Tình hình thế giới 3 tháng cuối năm, TS Lê Đăng Doanh cho rằng sẽ tiếp tục có biến động, chưa ổn định. Vì thế, muốn hoạt động xuất khẩu tốt, doanh nghiệp phải có dự báo trước. Tuy nhiên, riêng về xuất khẩu gạo thì đây là thời cơ cho gạo Việt Nam.
Xuất khẩu thuận lợi nhưng không bùng nổ
Ông Phạm Thái Bình - Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An cho rằng, việc Ấn Độ áp thuế 20% đối với gạo xuất khẩu và tạm ngưng xuất khẩu gạo tấm, thì Việt Nam được hưởng lợi vì nguồn cung trên thị trường khan hiếm. Từ đó xuất khẩu gạo sẽ dễ thực hiện tuy không có sự “bùng nổ” lớn. Theo đó, xuất khẩu gạo năm nay có thể tăng thêm vài trăm nghìn tấn chứ không thể vượt qua mốc 7 triệu tấn/năm.
“Trung bình một năm Việt Nam xuất khẩu được khoảng 6,1 - 6,3 triệu tấn, có năm xuất được 6,8 triệu tấn. Mặc dù hiện nay thị trường xuất khẩu khá thuận lợi nhưng lượng gạo tồn kho của Việt Nam không nhiều, hơn nữa Việt Nam cũng đang ở thời điểm cuối mùa và chuẩn bị xuống giống vụ Đông Xuân 2022-2023. Chưa kể việc Ấn Độ áp thuế đối với các mặt hàng gạo trắng và tạm ngưng xuất khẩu gạo tấm nhưng Ấn Độ vẫn phải giao các đơn hàng đã ký kết từ trước” - ông Bình giải thích.
Còn ông Nguyễn Ngọc Nam - Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho rằng động thái của Ấn Độ sẽ ảnh hưởng đến thị trường gạo thế giới. Dự báo về xuất khẩu gạo ở một số thị trường, Philippines tiếp tục là thị trường số 1 và chiếm tỷ trọng lớn của xuất khẩu gạo. Trước đây, khi thực hiện hiệp định thương mại gạo với Việt Nam, Philippines thường mua gạo trắng với 15 - 25% tấm, nhưng sau khi nước này mở cửa cho nhập khẩu gạo tự do thì thương nhân tập trung vào phân khúc gạo thơm, chất lượng cao. Đây cũng là lợi thế của Việt Nam vì hiện không có nước xuất khẩu gạo nào thay thế được với các giống như Đài Thơm 8, OM5451, OM18... Theo kế hoạch xuất khẩu của ngành lúa gạo, năm 2022 xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt khoảng 6,3 - 6,5 triệu tấn, cao hơn 100.000 - 200.000 tấn so với năm 2021. 8 tháng đầu năm đã xuất khẩu gần 4,8 triệu tấn. Như vậy 4 tháng còn lại xuất khẩu 1,5 - 1,7 triệu tấn, khả năng sẽ đạt và vượt kế hoạch.
Giá gạo sẽ không tăng quá cao
VFA cho biết, 8 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu gạo Việt Nam đạt 4,8 triệu tấn, mang về gần 2,4 tỷ USD, tăng gần 21% về lượng và gần 10% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Lãnh đạo VFA thông tin, Ấn Độ chiếm 40% thương mại gạo toàn cầu nên chính sách hạn chế xuất khẩu gạo của Ấn Độ sẽ làm giá gạo tăng. Về giá gạo xuất khẩu, các chuyên gia dự báo, năm nay ngoài việc sản lượng xuất khẩu gạo sẽ tăng, giá trị xuất khẩu cũng được cải thiện. Trước đây, khi Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo vào năm 2007, giá gạo trên thị trường thế giới đã tăng lên mức đỉnh mới, hơn 1.000 USD/tấn. Theo Bloomberg (tập đoàn cung cấp tin tức, thông tin tài chính toàn cầu), giá lúa mì và ngô trên thị trường thế giới đã tăng mạnh kể từ khi xung đột Nga - Ukraine bùng phát, giá gạo lại không bị ảnh hưởng nhiều, nhờ lượng dự trữ dồi dào. Tuy nhiên, tình hình sớm thay đổi sau động thái mới của Ấn Độ.
“Chỉ số giá lương thực của Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) cho thấy, giá gạo thế giới âm thầm tăng 5 tháng liên tiếp đạt mức cao nhất 12 tháng, theo dữ liệu tháng 5 công bố mới đây” - TS Lê Đăng Doanh nói.
Nhận định về giá gạo trong thời gian tới, đại diện một số doanh nghiệp cho rằng giá gạo chỉ nhích lên chút đỉnh chứ không thể tăng đột biến. Lý do, giá gạo mang tính chất chung của cả thế giới. Ước tính, giá gạo trắng xuất khẩu có thể vượt mức 400 USD/tấn, từ mức 350 USD/tấn hiện nay. Ấn Độ đang bán 350 USD/tấn, giờ cộng thêm 20% thuế là khoảng 70 USD thì giá sẽ dao động ở mức 420 USD/tấn. Trong khi đó, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã ở mức 410 - 420 USD/tấn.
“Giá gạo có thể tăng lên nhưng tăng không nhiều và mức tăng cũng không tương xứng. Hai năm nay, phân bón tăng, xăng dầu tăng nên chi phí đầu vào trong sản xuất của nông dân khá cao” - đại diện Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An cho hay.
Còn theo GS Võ Tòng Xuân, giá gạo xuất khẩu có tăng hơn trước nhưng người nông dân vẫn không được lợi nhuận nhiều do chi phí bỏ ra cho 1 kg gạo khá cao, lên đến 3.800 - 4.000 đồng. Theo ông Xuân, muốn nâng cao lợi nhuận, buộc phải thay đổi cách làm, đây là yêu cầu tất yếu. Thay đổi phương thức sản xuất vừa giảm chi phí đầu vào vừa nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu. Cụ thể, không nên dùng phân hóa học quá nhiều. Có thể sử dụng phân vi sinh một phần, một phần ít bón đạm vô cơ.
“Thay vì chạy đua số lượng, nông dân và doanh nghiệp cần chạy đua về chất lượng. Bán gạo xấu chắc chắn không lời nhiều. Gạo ngon, an toàn không bao giờ bị ảnh hưởng từ những biến động thị trường. Bên cạnh đó, dễ dàng phát triển ở những thị trường khó tính với giá cao. Đơn cử, gạo ST25 giờ doanh nghiệp bán trên 1.000 USD/tấn chứ ai bán vài trăm USD/tấn” - GS Xuân nhấn mạnh.
Theo TS Lê Đăng Doanh, lạm phát các nước lên cao, hạn hán lan rộng dẫn đến nông nghiệp nhiều nước mất mùa. Thu nhập người dân giảm, sức mua của các thị trường truyền thống của Việt Nam bị giảm sút. Trong bối cảnh khó khăn hơn 2 năm đại dịch Covid-19, nông nghiệp tiếp tục là bệ đỡ vững chắc cho nền kinh tế, nông nghiệp phải chống đỡ trước sức ép tăng giá đầu vào. Vì vậy, nông nghiệp Việt Nam rất cần được đầu tư, tái cơ cấu, hiện đại hóa từ đó nâng cao chất lượng sản phẩm. Đây là thời cơ lớn cho gạo Việt Nam nói riêng và nông nghiệp Việt Nam nói chung.