Hiệp hội xuất khẩu lao động (VAMAS) vừa giới thiệu phiên bản cập nhật của Bộ Quy tắc ứng xử sử dụng cho các doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Đây là công cụ giám sát được kỳ vọng sẽ giúp tăng tính minh bạch trong xếp hạng doanh nghiệp tuyển dụng.
Ngày 24/4, tại Hà Nội, VAMAS đã công bố Bộ Quy tắc và công cụ giám sát với sự hỗ trợ của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và Tổ chức Di cư quốc tế (IOM).
Bộ Quy tắc 2018, phiên bản cập nhật bản gốc năm 2010, là công cụ giám sát được kỳ vọng sẽ giúp tăng tính minh bạch trong xếp hạng doanh nghiệp tuyển dụng và giải quyết những thách thức mà người lao động, đặc biệt là nữ lao động giúp việc gia đình, thường gặp phải.
Các chuẩn mực mới đưa ra trong bộ Quy tắc tập trung nhiều hơn vào việc giảm phí cho người lao động bằng cách công bố minh bạch các chi phí trong các quảng cáo tuyển dụng, hợp đồng và chia sẻ thông tin về chi phí trong các khóa bồi dưỡng kiến thức cơ bản trước khi xuất cảnh.
Ông Nguyễn Lương Trào, Chủ tịch VAMAS cho biết: “Ngôn ngữ sử dụng trong Bộ quy tắc cũng được củng cố hướng tới cách tiếp cận dựa trên quyền của người lao động. Quy tắc ứng xử mới thể hiện rõ hơn các tiêu chuẩn lao động quốc tế về chống phân biệt đối xử và các tiêu chuẩn được nêu trong Công ước 189 về lao động giúp việc gia đình”.
Cùng với các thành viên giám sát trong Hiệp hội VAMAS, quá trình giám sát và đánh giá của Bộ Quy tắc cũng bao gồm chính người lao động, đại diện của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, Bộ Lao động - Thương binh, Xã hội.
“Việc xây dựng các bộ quy tắc ứng xử và công cụ giám sát của chính các doanh nghiệp là phương tiện quan trọng để thông qua đó cải thiện hoạt động kinh doanh, khuyến khích chia sẻ thông tin tin cậy cho người lao động dự định đi làm việc ở nước ngoài và hỗ trợ lao động tốt hơn tại nước tiếp nhận”, TS Chang-Hee Lee, Giám đốc ILO Việt Nam cho biết. Hoạt động hiệu quả của các doanh nghiệp tuyển chọn là mắt xích quan trọng trong việc bảo vệ người lao động khỏi bị lạm dụng.
Theo ông, sự lạm dụng này hiện vẫn còn tồn tại và số lượng đơn khiếu nại của người lao động đã tăng lên, đặc biệt là từ người lao động giúp việc gia đình, những người làm việc trong môi trường biệt lập.
“Người lao động di cư là một phần quan trọng trong lực lượng lao động toàn cầu và chuỗi cung ứng toàn cầu ngày nay,” ông David Knight, trưởng phái đoàn IOM nhận định. “Di cư lao động cần phải được quản lý theo cách thức đảm bảo rằng tất cả người lao động đều được hưởng quyền tiếp cận với di cư an toàn, để việc di cư có thể đóng góp vào sự phát triển của cộng đồng và gia đình của họ.”
Hiện, có khoảng 540.000 lao động Việt Nam làm việc tại nước ngoài, chủ yếu ở Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc và Malaysia. Tính riêng năm 2017 đã ghi nhận con số kỷ lục – 134.751 người lao động ra nước ngoài làm việc.