Góc nhìn Đại Đoàn Kết

Thế hệ lệ thuộc AI

Vi Cầm 16/04/2025 07:51

Sau một thời gian tìm hiểu và sử dụng các công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) để phục vụ cho việc học tập, nhiều học sinh thừa nhận rằng họ đang bị phụ thuộc vào sự trợ giúp này. AI dù mang đến cơ hội lớn trong việc cá nhân hóa học tập, song đi kèm đó là những thách thức về đạo đức, pháp lý, năng lực ứng dụng, và đặc biệt là sự công bằng trong tiếp cận công nghệ.

Rất nhiều học sinh sử dụng điện thoại di động có cài đặt phần mềm Chat GPT hoặc một ứng dụng tương tự. Khi được hỏi, các em chia sẻ: Các công cụ AI giúp người học tóm tắt số lượng lớn tài liệu trong thời gian ngắn hoặc hỗ trợ phân tích, giải các bài tập khó, nằm ngoài chương trình sách giáo khoa. Đơn cử như với môn Ngữ văn, chỉ một cú nhấp chuột, AI có thể cung cấp thông tin từ dàn ý đến bài viết chi tiết, hấp dẫn về một vấn đề nghị luận xã hội bất kỳ, thậm chí nội dung đa dạng, hay hơn văn mẫu.

Theo các thống kê, tại Việt Nam hiện khoảng 15% trường học ở các thành phố lớn đã triển khai ứng dụng AI trong giáo dục. Riêng Hà Nội khoảng 25%, TPHCM khoảng 30%. Các môn học sử dụng AI nhiều nhất là Toán, Tiếng Anh, Khoa học và Tin học. Trước đó, trong một cuộc khảo sát của AI Education (Google) vào tháng 12/2023 tại một trường THPT ở TPHCM cho thấy, 39,3% trong số 267 học sinh sử dụng ít nhất một công cụ AI tạo sinh hỗ trợ cho việc học và hoàn thành bài tập về nhà. Các em biết đến những công cụ này qua các phương tiện truyền thông đại chúng hoặc do chính phụ huynh giới thiệu. Mục đích sử dụng cũng khá đa dạng như: học tiếng Anh; giải bài tập các môn Toán, Tin học; vẽ tranh ảnh cho các bài thuyết trình trong lớp; tìm ý tưởng cho các dự án; trò chuyện tâm sự với AI chatbot.

Mới đây, tại Ngày hội Hỗ trợ học sinh khởi nghiệp 2025 do Sở GDĐT TPHCM phối hợp với Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng tổ chức, không ít học sinh đã thừa nhận rằng bản thân đang càng ngày càng bị lún sâu vào AI.

Ở góc độ người thầy, các giáo viên chia sẻ không khó để phát hiện học sinh sử dụng ChatGPT trong hoàn thành làm bài tập, đề cương ôn tập… Ví dụ rõ nhất ở môn Ngữ văn, chất lượng bài viết, lối hành văn bỗng trở nên sáng rõ, sử dụng câu từ hoa mĩ, giàu hình ảnh hơn; phong cách viết không nhất quán. Khi đọc kỹ và phân tích tính liên kết của bài viết, giáo viên có thể nhận thấy sự thay đổi đột ngột trong phong cách viết, giống như một sự chắp vá các ý và thiếu mạch lạc. Điều đáng nói là bài viết của nhiều học sinh giống nhau đến mức lạ thường; thậm chí khi học sinh sử dụng ChatGPT để làm bài tập thường có lỗi sai giống hệt nhau.

Học sinh hiện nay có quá nhiều công cụ và tài nguyên AI, dẫn đến việc dễ lạm dụng. Có thể nói là một thế hệ "bội thực" với các ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Trong khi còn đó đang có khoảng trống trong việc tuân thủ các quy tắc đạo đức, bảo đảm an toàn cho học sinh khi sử dụng AI. Ở chiều ngược lại, với học sinh ở những nơi chưa có điều kiện hoặc công cụ để tiếp cận tiếp cận công nghệ sẽ bị thiệt thòi. Như vậy, người dùng nếu phụ thuộc quá mức vào AI có thể trở thành “nô lệ số”. Điều này triệt tiêu các phẩm chất quan trọng trong Chương trình GDPT 2018 như: năng lực giải quyết vấn đề, sáng tạo, giao tiếp, hợp tác, tự chủ và tự học. Hơn thế nữa, thực trạng này đe dọa hình thành một môi trường học tập thiếu trung thực, không lành mạnh.

Với học sinh, việc phụ thuộc quá mức vào công nghệ có thể làm giảm khả năng tư duy, sáng tạo của người học; giảm khả năng trong việc hiểu và đồng cảm với cảm xúc người khác, do không có mối tương tác thực tế và sâu sắc. Đáng lưu ý, việc ChatGPT có thể thu thập, lưu trữ thông tin cá nhân người dùng - mà không có sự chấp thuận, sẽ đe dọa quyền riêng tư, gây mất an toàn thông tin.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thế hệ lệ thuộc AI