Bộ Công thương vừa có văn bản gửi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đề nghị Tập đoàn nghiên cứu, xây dựng cơ chế giá điện 2 thành phần. Đồng thời, xây dựng lộ trình áp dụng và đề xuất đối tượng khách hàng sử dụng điện áp dụng giá bán điện hai thành phần.
Hầu hết các nước đều áp dụng giá điện hai thành phần
Trên cơ sở đề xuất về cơ chế và lựa chọn đối tượng khách hàng áp dụng giá bán điện hai thành phần, EVN thực hiện tính toán đối chứng, so sánh việc áp dụng giá bán điện theo hai thành phần với việc áp dụng giá bán điện theo biểu giá điện hiện hành quy định tại Quyết định số 2491 ngày 8/11/2023 của Bộ trưởng Bộ Công thương quy định về giá bán điện.
Bộ Công thương cũng đề nghị EVN nghiên cứu, đánh giá tác động đối việc thực hiện giá bán lẻ điện bình quân cũng như tác động tới các nhóm khách hàng sử dụng điện khi áp dụng cơ chế giá bán điện hai thành phần; Báo cáo tổng kết và đề xuất áp dụng cơ chế giá bán điện hai thành phần sau giai đoạn tính toán đối chứng gửi về Bộ Công thương để nghiên cứu, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Hệ thống giá điện 2 thành phần là giá điện công suất chủ yếu bù đắp cho chi phí cố định của nhà máy, còn giá điện năng chủ yếu bù đắp chi phí biến đổi.
Nói về giá điện hai thành phần, Cục Điều tiết điện lực của Bộ Công thương dẫn kinh nghiệm quốc tế và cho thấy hầu hết các nước trong khu vực và trên thế giới đều áp dụng giá điện 2 thành phần. Việc áp dụng giá điện 2 thành phần sẽ đưa ra tín hiệu đúng cho cả bên sản xuất điện và bên tiêu thụ điện để nâng cao hiệu quả kinh tế từ việc phân bổ và sử dụng nguồn lực hợp lý.
Với việc áp dụng thêm thành phần giá công suất (đ/kWh hoặc đ/kVA) sẽ khuyến khích khách hàng sử dụng điện hiệu quả, góp phần nâng cao hệ số phụ tải điện và tiết kiệm được tiền điện, đồng thời giúp giảm việc đầu tư công suất nguồn và mở rộng lưới điện (giảm chi phí tránh được) đáp ứng nhu cầu điện cho khách hàng và thu hồi được chi phí đầu tư đối với khách hàng đăng ký công suất lớn nhưng sử dụng ít hơn so với mức công suất đã đăng ký.
"Vì vậy, việc áp dụng giá điện 2 thành phần gồm giá công suất và giá điện năng đem lại lợi ích cho cả khách hàng và đảm bảo thu hồi được chi phí đầu tư của ngành điện. Xuất phát từ quan điểm trên, cơ chế giá điện 2 thành phần được xem như biện pháp quản lý nhu cầu phụ tải tự nhiên" - Cục Điều tiết điện lực nêu quan điểm.
Theo Cục Điều tiết điện lực, hiện nay, các tổng công ty điện lực đã áp dụng công tơ điện tử có khả năng đo công suất và điện năng đối với hầu hết các khách hàng sử dụng điện cho mục đích sản xuất, kinh doanh. Việc triển khai giá bán điện theo công suất và điện năng là cần thiết nhằm đảm bảo giá điện tạo tín hiệu phản ánh đúng, đủ chi phí (về mặt công suất) tới khách hàng sử dụng điện. Theo đó, khách hàng có cùng sản lượng điện sử dụng nhưng có hệ số phụ tải (load factor) thấp thì phải trả giá cao hơn khách hàng có hệ số phụ tải cao.
Bên cạnh đó, việc áp dụng giá điện theo 2 thành phần kết hợp với quy định giá điện hiện hành sẽ góp phần cân bằng biểu đồ phụ tải của hệ thống và giảm bớt nhu cầu đầu tư nguồn và lưới điện để đáp ứng công suất sử dụng điện trong giờ cao điểm.
Cục Điều tiết điện lực cho biết, hiện tại, việc áp dụng giá điện 2 thành phần mới ở bước nghiên cứu thí điểm với tính chất tính toán, nghiên cứu ứng dụng và không ảnh hưởng tới tiền điện của khách hàng sử dụng điện. Do đang ở bước tính toán thí điểm thông qua dữ liệu đo đếm từ công tơ điện nên cũng chưa có tác động điều chỉnh được hành vi sử dụng điện trực tiếp tới khách hàng để sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả.
Phát triển năng lượng tái tạo
Trong khi đó theo các chuyên gia, đối với khách hàng sử dụng điện, giá điện 2 thành phần giúp giảm giá mua điện bằng cách tăng thời gian sử dụng điện. Giá điện theo công suất khuyến khích việc tiết kiệm công suất mà không tính đến việc tiết kiệm điện năng. Giá điện theo điện năng khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm điện năng tiêu thụ mà không tính đến lượng công suất liên quan.
PGS.TS Ngô Trí Long nhận định, cơ chế giá điện hiện nay chưa hợp lý, bởi giá điện sinh hoạt bán cho người dân cao hơn giá điện sản xuất bán cho doanh nghiệp. Giá điện chưa hợp lý, một mặt khiến ngành điện không có nguồn để đầu tư, phát triển, nhằm giảm giá thành sản xuất, truyền tải, phân phối, không thu hút được được nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào ngành điện, mặt khác không tạo sức ép để các doanh nghiệp phải đầu tư vào máy móc, trang thiết bị ít tiêu hao năng lượng.
TS Lê Đăng Doanh cho rằng, do biến đổi khí hậu, ảnh hưởng của ElNino nên đóng góp của thủy điện vào sản xuất ngành điện nói chung thấp đi. Hiện nay ngành điện buộc phải huy động thêm các nguồn điện khác chạy từ dầu, than, khí.
Theo ông Doanh, lâu dài chúng ta phải phát triển nguồn năng lượng tái tạo. Chúng ta có tiềm năng gió, mặt trời… Đây là vấn đề mà ngành năng lượng của Việt Nam cần phát triển trong thời gian tới.