Việc băng nhóm xã hội đen Nguyễn Xuân Đường (Đường “nhuệ”) bị “sờ gáy” khiến nhiều người dân Thái Bình phấn khởi, bởi rốt cuộc công lý cũng được thực thi. Song, vẫn không ít người lo ngại thế lực ngầm của Đường “nhuệ” vẫn còn sẽ trả thù khốc liệt nếu họ dám đứng ra tố cáo, làm chứng chống lại “đại gia” Thái Bình. Từng có người bị đánh tàn phế ngay tại trụ sở công an khiến người dân hết sức run sợ.
Từ việc thu “phế” hỏa táng
Sau khi xây dựng đài hóa thân hoàn vũ Thanh Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty CP dịch vụ tang lễ Hoàng Long (trụ sở tại tỉnh Nam Định) Trần Ngọc Giao ủy quyền cho Công ty Thành Phát lập chi nhánh kinh doanh tại tỉnh Thái Bình. Công ty Thành Phát có trách nhiệm tiếp nhận đăng ký dịch vụ hỏa táng (tại đài hóa thân hoàn vũ Thanh Bình) của các gia đình trên địa bàn tỉnh Thái Bình, với giá 4,3 triệu đồng/ trường hợp. Mọi sự đang yên ổn thì đột nhiên cuối năm 2017, các công ty dịch vụ tang lễ trên địa bàn tỉnh Thái Bình được nhóm họp, ông Giao tuyên bố chuyển giao công việc của Công ty Thành Phát cho công ty của vợ chồng Đường Dương.
Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu các gia đình có người quá cố ở tỉnh Thái Bình vẫn chỉ phải nộp 4,3 triệu đồng cho Công ty CP dịch vụ tang lễ Hoàng Long. Song, sau khi Đường “nhuệ” tiếp nhận thì với mỗi trường hợp hỏa táng tại đài hóa thân hoàn vũ Thanh Bình, các công ty dịch vụ tang lễ tại Thái Bình phải nộp thêm 500.000 đồng “từ thiện” cho vợ chồng Đường Dương. Các công ty dịch vụ tang lễ không được phép “quên” bất cứ trường hợp nào, mà phải nộp đủ số tiền 500.000 đồng nhân với số “ca” trong tháng. Để giám sát việc “báo ca” (đếm số gia đình có nhu cầu hỏa táng trong tỉnh Thái Bình - PV), Đường “nhuệ” xây dựng một hệ thống “chân rết” trên khắp các địa bàn các huyện và TP Thái Bình. Nếu phát hiện công ty nào “qua mặt”, lập tức Đường “nhuệ” cho đàn em hành hung, đập phá để dằn mặt.
Vợ chồng Đường Dương không chỉ bắt các công ty dịch vụ tang lễ trên địa bàn tỉnh Thái Bình phải nộp “phế” 500.000 đồng, mà còn không cho hợp tác với đài hóa thân hoàn vũ trên địa bàn TP Hải Phòng, để tránh “thất thoát”. Có trường hợp người thân của một nhân viên Công ty CP phục vụ mai táng Hải Phòng (trụ sở tại TP Hải Phòng) mất ở huyện Tiền Hải (tỉnh Thái Bình), doanh nghiệp này cho xe đưa về Hải Phòng để hỏa táng, thì bị đàn em của Đường “nhuệ” chặn đường hành hung, đập phá xe tang lễ. Tương tự, Công ty dịch vụ tang lễ Tân Đại (ở tỉnh Hải Dương) nhiều lần bị Đường “nhuệ” và đàn em hành hung, đập phá xe tang vì dám “cả gan” nhận làm dịch vụ tang lễ trên địa bàn tỉnh Thái Bình. Đáng giận là tất cả những vụ việc trên ngay sau đó đã được các bị hại trình báo chính quyền địa phương và lực lượng công an nhưng không có cơ quan nào đứng ra giải quyết.
Đến đấu giá đất bằng... vũ lực
Mở rộng điều tra các hành vi vi phạm pháp luật của vợ chồng Đường Dương, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thái Bình đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 cán bộ thuộc Sở Tư pháp và Sở Tài nguyên – Môi trường tỉnh Thái Bình, với cáo buộc lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Điều này không hề bất ngờ với người dân Thái Bình, bởi trong mọi cuộc cuộc đấu giá đất trên địa bàn tỉnh Thái Bình đều có bóng dáng của vợ chồng Đường Dương, để rồi cặp bài trùng này luôn là người thắng đấu giá đất một cách áp đảo đối với những người tham gia đấu giá khác. Đơn cử như năm 2019, tại cuộc đấu giá đất tại xã Lô Giang (huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình), có 25 suất đất thì vợ chồng Đường Dương đã đấu trúng 20 lô. Trong nhiều cuộc đấu giá khác, vợ chồng Đường Dương cũng hầu như “ẵm cả” với giá chỉ nhỉnh hơn giá khởi điểm... 10.000 đồng.
Việc vợ chồng Đường Dương trúng đấu giá nhiều mảnh “đất vàng” và cách thức thực hiện của họ được khá nhiều cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Bình miêu tả như “một cơn ác mộng”. Khi đi đấu giá đất, vợ chồng Đường “nhuệ” thường dẫn theo vài chục đàn em xăm trổ kín mình đến thị uy, đe dọa những người tham gia đấu giá bằng nhiều hình thức. Từ việc hành hung bắt người mua hồ sơ đấu giá đất phải từ bỏ, cho đến việc khống chế người đấu giá ép bỏ giá quá thấp, để Công ty BĐS Đường Dương trúng đấu giá nhiều lô đất với giá “bèo”. Thậm chí có người trúng đấu giá một vài lô đất đã bị Đường “nhuệ” sai đàn em chặn đường đánh đập hết sức dã man bắt họ phải nhượng lại những lô đất đó. Nghiêm trọng hơn, có người trúng đấu giá đất đã bị băng nhóm Đường “nhuệ” hành hung ngay tại trụ sở UBND xã yêu cầu hủy kết quả đấu giá đất mà không có ai can thiệp, giải quyết.
Khi tham gia các cuộc đấu giá đất, vợ chồng Đường Dương ăn vận hết sức bảnh bao, nói chuyện nhã nhặn, nhưng đám đàn em xăm trổ sẵn sàng va chạm, gây gổ, trấn áp những người cùng tham gia đấu giá đất, khiến họ sợ hãi mà bỏ không dám tham gia. Có những cuộc đấu giá đất đã phải bố trí tới 30-40 cán bộ chiến sĩ công an để đảm bảo an ninh trật tự, nhưng vẫn không thể trấn áp được đám đàn em của Đường “nhuệ”. Đó là lý do vì sao nhiều người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Bình vô cùng sợ hãi, không dám dây vào băng nhóm Đường “nhuệ”. Dù bất mãn nhưng họ buộc phải từ bỏ không dám tham gia các cuộc đấu giá đất khi có sự góp mặt của vợ chồng Đường Dương và đám đàn em, tránh chuốc lấy phiền phức rắc rối cho bản thân và gia đình. Nhiều người từng là nạn nhân bị băng nhóm Đường “nhuệ” hành hung đến tàn phế chính là “vết xe đổ” mà người dân tỉnh Thái Bình luôn muốn tránh giẫm vào.
Vợ chồng Nguyễn Xuân Đường - Nguyễn Thị Dương.
Nộp thuế... 0 đồng
Trong khi luôn khoe sự giàu có trên mạng xã hội bằng những tấm ảnh chụp hàng đống tiền xếp đầy bàn, thì vợ chồng Đường Dương lại luôn là đối tượng chậm nộp nghĩa vụ với Nhà nước khi trúng đấu giá đất. Đường “nhuệ” còn nhiều lần nói thẳng với các cán bộ phụ trách việc đôn đốc nộp thuế rằng, chỉ đóng thuế khi có người mua lại các lô đất trúng đấu giá và làm sổ đỏ. Hầu hết các cuộc đấu giá “đất vàng”, vợ chồng Đường “nhuệ” đều tham gia và ôm hầu hết các lô đất với giá rất thấp rồi bán giá cao cho người cần, nhưng Công ty BĐS Đường Dương lại luôn khai báo không có doanh thu và không nộp bất cứ đồng thuế nào cho Nhà nước. Đây là một dấu hỏi lớn của dư luận đối với trách nhiệm của Chi cục Thuế TP Thái Bình (tỉnh Thái Bình). Song, một lãnh đạo đơn vị này khẳng định: “Nếu họ trốn thuế sẽ bị xử lý ngay. Họ khai doanh số bằng 0 nên không phải nộp thuế, không có nợ đọng...”.
Luôn trúng đấu giá nhiều lô đất vàng với giá “bèo” rồi bán lại với giá cao, nhưng Công ty BĐS Đường Dương lại khai báo không có doanh thu để không nộp thuế. Vậy nhưng lại không có bất cứ cơ quan chức năng nào kiểm tra tình hình làm ăn của doanh nghiệp tư nhân này, xem họ có khai báo trung thực, có trốn thuế của Nhà nước hay không. Hay việc luôn trúng đấu giá đất với giá chỉ cao hơn giá khởi điểm một chút xíu thì Đường “nhuệ” không thể chỉ dựa vào đám đàn em xăm trổ đe dọa những người tham gia đấu giá, mà chắc chắn có sự cấu kết với những người thực thi công vụ. Và điều đó đã được chứng minh bằng việc khởi tố, bắt tạm giam 4 cán bộ của hai sở lớn tỉnh Thái Bình là Tư pháp và TN-MT. Tất nhiên, đó chưa phải là những trường hợp cuối cùng có dây dưa chia chác với băng nhóm xã hội đen Đường “nhuệ”. Tới đây, trong quá rtingf mở rộng điều tra, cơ quan công an sẽ tiếp tục làm rõ ai, thế lực nào đứng sau bảo kê để cho một băng nhóm xã hội đen lộng hành, “làm mưa làm gió” suốt một thời gian dài trên địa bàn tỉnh Thái Bình như vậy.
Nhiều ý kiến cho rằng, phải có một thế lực ngầm gồm một số quan chức thoái hóa biến chất bảo kê, dung túng, bao che, cố tình làm ngơ cho những hoạt động phi pháp của Đường “nhuệ” và đám đàn em. Một người bình thường làm sao dám đánh người cùng tham gia đấu giá đất giữa trụ sở UBND xã? Làm sao có thể ngang nhiên vào trụ sở công an phường hành hung gây thương tích cho dân lành với mức độ thương tật lên tới 15% và vẫn bình yên vô sự? Làm sao có thể đến tận nhà người dân lôi ra đường đánh dập nát đôi chân mà không hề bị xử lý? Liệu có ai đủ "bản lãnh" để bắt tất cả 32 công ty dịch vụ tang lễ trên địa bàn tỉnh Thái Bình phải nộp “phế” mỗi ca hỏa táng người chết?... Tất cả những hành vi phạm pháp đó nếu không được những người có chức vụ quyền hạn rất to ngầm bảo vệ thì liệu có thể an nhiên, nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật hay không? Những nghi ngờ này không phải không có cơ sở khi chúng ta nhớ rằng khi “ông trùm” Năm Cam bị bắt cơ quan, ra tòa hồi ấy khi “liên quan” đến Năm Cam là những người từng giữ cương vị lãnh đạo không nhỏ chút nào như một thứ trưởng Bộ Công an, một phó viện trưởng Viện KSND tối cao…