Hôm qua (4/8), đoàn Thể thao Việt Nam (TTVN) đã về nước và khép lại kỳ tham dự Olympic Tokyo 2020 mà không thể hoàn thành mục tiêu có huy chương đã đề ra.
Tham dự Thế vận hội với 18 vận động viên (VĐV) cùng mục tiêu là giành được huy chương với các niềm hy vọng như Hoàng Thị Duyên, Thạch Kim Tuấn hay Hoàng Xuân Vinh nhưng tất cả dù đã thi đấu hết sức mình vẫn thất bại. Không có được kết quả như hy vọng nên TTVN ngay lúc này sẽ lên những phương án để thay đổi quan điểm đầu tư cho các VĐV để bớt đi những thất vọng mỗi khi thi đấu ở những đấu trường lớn.
Yếu tố khách quan trong suốt 2 năm qua đến từ đại dịch Covid-19 khiến các VĐV Việt Nam không có được những chuyến tập huấn và thi đấu ở các cuộc thi quốc tế. Bên cạnh đó, ảnh hưởng của dịch bệnh cũng khiến các cuộc thi trong nước phải hủy bỏ, việc tập luyện hàng ngày cũng bị ảnh hưởng, gián đoạn, một số các VĐV xuất sắc đi nước ngoài về phải cách ly trước và sau khi đi mất nhiều thời gian. Cũng vì dịch bệnh khiến nhiều công tác chữa trị chấn thương cho VĐV không thể có được ở mức tốt nhất khiến có những VĐV đến khi lên đường đi thi đấu chấn thương vẫn chưa khỏi hẳn.
“Cần ít nhất là một chu kỳ Olympic đối với những VĐV rất xuất sắc. Đối với những VĐV trẻ thì cần phải 8-10 năm, thậm chí còn lâu hơn, khoảng 12-14 năm. Chiến lược của Việt Nam là tập trung một số VĐV xuất sắc một số môn, để cố gắng vượt qua vòng loại Olympic, nhưng trong quá trình chuẩn bị thì việc đầu tư cho những VĐV lên trình độ Olympic đầu tư cũng không đáp ứng được việc ấy” - chuyên gia Nguyễn Hồng Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao đánh giá.
Thực tế thi đấu cho thấy, để đạt tầm Olympic của nhiều VĐV, nhiều bộ môn vẫn là khoảng cách lớn khó có thể san lấp trong thời gian ngắn. Chính ông Trần Đức Phấn đã lên tiếng thừa nhận: “Olympic là đấu trường rất khó khăn và còn khoảng cách rất xa với thể thao Việt Nam”. Cũng chính bởi trình độ còn khoảng cách lớn lại thi đấu ở sân chơi với những VĐV đẳng cấp nhất thế giới nên TTVN không có khả năng giành huy chương.
Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn tới thành tích của các VĐV nhưng vấn đề cơ bản là công tác chuẩn bị cho lực lượng tham gia Olympic chưa đảm bảo do đầu tư kinh phí chưa đủ. Nhiều chuyên gia thể thao cũng đã đưa ra đánh giá, công tác chuẩn bị cho Olympic và hệ thống đào tạo VĐV chưa được chặt chẽ và chưa được đầu tư đủ mức là nguyên nhân chính dẫn tới việc thi đấu không thành công ở Olympic lần này. Việc chủ yếu trông chờ đầu tư từ nguồn ngân sách đã cho thấy cần phải đẩy mạnh xã hội hóa trong việc đầu tư cho thể thao.
Xã hội hóa thể thao, huy động nhiều nguồn lực của xã hội để làm và trở thành hệ thống trong nhiều năm mới có thể giúp TTVN có những bước phát triển mạnh mẽ để rút ngắn khoảng cách trình độ. Nếu Việt Nam làm công tác xã hội hóa tốt, có đủ kinh phí và áp dụng được công nghệ, khoa học kỹ thuật và y học vào huấn luyện, đào tạo cùng việc phải làm đúng quy luật, phải làm có hệ thống, kiểm soát quá trình một cách chặt chẽ thì mới có thể tự tin bước vào những sân chơi lớn của thế giới.