Với thực tế các ca nhiễm mới và tử vong đang tăng trở lại tại các vùng dịch lớn trước đây như Mỹ, Anh trong bối cảnh tỷ lệ tiêm vaccine chưa cao, giới chuyện gia cho rằng, Covid-19 khó có thể chấm dứt trong 6 tháng tới.
Mỹ tăng trở lại ca nhiễm, Anh theo đuổi “kế hoạch mùa đông”
Theo hãng tin AP, các ca tử vong và ca nhiễm Covid-19 ở Mỹ đã tăng trở lại mức chưa từng thấy kể từ mùa đông năm ngoái, “xóa sổ” thành quả đạt được nhiều tháng nay của Chính phủ nước này.
Các ca mắc Covid-19 mới do biến thể Delta kết hợp việc một số người Mỹ không đồng thuận với việc tiêm chủng đã khiến dịch diễn biến phức tạp hơn.
Trong khi các điểm nóng một thời như Florida và Louisiana đang được cải thiện, tỷ lệ lây nhiễm lại đang tăng vọt ở Kentucky, Georgia và Tennessee, do trẻ em hiện đã đi học trở lại, quy định bắt buộc đeo khẩu trang lỏng lẻo và tỷ lệ tiêm chủng thấp.
Nhiều bệnh viện ở Mỹ, số ca nhiễm Covid-19 bắt đầu tăng lên. Các ca phẫu thuật bị hủy bỏ tại các bệnh viện ở bang Washington và Utah. Tình trạng thiếu nhân viên y tế trầm trọng ở Kentucky và Alabama, thiếu giường ở Tennessee. Các đơn vị chăm sóc đặc biệt trở nên quá tải ở Texas.
Tính tới cuối tháng 8/2021, Mỹ có trung bình hơn 1.800 ca tử vong do Covid-19 và 170.000 ca mắc mới mỗi ngày, mức cao nhất tương ứng kể từ đầu tháng 3 và cuối tháng 1 năm nay. Và cả hai con số này đều tăng trong hai tuần qua.
Bà Linsey Marr, Giáo sư kỹ thuật dân dụng và Môi trường tại Virginia Tech, cho biết, đợt tăng mạnh nhất trong mùa hè xảy ra ở các bang có tỷ lệ tiêm chủng thấp, đặc biệt là ở miền Nam, nơi nhiều người sống chủ yếu phụ thuộc vào điều hòa không khí và hít thở không khí tuần hoàn. Bà Marr dự báo, khi thời tiết bắt đầu lạnh, mọi người sẽ ở trong nhà nhiều hơn, các bang xa hơn về phía Bắc cũng có thể thấy các dấu hiệu tăng.
“Tỷ lệ tiêm phòng không thấp ở một số bang miền Bắc, nhưng vẫn còn rất nhiều người chưa được tiêm phòng ở đó. Nguy cơ cao biến thể Delta sẽ “tìm” ra họ”, bà Marr nói.
Trong khi đó tại Anh, ngày 15/9, tại cuộc họp báo về kế hoạch ứng phó với dịch Covid-19 của chính phủ trong mùa Thu và mùa Đông năm nay, Thủ tướng Anh Boris Johnson cảnh báo tình hình dịch năm nay tại nước này thậm chí còn khó khăn hơn so với năm ngoái trong bối cảnh số ca mắc, nhập viện và tử vong do Covid-19 hiện tại cao hơn so với cùng thời điểm tháng 9/2020. Tuy nhiên, ông Johnson tin rằng, Anh sẽ không phải quay trở lại biện pháp phong tỏa như năm ngoái.
Kế hoạch của Thủ tướng Johnson đưa ra 2 phương án: Kế hoạch A tiếp tục thúc đẩy chương trình tiêm chủng, khuyến khích người dân sử dụng khẩu trang, thường xuyên rửa tay và thực hiện xét nghiệm. Tuy nhiên, trong trường hợp dịch Covid-19 gây áp lực quá lớn lên hệ thống y tế, Kế hoạch B sẽ được kích hoạt, theo đó hộ chiếu vaccine, đeo khẩu trang và làm việc tại nhà sẽ trở thành yêu cầu bắt buộc.
Theo kế hoạch của ông Johnson, “Chính phủ vẫn cam kết thực hiện bất kỳ hành động nào cần thiết để bảo vệ Dịch vụ Y tế Quốc gia khỏi bị quá tải, song những biện pháp hạn chế gây thiệt hại về kinh tế và xã hội sẽ chỉ được coi là phương án cuối cùng”.
Khó khả quan trong 6 tháng tới
Bàn về khả năng kiểm soát dịch bệnh Covid-19 trên toàn thế giới, các chuyên gia đồng thuận rằng, tiêm chủng là chìa khóa để nhân loại đối phó với đại dịch. Đợt bùng phát Covid-19 hiện tại có thể được kiểm soát khi phần lớn dân số toàn cầu, khoảng 90-95%, đạt miễn dịch nhờ tiêm chủng hoặc từng nhiễm Covid-19. Nhưng với nguồn cung vaccine và tốc độ tiêm chủng như hiện nay, mục tiêu này khó có thể đạt được trong 6 tháng tới.
“Không có vaccine, chúng ta sẽ trở nên rất dễ tổn thương, bởi virus sẽ lây lan rộng và lây nhiễm mạnh vào mùa thu và đông này”, Lone Simonsen, nhà dịch tễ học kiêm giáo sư về khoa học y tế dân số tại Đại học Roskilde ở Đan Mạch, nói.
Nhiều chuyên gia chia sẻ quan điểm, cuộc đua giữa các làn sóng lây nhiễm và cuộc chiến tiêm chủng toàn cầu sẽ không thể kết thúc trong thời gian ngắn.
Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Chính sách và Bệnh truyền nhiễm tại Đại học Minnesota (Mỹ), ông Michael Osterholm dự báo, thế giới rất dễ chứng kiến đợt bùng phát mới vào mùa thu và mùa đông tới đây.
Theo ông Osterholm, vài tháng tới sẽ là khoảng thời gian khó khăn, khi hàng tỷ người trên thế giới chưa được tiếp cận vaccine và ít có cơ hội để loại trừ virus. Thế giới trong vài tháng tới có thể sẽ phải đối diện với các ổ dịch trong lớp học, trên các phương tiện công cộng và nơi làm việc, khi mà các nước quyết tâm đẩy nhanh tiến độ mở cửa nền kinh tế.
Bên cạnh đó, ngay cả khi tỉ lệ tiêm chủng tăng nhanh, vẫn sẽ có nhóm người thuộc diện dễ bị tổn thương trước virus SARS CoV-2, đó là trẻ sơ sinh, những người không thể tiêm vaccine hoặc không muốn tiêm vaccine, những người đã tiêm nhưng lại rơi vào nhiễm đột phá do suy giảm lớp bảo vệ.
Cùng quan điểm, chuyên gia Lone Simonsen cũng khẳng định, “chìa khóa” then chốt vẫn phải là tiêm chủng.
Dù đã trải qua những đợt bùng phát nghiêm trọng vào năm ngoái và có tỷ lệ tiêm chủng tương đối cao, các nước như Mỹ, và Nga vẫn tiếp tục ghi nhận số ca nhiễm mới tăng gần đây. Tiêm chủng giúp giảm nguy cơ bệnh nặng và tử vong, nhưng các đợt bùng phát hiện nay tấn công nhóm trẻ tuổi và những người chưa tiêm chủng.
Nhiều quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng thấp như Malaysia, Mexico, Iran và Australia đang chứng kiến đợt bùng phát nghiêm trọng nhất, do sự xuất hiện của biến chủng Delta dễ lây lan. Giới chuyên gia cảnh báo, khi virus tiếp tục lây lan ở hàng tỷ người chưa tiêm chủng trên thế giới, biến chủng mới có thể sớm xuất hiện. Từ nay đến cuối năm, thế giới cần chuẩn bị đối phó với dịch Covid-19 ở cấp độ lớn hơn những gì đã diễn ra và dịch bệnh chỉ chấm dứt sau khi tất cả công dân đều thuộc diện đã nhiễm bệnh hoặc đã tiêm đủ vaccine.
Theo chuyên gia Lone Simonsen, lịch sử cho thấy mọi người thường có quan điểm virus sẽ tự động giảm độc lực theo thời gian. Nhưng đây là quan niệm sai lầm. Biến chủng mới không hẳn lúc nào cũng nguy hiểm hơn so với chủng cũ, nhưng đại dịch trên thực tế sẽ nghiêm trọng, gây ra chết chóc nhanh và mạnh hơn trong giai đoạn lây lan, bùng phát, khi virus tìm cách thích ứng, xâm nhập vật chủ mới.