Kinh tế

Thêm màu sắc cho kinh tế đêm

Ngọc Quang 03/01/2024 11:49

Kinh tế đêm hay du lịch đêm được coi là “mỏ vàng” đã được nhiều địa phương áp dụng. Tuy nhiên, do cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật thiếu đồng bộ và một số nguyên nhân khác nên du lịch đêm chưa thực sự bứt phá.

anhbenphai67.jpg
Khu phố Bùi Viện (TPHCM) về đêm. Nguồn: Saigontour.

Không ít người cho biết, thay vì du lịch trong nước, họ đã chọn du lịch Thái Lan. Một trong những lý do là khi đến Thái Lan, họ có thể “over night” với nhiều hoạt động nhộn nhịp ở các tụ điểm phố đêm. Mỗi chợ đêm ở Thái Lan có một sắc thái khác nhau, chợ đêm này đóng thì có chợ đêm khác… rất thú vị.

Một du khách đến từ TPHCM cho biết, đến Hà Nội rất ấn tượng với Hồ Gươm, “phố bia” Tạ Hiện. Ngoài dạo phố, ăn uống nhiều món ngon ở lề đường thì đêm đến còn được lên bar. Nhưng sau đó họ không biết chơi gì bởi sau 12 giờ đêm dường như các nhà hàng chuyên về ẩm thực, điểm vui chơi, nơi mua sắm đều đóng cửa.

Còn theo đại diện Công ty Du lịch Việt thì khó khăn lớn nhất khi doanh nghiệp làm chương trình du lịch đêm hiện nay là không có nhiều sản phẩm để lựa chọn, thời gian hạn chế khi các dịch vụ đêm đóng cửa. Khảo sát cho thấy, hơn 80% du khách muốn trải nghiệm “Saigon by night” nhưng hiện tại doanh nghiệp chỉ có thể chọn đưa du khách tới những điểm du lịch đêm như phố đi bộ Bùi Viện, phố đi bộ Nguyễn Huệ, ăn tối trên sông Sài Gòn hay tham dự các show nghệ thuật… vào khung giờ nhất định.

Nhiều ý kiến cho rằng, du lịch đêm ở Hà Nội, TPHCM, Hội An... tuy đã khởi sắc nhưng vẫn “thiếu màu”. Chi tiêu của khách du lịch tập trung vào buổi tối nhưng lại thiếu những sản phẩm đặc trưng, khó “kích cầu” cũng như khó giữ chân khách lưu trú lâu dài. Nhất là với du khách trẻ khi đến Hà Nội, thường thì họ chỉ ở lại một đêm sau đó di chuyển ngay ra Hạ Long, rồi vào Đà Nẵng.

Đại diện Vitamin Tours còn cho rằng, sản phẩm du lịch đêm của chúng ta rất “thiếu màu”, khiến điểm đến chính lại biến thành nơi trung chuyển giữa các điểm đến khác. Nếu các vùng miền không có sản phẩm riêng biệt mà cứ học vùng này vùng kia thì du khách sẽ không kéo dài thời gian lưu trú để trải nghiệm. Rất cần đa dạng các sản phẩm du lịch đêm. Điều đó cũng có nghĩa là chúng ta đã không đo dung lượng thị trường, không “vẽ” được chân dung khách hàng, không lấy khách hàng làm trung tâm. Mà phát triển du lịch đêm hiện như một phong trào, thiếu chuyên nghiệp, chưa có mô hình vận hành trọn vẹn mà chỉ dừng lại ở những hoạt động phát sinh lợi nhuận có tính chất buôn bán như ban ngày. Chưa kể việc phát triển các tour đêm thiếu chu đáo đã không tận dụng, nâng cao vai trò của cộng đồng địa phương để họ đóng vai chính hưởng lợi chính từ sự phát triển của du lịch, nên cũng khó có được hiệu quả như mong muốn.

Kinh tế đêm, theo nghĩa rộng, gồm tất cả các hoạt động xã hội, văn hóa và sản xuất diễn ra trong khung thời gian ban đêm. Theo nghĩa hẹp, kinh tế đêm là tập hợp các hoạt động của nền kinh tế - văn hóa diễn ra vào ban đêm, chủ yếu là các hoạt động trải nghiệm mang tính giải trí. Phần lớn các quốc gia xác định khung giờ hoạt động kinh tế đêm từ 6 giờ chiều hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau.

Các nghiên cứu đều chỉ ra rằng, chợ đêm chính là mô hình kinh tế đêm hiệu quả nhất đối với du lịch, đóng góp lớn cho kinh tế địa phương, nâng cao thu nhập của người dân qua việc làm tăng chi tiêu của du khách, đồng thời làm đa dạng hóa các hoạt động vui chơi, giải trí.

Kinh tế đêm được xác định như một bộ phận hợp thành trong nền kinh tế tổng thể, đóng góp vào tăng trưởng, góp phần phát triển kinh tế, tạo công ăn, việc làm, thu nhập cho người lao động và tận dụng tối đa các tài nguyên, nguồn lực tại chỗ để thu hút khách du lịch, tạo động lực mới cho sự phát triển xã hội. Với TPHCM, theo tính toán, cứ thêm 4 giờ đồng hồ thì kinh tế ban đêm có thể đóng góp từ 5 - 8% GDP của thành phố. Doanh thu dịch vụ của các cửa hàng ban đêm tại phố đi bộ Nguyễn Huệ đạt khoảng 8 tỷ đồng/ngày.

Kinh tế đêm được “thắp sáng” sẽ đem lại sức bật mới cho kinh tế du lịch, tạo việc làm, thu nhập cho người lao động và tận dụng tối đa các tài nguyên, nguồn lực tại chỗ để thu hút du khách, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, phát triển kinh tế đêm cũng đối diện với những hạn chế, trong đó có việc ô nhiễm tiếng ồn, ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt, nghỉ ngơi về đêm người dân trong khu vực. Bên cạnh đó là việc chiếm dụng trái phép không gian công cộng, rủi ro về cháy nổ, quá tải về dịch vụ công; phát sinh nạn chặt chém, ép giá, và có thể làm nảy sinh những băng nhóm tội phạm, bảo kê...

Chính vì thế, việc phân quyền quản lí hoạt động kinh tế đêm tới các cấp chính quyền địa phương là rất cần thiết. Việc quản lí và điều phối các hoạt động kinh tế đêm tại các đô thị cần được tổ chức linh hoạt, thống nhất bởi một cơ quan chuyên trách. Vai trò của chính quyền địa phương được coi là yếu tố then chốt quyết định sự thành công của kinh tế đêm khi bảo đảm kiểm soát chặt chẽ các nguy cơ tiềm ẩn. Để phát triển kinh tế đêm một cách hiệu quả, cần phát triển theo trọng điểm (lựa chọn các vùng có điểm du lịch hấp dẫn, dịch vụ tốt, an ninh đảm bảo…), không nên phát triển kinh tế đêm - du lịch đêm một cách đại trà.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thêm màu sắc cho kinh tế đêm