Các vận động viên và ban huấn luyện các môn thể thao đều gặp khó khăn vì các giải đấu bị trì hoãn, vận động viên phải “tập chay”, không thể đi tập huấn, tâm lý cũng có phần bị ảnh hưởng không nhỏ.
Tình hình dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng không nhỏ tới mọi mặt đời sống xã hội, trong đó có thể thao.
Các vận động viên và ban huấn luyện các môn thể thao đều gặp khó khăn vì các giải đấu bị trì hoãn, vận động viên phải “tập chay,” không thể đi tập huấn, tâm lý cũng có phần bị ảnh hưởng không nhỏ.
Dù khó khăn là vậy, nhưng các huấn luyện viên, vận động viên vẫn hăng say tập luyện, nâng cao thành tích để hướng tới những giải đấu lớn trong thời gian tới.
Việc tập luyện gặp khó khăn
Toàn xã hội đang bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, ngành Thể dục thể thao cũng không phải là ngoại lệ.
Hầu hết các vận động viên ở nhiều bộ môn phải “tập chay,” không được thi đấu cọ xát, làm ảnh hưởng rất lớn tới việc duy trì và nâng cao thành tích. Trước khi dịch COVID-19 trở lại, các vận động viên đã có thời gian khởi động khá tốt, nhưng không lâu sau, các giải đấu tiếp tục bị đình trệ khiến một số vận động viên "hẫng hụt" do không còn giải để thi đấu.
Huấn luyện viên trưởng Bộ môn Bắn súng Việt Nam Nguyễn Thị Nhung chia sẻ: Do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, các vận động viên không được thi đấu cọ xát, tập huấn nên ảnh hưởng rất lớn phong độ, thành tích.
Do phải thực hiện giãn cách trong thời gian dài, việc tập luyện bị xáo trộn đã gây hiệu ứng không tốt đến tâm lý, đặc biệt là các vận động viên trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm.
Điền kinh - bộ môn thể thao trọng điểm của Việt Nam cũng bị ảnh hưởng rất lớn. Ông Nguyễn Mạnh Hiếu, Huấn luyện viên trưởng Bộ môn Điền kinh Việt Nam cho biết: Suốt thời gian qua, các vận động viên thường xuyên duy trì tập luyện, nhưng khi đến gần thời gian diễn ra thì giải đấu (Giải Vô địch Điền kinh trẻ và các lứa tuổi trẻ quốc gia, dự kiến tổ chức vào tháng 8/2020) bất ngờ bị hoãn lại do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Điều này đã khiến tâm lý, độ “hưng phấn” của các vận động viên giảm hẳn...
Cũng như điền kinh và bắn súng, hầu hết các môn thể dục, thể thao khác đều bị ảnh hưởng.
Trong đó, bóng đá - môn thể thao "vua" có lẽ phải chịu hậu quả nặng nề nhất. Tính tới thời điểm hiện tại, Giải Bóng đá vô địch quốc gia - LS 2020 (V.League 2020) đã 2 lần phải tạm hoãn.
Ngoài việc các vận động viên bị ảnh hưởng do gián đoạn tập luyện, độ “hưng phấn” và tâm lý không ổn định, thì trở ngại lớn hơn có lẽ đến từ ban lãnh đạo của các đội bóng, các câu lạc bộ.
Các giải đấu phải tạm hoãn, điều đó đồng nghĩa với việc bắt buộc kéo dài thời gian diễn ra giải, các câu lạc bộ vẫn phải trả lương cho cầu thủ dù cầu thủ không thi đấu. Vấn đề tài chính khó khăn khiến các câu lạc bộ bị “kiệt quệ” ngân sách, đã có một số câu lạc bộ đệ đơn xin dừng thi đấu...
Nỗ lực vượt khó, hướng tới đấu trường lớn
Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội là nơi tập trung nhiều vận động viên đỉnh cao trong cả nước, việc đảm bảo môi trường an toàn nhằm phòng, chống dịch COVID-19 được đặt lên hàng đầu.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội cho biết Trung tâm hiện quản lý trên 700 vận động viên của khoảng 40 đội tuyển và tuyển trẻ các môn thể dục thể thao.
Khi dịch Covid-19 trở lại và lây lan trong cộng đồng, Trung tâm đã nhanh chóng thực hiện khử khuẩn, làm sạch toàn đơn vị, rà soát tất cả những người có lịch trình di chuyển từ Đà Nẵng trở về để chủ động theo dõi sức khỏe.
Trung tâm chú trọng tăng cường công tác tuyên truyền để mọi người nâng cao nhận thức về việc phòng, chống dịch, hạn chế tối đa việc cho các vận động viên đi ra ngoài.
Huấn luyện viên trưởng Bộ môn Bắn súng Việt Nam Nguyễn Thị Nhung cũng chia sẻ Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội được coi là “môi trường sạch” do công tác phòng, chống dịch bệnh luôn được quan tâm, chú trọng.
Theo giáo án, các vận động viên vẫn duy trì tập luyện thường xuyên, mỗi người có thể thi đấu ở nhiều nội dung khác nhau, nên được chia theo từng nhóm tập. Mặc dù lứa vận động viên này còn trẻ, tâm lý và kinh nghiệm thi đấu chưa có nhiều, nhưng Ban huấn luyện sẽ cố gắng hết sức để ổn định tâm tâm lý và nâng cao kĩ năng cho các em.
Do ảnh hưởng dịch Covid-19, các vận động viên không được thi đấu thường xuyên, nên Liên đoàn Bắn súng Việt Nam đã kết hợp với Liên đoàn Bắn súng một số nước trong khu vực để tổ chức giải bắn súng online.
Theo Huấn luyện viên trưởng Bộ môn Điền kinh Việt Nam Nguyễn Mạnh Hiếu: Nhờ sự quan tâm, chủ động phòng, chống dịch của lãnh đạo Ngành Thể dục thể thao và Trung tâm, môi trường tập luyện của các vận động viên luôn được đảm bảo an toàn.
Hiện tại, toàn đội có 35 vận động viên, được chia theo nhóm 5-6 người để duy trì tập luyện. Mặc dù chưa biết các giải đấu sắp tới có được diễn ra theo đúng kế hoạch hay không, nhưng toàn đội vẫn tích cực tập luyện để hướng tới nhiệm vụ năm 2021, nâng cao thứ hạng, đạt chuẩn Olympic, đạt thành tích cao nhất tại SEA Games 31.
Quách Công Lịch là một trong những vận động viên có thành tích nổi trội nhất của Điền kinh Việt Nam. Anh cho biết: Trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp, anh và đồng đội vẫn tích cực tập luyện để cải thiện thành tích hướng tới Olympic và kết quả tốt nhất tại SEA Games 31.
Trong thời gian tới, một số giải đấu sẽ được tổ chức trở lại nếu dịch COVID-19 được kiểm soát, trong đó có bóng đá. Cụ thể là các giải Bóng đá Cúp quốc gia 2020, Giải hạng Nhất quốc gia, Giải bóng đá Vô địch quốc gia - LS 2020 (V.League 2020) dự kiến sẽ được tái khởi động trong tháng 9/2020. Đó có lẽ cũng là “điểm sáng” của thể thao trong bối cảnh hiện nay.
Mặc dù tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, nhưng với những nỗ lực tập luyện không ngừng nghỉ của các huấn luyện viên và vận động viên, chắc chắn rằng thành tích thể thao của Việt Nam sẽ tiếp tục bứt phá.