Đầu tháng mười chúng tôi lên công trường Cầu Giao Thủy chứng kiến cảnh công trường sôi động với khối lượng máy móc, thiết bị và công nhân đông đảo. Với quyết tâm tích cực thi công vượt lũ và họ đã thành công. Hiện tại lãnh đạo và nhân công trên công trình này đang đặt ra mục tiêu sớm hoàn thành dự án để phục vụ nhân dân.
Mô hình cầu Giao thủy bắt qua sông Thu Bồn.
Tầm quan trọng
Cây cầu này được thiết kế bắt ngang qua sông Thu Bồn nằm trên tuyến đường huyết mạch nối tuyến tỉnh lộ ĐT.609B với tuyến ĐT.610, khi xây dựng hoàn thành sẽ nối liền 4 huyện gồm Nông Sơn, Quế Sơn, Duy Xuyên, Đại Lộc của tỉnh Quảng Nam với thành phố Đà Nẵng, tạo điều kiện khai thác tiềm năng, lợi thế vùng đất phía Tây của tỉnh Quảng Nam để phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch. Cây cầu này được đầu tư với tổng nguồn vốn hơn 823 tỷ đồng. Đây là cây cầu được xây dựng theo tiêu chuẩn cầu bê tông cốt thép dự ứng lực, chiều dài cầu hơn 1km, rộng 12 mét, gồm 21 nhịp, dự kiến sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng vào tháng 9-2017.
Cầu Giao Thủy có ý nghĩa quan trọng, bởi nơi đây trước năm 1975 chính quyền Sài Gòn đã cho xây dựng cây cầu tạm để phát triển kinh tế, khai thác tài nguyên và phục vụ cho những công việc khác. Trong chiến tranh cây cầu đã bị phá hủy, sập đổ, khiến cho giao thông sau ngày giải phóng của vùng đất này bị chia cắt hoàn toàn. Hơn 40 năm qua nhân dân trong vùng phải đi lại bằng đò ngang, rất khó khăn và nguy hiểm trong mùa mưa lũ. Trước nhu cầu giao thông bức thiết, nối đôi bờ sông Thu Bồn, phục vụ nhân dân đi lại và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của các địa phương, phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn khi có thiên tai, bão lũ xảy ra, UBND tỉnh Quảng Nam đã báo cáo Chính phủ và các Bộ ngành Trung ương hỗ trợ nguồn vốn để triển khai thực hiện. Công trình được chính thức khởi công vào ngày 25/3/2015 nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng tỉnh Quảng Nam.
Các trụ chính đã được xây lên cao vượt lũ.
Cụ Nguyễn Hương, 78 tuổi người dân địa phương cho biết: “Hơn 40 năm qua người dân chúng tối phải đi lại bằng đò nan, gian khổ nhất là mùa mưa lũ. Nên bà con mong ước được có cây cầu. Do đó sự đầu tư của Nhà nước cho cây cầu ni là đám ứng nguyện vọng chính đáng của người dân, bởi cây cầu sẽ đóng một vai trò quan trọng trong cuộc sống của người dân nơi đây! Chúng tôi đang mong mõi ngày đêm cây cầu sớm hoàn thành đưa vào phục vụ. Tôi và bà con nơi đây chân thành bày tỏ lòng cảm ơn và biết ơn về tất cả!”
Vượt lũ thành công
BQL Dự án đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Nam cho biết: “Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc là các đơn vị tham gia thi công tập trung nhân lực, thiết bị để thi công bảo đảm tiến độ, chất lượng kỹ thuật và mỹ thuật, sớm đưa công trình giao thông vào sử dụng, đáp ứng nhu cầu đi lại, thúc đẩy sản xuất phát triển. Nên ngay sau khi khởi công, nhà thầu thi công là Liên danh Công ty TNHH Thanh Tùng – Công ty cổ phần 479 – Công ty TNHH Xây dựng Thái Dương đã lập kế hoạch quyết tâm phấn đấu triển khai thi công hạng mục hạ bộ vượt lũ năm 2015.
Theo quan sát của phóng viên tại công trường, phần hạ bộ của cầu gồm 2 mố và 21 trụ, chiều cao mỗi trụ từ 10m-16m, bề rộng trụ 3,8m, trong đó 3 trụ nhịp chính rộng 7,5m đặt trên hệ cọc khoan nhồi đường kính từ 1,2m đến 1,5m, chiều dài cọc bình quân 63m. Nhà thầu đã huy động 6 dây chuyền khoan cọc nhồi, trong đó có 1 dây chuyền khoan trên hệ nổi, 2 xe đúc hẫng với hơn 200 công nhân trên công trường đang tích cực thi công.
Ông Trần Minh Đức – Chỉ huy trưởng công trình, Công ty TNHH Thanh Tùng (nhà thầu đứng đầu liên danh) cho biết: “Thời gian qua, nhà thầu đã huy động toàn bộ nguồn lực, máy móc, thiết bị tập trung cho công trình và tổ chức thi công gồm 3 ca với quyết tâm hoàn thành phần hạ bộ để vượt lũ năm 2015, hiện nay phần hạ bộ đã vượt tiến độ so với hợp đồng. Theo hợp đồng thì tiến độ hoàn thành công trình là 30 tháng (đến tháng 10/2018), tuy nhiên, các nhà thầu đều quyết tâm đưa công trình vào thông xe kỹ thuật cuối năm 2016”.
Quang cảnh một góc công trình.
Còn ông Nguyễn Như Công, Giám đốc BQL Dự án đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Nam cho biết, sau hơn 6 tháng thi công, đến nay công trình đã hoàn thành được 80% cọc khoan nhồi, đã thi công xong 60% khối lượng trụ, trong đó có trụ nhịp chính T4 và T6 đã thi công hoàn thành và đã đúc xong 02 khối K0 phần dầm hẫng, giá trị xây lắp thực hiện đến nay trên 150 tỷ đồng. Kết quả này ghi nhận sự nổ lực của nhà thầu, sự hỗ trợ tích cực của chính quyền địa phương, sự quản lý giám sát chặt chẽ của BQL Dự án đầu tư xây dựng tỉnh
“Thực tế, công trình đến nay đã đạt và vượt tiến độ đề ra, cơ bản đã vượt lũ năm 2015. Hiện nay, bước vào mua mưa lũ, để đảm bảo tiến độ chung cho cả dự án, BQL Dự án đã chỉ đạo cho các nhà thầu tập trung nhân vật lực để thi công hai mố, các trụ cầu trên cạn và triển khai đúc dầm trong mùa mưa năm 2015 (các hạng mục này không phụ thuộc vào thời tiết mưa bão). Theo đó, kế hoạch từ nay đến cuối năm 2015 sẽ phấn đấu thi công xong phần hạ bộ và đúc các đốt dầm hẫng trên 2 trụ T4 và T6, đúc 30% dầm Super T, khối lượng thực hiện đến cuối năm ước đạt 200 tỷ đồng. Ban QLDA đang đôn đốc các nhà thầu phấn đấu đưa công trình vào thông xe kỹ thuật cuối năm 2016”- ông Công cho biết.
Máy móc, thiết bị trên công trình.