Công việc bắt đầu từ tờ mờ sáng, những người làm nghề phát hành báo thường thức trắng đêm, chấp nhận mất ngủ để kịp thời gian phát hành “con chữ” tới độc giả.
Thời đại 4.0 lên ngôi, báo giấy không còn là sự lựa chọn hàng đầu của lượng lớn độc giả. Thế nhưng, ở đâu đó giữa lòng thành phố Hà Nội vẫn còn những người ngày đêm âm thầm, lặng lẽ làm việc với mong muốn níu giữ mùi mực in trên những trang giấy.
Nỗi niềm ít ai biết
Từ 4h sáng, khi vạn vật đang chìm trong giấc ngủ, những người làm nghề phát hành báo đã có mặt ở dọc tuyến phố Đinh Lễ, Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) chạy đua với thời gian, mang thông tin đến cho độc giả. Giới trong nghề thường gọi công việc này là phát hành tin tức.
Để có được những thông tin “nóng hổi”, những người phát hành báo phải thức ngày thức đêm quanh năm. Bất chấp mưa nắng và cả những đêm đông lạnh giá, những người này vẫn miệt mài với công việc của mình.
Công việc chính của những người làm nghề phát hành là nhận báo, phân loại và vận chuyển báo đến tận tay độc giả. Đã có hơn 20 năm làm nghề phát hành tin tức, ông Duy Anh (70 tuổi, Thụy Khuê, Hà Nội) chia sẻ: “Cái khó nhất của công việc chính là nhớ các đầu báo để chia đến cho mọi người. Người mới vào nghề chưa nhớ được cách phân loại phải dùng sổ và bút để ghi lại, làm lâu quen hơn thì không cần phải ghi chép. Công đoạn này đòi hỏi người làm nghề phải có trí nhớ cao, độ tập trung nhất định”.
“Mọi công đoạn đều phải được thực hiện một cách nhanh chóng, khẩn trương để kịp phục vụ bạn đọc. Những hôm trời nắng thì không sao, sợ nhất là những hôm trời mưa, người ướt, báo cũng ướt”, ông Duy Anh nói.
Nghề phát hành tin tức là công việc chính của bà Tuyết Lan (55 tuổi, Hoàn Kiếm, Hà Nội). Hôm nào cũng vậy, từ tờ mờ sáng, người phụ nữ này lại lọ mọ chuẩn bị balo, giấy bút để bắt đầu một ngày mới với công việc phát hành tin tức đầy ý nghĩa.
Dưới ánh đèn mờ ảo hòa cùng ánh sáng le lói của mặt trời sắp nhú, bà Lan cùng những người đồng nghiệp của mình ngồi san sát cùng nhau dưới những con đường, vỉa hè. Họ rải những tờ báo còn vương mùi mực ra khắp các con đường rồi nhanh thoăn thoắt sắp chúng theo từng chồng. Mỗi người một việc, họ cứ thế âm thầm lặng lẽ bên những tờ báo. Đến khoảng 6h, mọi công việc được hoàn tất, lúc này những người làm nghề mới tản ra để giao báo tới tận tay độc giả.
Mỗi ngày, người làm nghề phát hành thông tin chỉ phải làm khoảng 3 tiếng kéo dài từ 4h đến 7h sáng. Mọi công đoạn đều được tiến hành khẩn trương, nhanh chóng, đòi hỏi độ chính xác cao. Những người tham gia công việc chủ yếu là người lớn tuổi, có nhiều thời gian rảnh rỗi và quan trọng là có độ chịu khó nhất định. “Không phải ai cũng đủ kiên nhẫn để theo nghề khi còn trẻ.
“Những người trẻ thường thích vận động thay vì ngồi một chỗ để làm việc. Muốn làm được công việc này đòi hỏi người làm nghề phải siêng năng và chịu khó. Những người trẻ tuổi thường có thói quen ngủ nướng, tâm lý ngại đi khi trời mưa hoặc trở lạnh nên không thể đáp ứng được yêu cầu của công việc”, ông Hồi nhấn mạnh.
Báo giấy vẫn còn sức sống
Công việc vất vả là thế nhưng thu nhập của những người làm nghề phát hành thông tin cũng không được là bao. Trung bình, mỗi người thợ sẽ được nhận mức lương từ 3.500.000 đến 4.000.000 đồng/tháng. Không ít người cho rằng, họ chấp nhận làm nghề này vì yêu mùi mực in trên báo giấy, yêu lấy nét văn hóa đọc báo giấy đã phai cũ. Một số người đã về hưu, con cái trưởng thành, kinh tế ổn định song vẫn chọn làm nghề.
Gần 20 năm theo nghề, ông Nguyễn Văn Đức (50 tuổi, Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã dõi theo nhiều giai đoạn thăng trầm của ngành phát hành thông tin nói riêng và sự phát triển của báo giấy nói chung. Ngồi thụp giữa những chồng báo còn ngổn ngang, ông Đức khẳng định: “Không thể phủ nhận, lượng báo ngày nay không bằng với thời kỳ trước, nhưng tôi tin báo giấy vẫn tồn tại tốt trong thời kỳ công nghệ thông tin bùng nổ”.
Lý giải cho câu nói trên, ông Đức chậm rãi phân trần: “Ngày nay, báo mạng phát triển nhanh chóng, cập nhật, tuy nhiên luồng thông tin bị nhiễu khiến cho người đọc khó theo dõi. Mặc dù phải đối mặt với không ít khó khăn thế nhưng báo giấy vẫn đang tồn tại và được phát hành thường xuyên thì chứng tỏ rằng nó vẫn chưa hoàn toàn mất đi vị thế vốn có của mình”.
Nghe ông Đức nói vậy, mọi người xung quanh đồng loạt tán thành: “Báo giấy vẫn còn phát triển lắm”.
Thực tế cho thấy không phải ai cũng có điều kiện thường xuyên để truy cập vào mạng internet hay có thiết bị di động để có thể đọc nhanh tin tức trên những trang báo điện tử. Đối với những người dân ở vùng sâu vùng xa, mạng internet chưa tới chưa có cơ hội tiếp cận với các thiết bị công nghệ hiện đại thì phương tiện duy nhất có thể giúp họ tiếp cận trực tiếp được với thông tin chính là thông qua báo giấy. Hơn nữa, báo giấy cũng phù hợp với đại đa số điều kiện kinh tế của người dân. Giá của một tờ báo giấy hiện nay vẫn khá rẻ, phù hợp với thị hiếu đọc của công chúng.
Có mặt tại một sạp bán báo nằm trên đường Lạc Long Quân, ông Trần Văn Chữ cho hay: “Hằng ngày, tôi vẫn giữ thói quen ra đây mua báo, tôi rất thích cách trình bày, phông chữ và cả những thông tin trên báo giấy. Thông tin trên báo giấy mặc dù không nhanh bằng báo mạng nhưng đầy đặn và có tính xác thực cao”.
Báo giấy đã xuất hiện và tồn tại qua suốt hàng ngàn thập kỉ, đã chứng kiến bao nhiêu thăng trầm đổi thay của đất nước. Mỗi sáng thức dậy, hình ảnh những cụ già cầm tờ báo giở từng trang ra đọc hay hình ảnh những sạp báo nhỏ ven đường chính là khoảng lặng để chúng ta bình tâm lại giữa bộn bề của cuộc sống. Báo giấy đến thời điểm hiện tại vẫn và sẽ là một nét văn hóa đẹp hằn sâu trong tâm thức mỗi người dân Việt Nam. Để mỗi lần những người tha hương đi xa trở về sẽ háo hức cầm trên tay tờ báo đã ghi lại những sự kiện nổi bật của nước nhà, để thấy rõ hơn sự phát triển của đất nước.