Thế giới trước lựa chọn lương thực hay khí hậu

Hà Anh 25/10/2023 09:00

Một phần ba sản lượng lương thực của thế giới có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng khí hậu, nhưng hệ thống sản xuất lương thực cũng là một trong những nguyên nhân chính gây ra sự cố khí hậu.

Hoạt động nông nghiệp có thể sản sinh hơn 1/5 sản lượng carbon toàn cầu.

Hứa hẹn sự thay đổi

Theo Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC), phát thải khí nhà kính từ nông nghiệp và thay đổi cách sử dụng đất thường gây ra các rủi ro về khí hậu. Ví dụ phá rừng hay cải tạo các vùng đất ngập nước để canh tác và chăn nuôi tạo ra hơn 1/5 sản lượng carbon toàn cầu. Tuy nhiên, các cuộc thảo luận về hệ thống lương thực thế giới, tính dễ bị tổn thương và tác động của chúng, chỉ được đặt bên lề các cuộc đàm phán về biến đổi khí hậu hàng năm của Liên hợp quốc (LHQ) và ít được chú ý.

Điều này một phần xuất phát từ tính chất phân chia trách nhiệm của LHQ với Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp (FAO) - cơ quan có cơ chế tổ chức hội nghị thượng đỉnh riêng.

Nhưng năm nay hứa hẹn có sự thay đổi. Lần đầu tiên sẽ có một ngày dành riêng cho vấn đề lương thực, đồng thời, lương thực, nông nghiệp và nước cũng sẽ là vấn đề trọng tâm của ít nhất 22 sự kiện lớn trong hai tuần diễn ra Hội nghị về Biến đổi Khí hậu của LHQ năm 2023 - COP28 tại Dubai, từ 30/11 đến 13/12, do Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) chủ trì.

Lần đầu tiên, FAO sẽ phác thảo cách các hệ thống sản xuất lương thực, thực phẩm phải thay đổi để thế giới duy trì theo đuổi mục tiêu thống nhất toàn cầu là hạn chế nhiệt độ trung bình tăng 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp (thời gian trước khi cuộc cách mạng công nghiệp diễn ra, bắt đầu từ thế kỷ 16 đến năm 1750. Trong thời kỳ này, kinh tế thế giới chủ yếu dựa vào nông nghiệp và thủ công nghiệp).

Ngoài ra, các bên còn bàn thảo tác động của khủng hoảng khí hậu đối với hệ thống thực phẩm.

Phác thảo của FAO chỉ ra rằng, hoạt động chăn nuôi lấy thịt và sữa trên toàn thế giới phải được kìm giữ, không để tăng trưởng liên tục, nhằm đạt mục tiêu giảm một nửa lượng khí thải vào năm 2030 và đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Phát thải ròng bằng 0, hay phát thải carbon trung tính, là trạng thái mà lượng khí thải nhà kính do con người tạo ra bằng với lượng khí thải được khí quyển hấp thụ. Điều này có nghĩa là không có thêm khí thải mới được thải vào bầu khí quyển, giúp ngăn chặn sự nóng lên toàn cầu.

“Trong lịch sử, chúng ta đã bỏ qua đáng kể vai trò của nông nghiệp, khi nó vừa là tác nhân chính gây ra biến đổi khí hậu toàn cầu, vừa là giải pháp tiềm năng cho biến đổi khí hậu” - ông Edward Davey (Viện Tài nguyên thế giới) cho biết. Theo ông, nếu các nhà lãnh đạo thế giới có thể cùng nhau thảo luận về các cam kết, xem xét mối liên hệ giữa lương thực và khí hậu, đây sẽ là sự kiện lịch sử.

Đánh giá đúng tác động

Theo ông Davey, đối với các quốc gia ở những khu vực giàu có trên thế giới như Mỹ và EU, việc giảm đáng kể lượng tiêu thụ thịt và sữa phải là một phần trong cam kết quốc gia để giải quyết khủng hoảng khí hậu. Nhưng đối với những nước nghèo tỷ lệ tiêu thụ thịt và sữa bình quân đầu người thường rất thấp, câu chuyện chính về lương thực và nông nghiệp lại liên quan nhiều hơn đến an ninh lương thực, dinh dưỡng, khả năng thích ứng và phục hồi.

Ông Sultan Al Jaber, Bộ trưởng Bộ Công nghệ tiên tiến của UAE đồng thời là Giám đốc điều hành Công ty Dầu khí quốc gia Adnoc, cho rằng chỉ tập trung vào lượng khí thải từ nhiên liệu hóa thạch là chưa đủ và cần phải tính đến lượng khí thải từ tất cả các lĩnh vực, bao gồm cả nông nghiệp.

“Không chỉ dầu khí mới góp phần gây ra biến đổi khí hậu. 30% nguyên nhân đến từ công nghiệp và 30% nguyên nhân đến từ nông nghiệp. Chúng ta cần cẩn thận trong việc xác định nguồn phát thải carbon. Thế giới cần đoàn kết để xử lý vấn đề khí thải và tập trung vào việc khử cacbon” – ông Sultan Al Jaber nói.

Các chuyên gia thực phẩm cảnh báo rằng, các giải pháp công nghệ cao cho dù hấp dẫn các chính trị gia đến đâu cũng không thể thay thế việc giải quyết vấn đề thực sự là chế độ ăn uống ở phương Tây và tác động của chúng, phát thải khí mêtan từ hoạt động chăn nuôi lấy thịt và sữa, chất thải và sự bất cẩn trong việc sử dụng quá mức các nguồn lực liên quan.

Ông Raj Patel – chuyên gia nghiên cứu lĩnh vực thực phẩm toàn cầu, cho rằng: “Không giải pháp nào được đưa ra tại COP27 có thể ngăn chặn việc sản xuất thực phẩm công nghiệp trở thành động cơ hủy diệt hành tinh. Doanh nghiệp nông nghiệp và các chính phủ đã đưa ra một loạt các bản vá được cấp bằng sáng chế, được thiết kế không nhằm mục đích biến đổi hệ thống thực phẩm mà để giữ nguyên hệ thống”.

Các nhà vận động hy vọng rằng, COP28 sẽ thực sự thảo luận lý do chế độ ăn uống kiểu phương Tây hiện nay được du nhập sang các nước đang phát triển vốn không bền vững, nêu giải pháp cho vấn đề đó.

“Làm thế nào chúng ta có được những trang trại bền vững và đảm bảo thực phẩm đến được với những người cần thực phẩm nhất phải là ưu tiên hàng đầu của các nhà lãnh đạo ở Dubai. Khí thải từ nông nghiệp là nguyên nhân lớn gây ra khủng hoảng khí hậu và là vấn đề cần được giải quyết tại COP28 nếu chúng ta muốn kiểm soát tình trạng nóng lên toàn cầu”, bà Jennifer Larbie - người đứng đầu các chiến dịch vận động của Vương quốc Anh tại tổ chức Christian Aid - nói.

“Không chỉ dầu khí mới góp phần gây ra biến đổi khí hậu. 30% nguyên nhân đến từ công nghiệp và 30% nguyên nhân khác đến từ nông nghiệp. Chúng ta cần cẩn thận trong việc xác định nguồn phát thải carbon. Vì vậy, thế giới cần đoàn kết để xử lý vấn đề khí thải và tập trung vào việc khử cacbon” – Bộ trưởng Bộ Công nghệ tiên tiến UAE Sultan Al Jaber nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thế giới trước lựa chọn lương thực hay khí hậu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO