% trong năm 2022, tuy nhiên nói như Kinh tế trưởng Laurence Boone của OECD thì biến thể Omicron vẫn có thể gây ra bất ổn và rủi ro.
Lạc quan nhưng thận trọng, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cảnh báo Omicron có thể làm chậm lại sự phục hồi kinh tế toàn cầu như biến thể Delta từng làm. Trong báo cáo gần đây nhất, IMF dự báo kinh tế toàn cầu lần lượt tăng trưởng 5,9% năm 2021 và 4,9% năm 2022.
Không quá lạc quan, các nhà phân tích tại Công ty Tư vấn Oxford Economics (Anh) lo ngại Omicron sẽ trở nên cực kỳ nguy hiểm và khiến phần lớn thế giới lại rơi vào cảnh phong tỏa trong năm tới. Nếu kịch bản xấu nhất này xảy ra, theo Oxford Economics, kinh tế thế giới có thể chỉ tăng trưởng 2,3%, so với mức 4,5% được đưa ra trước khi Omicron xuất hiện.
Cùng với dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2022, giới chuyên gia cũng cho rằng lạm phát sẽ đạt đỉnh vào đầu năm 2022 trước khi giảm dần xuống mức khoảng 3,5%. Khi lạm phát được không chế cũng có nghĩa là giá trị đạt được sẽ “thực” hơn. Tạp chí The Economist (Anh) cho rằng lạm phát sẽ không còn quá "nóng" trong năm 2022 và sẽ có thêm nhiều người tái gia nhập lực lượng lao động, bất chấp “ẩn số Omicron”.
Với sự tham gia của hơn 22.000 người đến từ 33 quốc gia, cuộc khảo sát trực tuyến của Công ty Ipsos (Pháp) cho thấy phần đông lạc quan về một năm 2022 tươi sáng hơn so với năm 2021.
77% người tham gia nói rằng 2022 sẽ là một năm tốt đẹp hơn so với năm 2021. Tỷ lệ này ở Nhật Bản là 54% nhưng lên đến 94% ở Trung Quốc. 60% tin rằng kinh tế toàn cầu sẽ mạnh mẽ hơn trong năm 2022, tăng từ 54% của năm trước đó. 56% tin rằng hơn 80% dân số thế giới sẽ được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine ngừa Covid-19 trong năm 2022. Dù vậy, 47% dự đoán một biến thể nguy hiểm mới sẽ xuất hiện. 71% khẳng định các thành phố ở quốc gia của họ sẽ lại nhộn nhịp khi người dân trở lại văn phòng. Tỷ lệ này ở Trung Quốc là 87%, so với 78% tại Argentina, Brazil và Colombia. 57% tin rằng lượng người "sống trong thế giới ảo” sẽ gia tăng. Tỉ lệ này ở Thổ Nhĩ Kỳ lên đến 77% nhưng chỉ còn 43% ở Anh, 36% ở Arab Saudi và 18% ở Nhật Bản.