Nhiều bạn đọc cho biết, thường vẫn nghe về khái niệm tiền án, tiền sự nhưng không hiểu trường hợp nào là có tiền án và trường hợp nào là có tiền sự?
Quy định về tiền án, tiền sự cụ thể như sau:
1.Tiền án
Tiền án được hiểu là một người phạm tội, bị kết án và bản án đã có hiệu lực pháp luật, họ đang chấp hành hoặc đã chấp hành xong bản án đó, nhưng chưa qua được thời gian theo luật định, để được coi là chưa can án.
Nói cách khác, họ chưa được xóa án tích. Người bị kết án, được xóa án tích (đương nhiên xóa án hoặc xóa án tích do Tòa án quyết định) thì được coi là chưa can án, trong lý lịch tư pháp của họ không được ghi là có “tiền án”.
Một người phạm tội phải chính thức gánh chịu hậu quả pháp lý hình sự, từ khi bị khởi tố bị can, cho đến khi được xóa án tích. Chưa được xóa án tích mà tái phạm tội tương ứng, thì bị coi đó là tái phạm. Nói về bản án trước, chúng ta thường gọi là tiền án, với hàm ý, với ý nghĩa pháp lý là có bản án trước và chưa được xóa án tích.
2.Tiền sự
Người có tiền sự là người đã bị kỷ luật hành chính, xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vi phạm pháp luật có dấu hiệu tội phạm nhưng chưa đến mức xử lý hình sự, mà chưa được xóa kỷ luật, chưa được xóa việc xử phạt hành chính.
Điều này có nghĩa là khi một người có đủ năng lực hành vi trách nhiệm hành chính, đủ độ tuổi quy định, nếu họ thực hiện hành vi vi phạm hành chính, thì bị người, cơ quan có thẩm quyền xử phạt hành chính như phạt cảnh cáo, phạt tiền hoặc bị áp dụng biện pháp hành chính giáo dục tại cấp xã, đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục.
Chính các chế tài xử lý này, làm xuất hiện dấu hiệu pháp lý tiền sự. Về mặt thuật ngữ và theo trục thời gian của sự kiện xảy ra, thì chữ “tiền” có nghĩa là có trước, đã có, là đầu; còn chữ “sự” được hiểu là sự kiện pháp lý, hậu quả pháp lý hành chính.
Nói cách khác, thì tiền sự là vết tích bị xử lý hành chính mà người vi phạm hành chính phải gánh chịu trong khoảng thời gian nhất định theo quy định của pháp luật.
Theo Nghị quyết số 01 ngày 18/10/1999 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, với các quyết định xử lý hành chính mà pháp luật chưa quy định thời hạn để được coi là chưa bị xử lý, thì thời hạn để xóa kỷ luật, xóa xử phạt vi phạm hành chính là 1 năm kể từ ngày ra quyết định xử lý.
Tức là người bị xử phạt vi phạm hành chính quá 1 năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt, và không tái vi phạm hành chính trong thời gian này, thì được coi là chưa vi phạm hành chính và tiền sự của họ cũng chấm dứt.