Một mục tiêu quan trọng trong Chiến lược phát triển Thể dục thể thao (TDTT) đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là thể thao Việt Nam nâng cao thành tích, từng bước tiệm cận, tiến tới ngang tầm các nước có nền thể thao phát triển tại châu Á.
Thông tin từ cuộc họp của Liên đoàn thể thao Đông Nam Á và Ban tổ chức SEA Games 33 vừa diễn ra tại Bangkok (Thái Lan), SEA Games 33 năm 2025 có 44 môn thể thao với 567 bộ huy chương. Dù chưa chốt lại số môn và phân môn thi đấu, tuy nhiên sự điều chỉnh (nếu có) là không nhiều.
Các môn có trong chương trình SEA Games 33 gồm: bơi, nhảy cầu, bóng nước, bơi nghệ thuật, bơi đường dài, điền kinh, bắn cung, cầu lông, bóng rổ (3x3, 5x5), rowing, canoeing, đua thuyền truyền thống, xe đạp, đua ngựa nghệ thuật, đấu kiếm, bóng đá, futsal, golf, thể dục dụng cụ, bóng ném, hockey, judo, bóng bầu dục, sailing, bắn súng, bóng bàn, taekwondo, quần vợt, triathlon.
Ngoài ra, Đại hội thể thao số 1 khu vực còn có bóng chuyền, vật, trượt băng, hockey trên băng, pentathlon, cử tạ, bóng chày bóng mềm, billiards & snooker, quyền Anh, bóng sàn, thể thao điện tử (e-sports), thể thao mạo hiểm (leo núi, trượt ván, dù lượn), muay, bóng lưới, pencak silat, bi sắt, cầu mây, squash, bowling, karate, jujitsu, cricket, wushu, kabaddi, teqball, kickboxing, cờ, bóng gỗ. SEA Games 33 có các môn trình diễn gồm ném đĩa, kéo co (tug of war), thể thao hàng không.
So với các kỳ SEA Games trước, một số môn thể thao thế mạnh của Việt Nam không có trong chương trình thi đấu, đáng chú ý là Vovinam, lặn, aerobic, dance sport...
Tại SEA Games 32, dù vẫn giữ ngôi nhất toàn đoàn, nhưng có những tín hiệu cho thấy thể thao Việt Nam bắt đầu gặp khó khăn trong cuộc đua ở tốp đầu, đặc biệt những môn trọng điểm. Có một thực tế là ở hầu hết các môn thể thao cơ bản của Olympic như điền kinh, bắn súng, bơi lội, thể dục dụng cụ, cử tạ… thể thao Việt Nam đang thiếu vận động viên kế cận.
Vì vậy, khi các vận động viên chủ lực như Nguyễn Thị Oanh (điền kinh), Nguyễn Huy Hoàng, Hưng Nguyên (bơi), Phạm Quang Huy, Trịnh Thu Vinh (bắn súng)… qua thời đỉnh cao phong độ, chắc chắn ảnh hưởng nhiều tới thành tích chung toàn đoàn. Điều này buộc ngành thể thao phải có sự chuẩn bị dài hơi.
Chiến lược phát triển TDTT đến năm 2030 và tầm nhìn 2045 vừa được Chính phủ phê duyệt đã đặt ra các mục tiêu rất cụ thể cho thể thao Việt Nam ở cả đấu trường SEA Games, Asiad trong ngắn hạn cũng như các chỉ tiêu quan trọng cho tầm nhìn 2045 đó là vào tốp 15 Asiad, tốp 50 Olympic, cùng với số lượng huy chương khá chi tiết. Ngoài ra, bóng đá nam vào top 8 châu Á và giành quyền tham dự World Cup, bóng đá nữ trong top 6 châu Á và giành quyền tham dự các kỳ World Cup.
Trước mắt, ở mục tiêu ngắn hạn, tại kỳ Asiad gần nhất, mục tiêu của thể thao Việt Nam là 5 - 7 Huy chương vàng, sau đó sẽ phải thường xuyên duy trì vị trí trong tốp 15, tức là tối thiểu 10 Huy chương vàng ở mỗi kỳ Á vận hội.
Đại diện ngành thể thao đang làm việc với từng bộ môn để lên kế hoạch xây dựng mục tiêu, lực lượng và xác định đối tượng tuyển thủ nào tham dự đấu trường cụ thể. Nguyên Vụ trưởng Vụ thể thao Thành tích cao (Tổng cục TDTT trước đây) - ông Nguyễn Hồng Minh cho biết, nếu cần sự chuẩn bị dài hơi, thể thao Việt Nam cần bỏ qua giai đoạn SEA Games để tập trung cho Asiad hay Olympic.
Như vậy, trọng tâm của chúng ta không còn là SEA Games mà phải dồn toàn lực cho đấu trường châu Á, cụ thể là thành tích tại Asiad, nơi mà 2 thập niên qua, thể thao Việt Nam chưa cải thiện được vị thế của mình so với các quốc gia cùng khu vực Đông Nam Á.