Năm 2023, nhiều trường đại học trên cả nước vẫn dành số chỉ tiêu lớn cho phương thức xét tuyển bằng học bạ, xét tuyển kết hợp có sử dụng kết quả học tập THPT.
Tính tới thời điểm này, nhiều trường đại học đã công bố phương án tuyển sinh năm 2023, trong đó có khoảng trên 50 trường đại học thông báo xét tuyển học bạ THPT.
Trường Đại học Dược Hà Nội vừa công bố phương án tuyển sinh năm 2023 và dự kiến chỉ tiêu các ngành. Theo đó, năm nay nhà trường sử dụng 4 phương thức tuyển sinh gồm: Xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GDĐT; xét tuyển căn cứ theo kết quả Kỳ thi đánh giá tư duy của Đại học Bách Khoa Hà Nội năm 2023; xét tuyển căn cứ kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2023 và xét tuyển kết hợp.
Trong đó, phương thức xét tuyển kết hợp, nhà trường xét tuyển kết hợp kết quả học tập THPT với chứng chỉ SAT/ACT và xét tuyển với học sinh giỏi các lớp chuyên của trường THPT năng khiếu/ chuyên cấp quốc gia hoặc cấp tỉnh/ thành phố trực thuộc Trung ương.
Với phương thức xét tuyển học bạ THPT, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân yêu cầu, thí sinh phải thỏa mãn đồng thời 2 điều kiện: Học sinh hệ chuyên (3 năm lớp 10, 11, 12) các trường THPT chuyên toàn quốc, hệ chuyên của các trường THPT trọng điểm quốc gia;
Điểm trung bình chung học tập của 6 học kỳ (3 năm lớp 10, 11, 12) đạt từ 8 trở lên (điểm trung bình học kỳ nào đó có thể nhỏ hơn 8).
Năm nay, Trường Đại học Thủy lợi ưu tiên xét tuyển kết hợp với kết quả học bạ THPT cho các đối tượng như học sinh giỏi cấp tỉnh, thành phố; học sinh học tại các trường chuyên (đối với các môn trong tổ hợp xét tuyển); học sinh có học lực xếp loại giỏi 3 năm lớp 10, 11, 12; chứng chỉ tiếng Anh quốc tế với kết quả học tập THPT.
Trường Đại học Ngoại thương xét tuyển dựa trên kết quả học tập THPT dành cho thí sinh tham gia, đoạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi, thi khoa học kỹ thuật quốc gia, đoạt giải (Nhất, Nhì, Ba) trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, thành phố lớp 11 hoặc 12 và thí sinh thuộc hệ chuyên của trường THPT trọng điểm quốc gia, THPT chuyên.
Năm 2023, Trường Đại học Thương mại dự kiến sử dụng 8 phương thức xét tuyển trong đó 7 phương thức cũ năm 2022 và thêm phương thức xét tuyển bằng kết quả kỳ thi đánh giá tư duy của ĐH Bách khoa Hà Nội.
Đối với phương thức xét tuyển kết quả học tập bậc THPT, trường xét tuyển kết quả học tập bậc THPT theo từng tổ hợp bài thi/môn thi. Cụ thể:
Điểm xét tuyển = Tổng điểm 3 môn thi theo tổ hợp đăng ký xét tuyển + (điểm ưu tiên theo đối tượng + điểm ưu tiên theo khu vực nếu có).
Trong đó, điểm từng môn trong tổ hợp đăng ký xét tuyển được xác định là trung bình cộng điểm học tập 3 năm lớp 10,11,12 của môn đó.
Mùa tuyển sinh 2023, Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TP HCM (UEF) dự kiến thực hiện đồng thời 4 phương thức tuyển sinh gồm: xét tuyển theo kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023, xét tuyển học bạ lớp 12 theo tổ hợp 3 môn, xét tuyển học bạ theo tổng điểm trung bình 3 học kỳ, xét tuyển theo kết quả kỳ thi đánh giá năng lực 2023 của Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh cho tất cả các ngành đào tạo trình độ đại học chính quy.
Tổng chỉ tiêu dự kiến là 6.610 chỉ tiêu nhưng có đến 70% tổng chỉ tiêu là xét tuyển học bạ. Trong đó 30% xét học bạ lớp 12 theo tổ hợp 3 môn, 40% xét tuyển học bạ theo tổng điểm trung bình 3 học kỳ.
Nhà trường chỉ dành 25% chỉ tiêu xét tuyển theo kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT và 5% cho phương thức khác.
Năm nay, Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh tổ chức hai đợt thi đánh giá năng lực, vào tháng 4 và tháng 6. Hình thức, nội dung bài thi, địa điểm tổ chức vẫn được giữ như năm 2022.
Trường dự kiến tuyển 3.500 chỉ tiêu, theo 3 phương thức: tuyển thẳng theo quy định của Bộ GDĐT; xét tuyển bằng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT; xét tuyển học bạ THPT kết hợp điểm thi đánh giá năng lực.
Trong đó, trường dành 40% chỉ tiêu cho phương thức xét điểm thi đánh giá năng lực kết hợp điểm học bạ THPT, tăng gấp đôi so với năm trước, đồng thời giảm chỉ tiêu xét điểm thi tốt nghiệp THPT.
Trường Đại học Nha Trang cũng dành 40% trong số 3.600 chỉ tiêu xét tuyển năm nay cho phương thức học bạ THPT - cao nhất trong số 4 phương thức xét.
Cùng với đó, trường dành 5% chỉ tiêu tuyển thẳng theo quy định của Bộ GDĐT; 25% chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Đại học Quốc gia Hà Nội và 30% chỉ tiêu xét tuyển điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2023.
Trường THPT phải có trách nhiệm đảm bảo tin cậy đánh giá đúng kết quả của người học
Phương thức xét tuyển bằng học bạ trong một vài mùa tuyển sinh trở lại đây là phương thức được nhiều trường sử dụng, dành phần lớn chỉ tiêu. Tuy nhiên, phương thức này cũng gây khá nhiều tranh cãi.
Trước ý kiến cử tri tỉnh Thanh Hoá kiến nghị Bộ GDĐT về việc nghiên cứu bỏ xét tuyển đại học bằng học bạ vì lo ngại nảy sinh nhiều tiêu cực trong việc "chạy điểm", "làm đẹp" học bạ ở các nhà trường, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn đã có công văn trả lời kiến nghị này.
Trong công văn, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, Luật Giáo dục đại học năm 2018 cho phép các trường đại học tuyển sinh bằng các hình thức thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển.
Quy chế tuyển sinh đại học do Bộ ban hành cũng chỉ quy định nguyên tắc để đảm bảo công khai, minh bạch và bình đẳng giữa các trường, còn trường đại học được tự chủ và chịu trách nhiệm về phương thức tuyển sinh. Vai trò của Bộ là chỉ đạo thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy chế này.
Theo Bộ GDĐT, dù điểm học bạ có được sử dụng để xét tuyển đại học hay không, các trường THPT phải có trách nhiệm, biện pháp đảm bảo tin cậy, công bằng, đánh giá đúng kết quả của người học.