Cục Phòng vệ thương mại (Cơ quan điều tra) phát đi thông báo xác nhận hồ sơ yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm thép cuộn cán nóng (HRC) nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ đã đầy đủ, hợp lệ theo quy định của pháp luật về phòng vệ thương mại.
Hồ sơ này được Tập đoàn Hòa Phát (HPG) và Formosa gửi đến Cơ quan điều tra vào cuối tháng 3. Sau đó, Cơ quan điều tra đã 2 lần đề nghị phía doanh nghiệp bổ sung thêm thông tin, tài liệu để hoàn thiện vào tháng 4 và 5.
Văn bản Bộ Công Thương ghi rõ, ngày 31/5/2024 Cục Phòng vệ Thương mại (PVTM) nhận được hồ sơ bổ sung hồ sơ yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với 1 số sản phẩn thép cán nóng có xuát xứ từ Ấn Độ và Trung Quốc từ đại diện của ngành sản xuất trong nước.
Cục PVTM thông báo hồ sơ đã đầy đủ và hợp lệ theo quy định tại điều 28, Nghị định 10/2018/ NĐ – CP ngày 10 tháng 1 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết 1 số điều của Luật Quản lý ngoại thương về các biện pháp phòng vệ thương mại.
Được biết, hiện tại, nhu cầu thép cán nóng HRC trong nước là khoảng 10 - 11 triệu tấn/năm, năng lực sản xuất trong nước là 8,5 triệu tấn/năm. Thép HRC là sản phẩm đầu ra của Hòa Phát và Formosa nhưng là sản phẩm nguyên liệu đầu vào của các doanh nghiệp tôn mạ và ống thép
Dữ liệu mấy năm trở lại đây thép cán nóng ồ ạt nhập về Việt Nam. Tổng lượng nhập khẩu HRC trong tháng 5/ 2024 tăng 20% so với tháng 4/ 2024. Luỹ kế nhập khẩu HRC 5 tháng đầu năm 2024 chiếm hơn 5 triệu tấn.
Giá HRC tháng 5/ 2024 từ Trung Quốc thấp hơn các quốc gia từ 48 – 186USD/ tấn. Lượng nhập khẩu từ Trung Quốc trong tháng 5/ 2024 chiếm 75%, Nhật bản chiếm 13%. Thống kê cũng cho biết trong tháng 5/ 2024 lượng nhập khẩu HRC chiếm 192% so với lượng sản xuất trong nước. Luỹ kế 5 tháng đầu năm 2024 lượng nhập khẩu HRC chiếm 176% so với lượng sản xuất trong nước.
Trong đó doanh nghiệp nhập khẩu HRC tháng 5/ 2024 nhiều nhất đến từ Kim Quốc, Thép Vương, Tôn Đông Á, Công ty CP tập đoàn Hoa Sen; Công ty CP Thép Nam Kim;
Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Thép VN Phạm Chí Cường phân tích: Ngành thép VN đã phát triển nhanh và đạt hiệu quả rất tốt trong những năm vừa qua. Đặc biệt, hiện chúng ta đã tự túc được nguồn nguyên liệu đầu nguồn là HRC, cũng đồng nghĩa vượt qua được những khó khăn nhất. Hơn nữa, từ một nước nhập khẩu nguyên liệu hoàn toàn thì giờ đây, ngoài chủ động được nguyên liệu cơ bản của ngành thép chúng ta còn xuất khẩu ra thế giới là nỗ lực rất lớn của các doanh nghiệp.
Thực tế, sự cạnh tranh của thị trường thép trên thế giới luôn luôn khốc liệt. Đã có doanh nghiệp nước ngoài sản xuất sản phẩm kém chất lượng để hạ giá bán, đẩy mạnh xuất khẩu. Do vậy, bản thân các đơn vị VN nhập nguyên liệu thép để sản xuất ra các sản phẩm thép khác thì phải cảnh giác với hàng kém chất lượng.
Giới chuyên gia cũng đã phân tích, trước đây công nghệ sản xuất thép VN còn rất khiêm tốn, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, phân tán và lạc hậu. Đến giai đoạn 2010 - 2015 với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp, một số dự án thép đã cải thiện quy mô sản xuất. Đặc biệt, đến giai đoạn 2016 - 2022, các DN thép trong nước đã có bước tiến rất dài cả về quy mô, sản lượng và công nghệ sản xuất thép được đầu tư lớn. Công nghệ sản xuất và quy mô một số nhà máy được đầu tư tương đương tầm cỡ thế giới hiện nay, trong đó đặc biệt là Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh và Tậpđoàn Hoà Phát đồng bộ cả về sản lượng và thiết bị cán, đúc sản phẩm thép). Sự phát triển này đã đưa thép VN từ một cái tên vô danh vươn lên vị trí thứ 13 trong ngành thép thế giới vào năm 2022 theo bảng xếp hạng của Hiệp hội Thép thế giới (World Steel).
Ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch Hiệp hội Thép VN, trong định hướng phát triển của Chính phủ, để phát triển ngành công nghiệp bền vững thì phải ưu tiên phát triển sản xuất thượng nguồn. Từ trước đến nay hiệp hội cũng nhất quán theo quan điểm là bảo vệ sản xuất trong nước nói chung. Những năm qua, nhà nước cũng có nhiều giải pháp bảo vệ các hoạt động sản xuất trong ngành khi áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, đánh thuế chống bán phá giá với một số sản phẩm nhập khẩu như thép cán nguội, tôn mạ màu, thép không gỉ... Chính vì vậy, khi có dấu hiệu thép cán nóng nhập khẩu vào VN bán phá giá thì cần thiết mở cuộc điều tra để có thông tin chi tiết. Từ đó sẽ đưa ra các giải pháp để bảo vệ sản xuất thượng nguồn cho ngành thép.
Phân tích chi tiết hơn, PGS-TS Phan Đăng Tuất, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ VN - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược và chính sách công nghiệp thuộc Bộ Công thương, cho rằng thép HRC là nguồn nguyên liệu của rất nhiều ngành công nghiệp khác nhau, từ sản xuất vỏ tàu, vỏ xe ô tô hay đầu vào của hàng loạt ngành sản xuất tiêu dùng. Trước đây khi VN chưa sản xuất được thép cán nóng thì phải phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nhập khẩu. Việc đầu tư sản xuất HRC đòi hỏi nguồn vốn rất lớn bởi cần phải có quy mô và công nghệ cao.