Thi công gặp 189 bộ hài cốt ở đường Tây Sơn, Hà Nội: Hoàn tất di chuyển sẽ dựng bia

Từ Khôi 05/07/2015 09:57

Vào 14h30 ngày 4-7-2015, chiếc xe BKS 31A 6563 thực hiện chuyến di chuyển cuối cùng đưa các bộ hài cốt ra khỏi khu vực đường Tây Sơn (gần ngõ 167 Tây Sơn), quận Đống Đa về Ban lễ tang TP. Hà Nội (125 Phùng Hưng). Ông Nguyễn Quốc Việt – cán bộ Phòng Quản lý nghĩa trang Ban Lễ tang TP. Hà Nội cho biết: Theo thống kê, tổng số tiểu đã sang cốt di chuyển từ địa điểm thi công công trình này về Ban lễ tang TP. Hà Nội sau đó đưa lên nghĩa trang Yên Kỳ là 189. Chiều 4-7, Xí nghiệp thoát nước số 4 nhận bà

Thi công gặp 189 bộ hài cốt ở đường Tây Sơn, Hà Nội: Hoàn tất di chuyển sẽ dựng bia

Chuyến xe cuối cùng di chuyển các bộ hài cốt

Ảnh: M.T

Theo đó, ngày 26-6, khi Xí nghiệp thoát nước số 4 bắt đầu thi công tu sửa, nâng cấp đường ống thoát nước đoạn ngõ 167 Tây Sơn (phường Quang Trung, Đống Đa - Hà Nội), giáp chân cầu vượt cho người đi bộ, có tổng chiều dài toàn tuyến là 89m thì phát hiện có nhiều hài cốt. Vụ việc được lãnh đạo xí nghiệp báo cáo lên ngành chức năng. UBND TP. Hà Nội sau đó đã giao nhiệm vụ cho Ban lễ tang thành phố xuống hiện trường xem xét và khai quật những bộ hài cốt này và tiến hành cải táng lại rồi đưa lên nghĩa trang Yên Kỳ (huyện Ba Vì, TP. Hà Nội).

Sự chỉ đạo của UBND TP. Hà Nội là kịp thời và đúng pháp luật. Theo phản ánh của cán bộ, nhân viên Ban lễ tang TP. Hà Nội, thì tất cả những chiếc tiểu đều đã cũ, không thể hiện thông tin về người quá cố. Chính vì những bộ hài cốt này không có người thân nhận nên không có sự tranh chấp và bồi thường về việc thi công công trình xâm phạm mồ mả gây ra. Vì vậy, căn cứ theo Điều 629 Bộ luật dân sự về bồi thường thiệt hại do xâm phạm mồ mả thì: “Cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác gây thiệt hại đến mồ mả của người khác phải bồi thường thiệt hại. Thiệt hại do xâm phạm mồ mả gồm chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại”. Trong trường hợp này, việc xử lý của các cơ quan chức năng là hợp lý, hợp tình.

Về việc có giả thuyết cho rằng: Khu vực này nằm trong chiến trường Đống Đa xưa (lại chéo bên kia là di tích Gò Đống Đa) nên đây có thể là hài cốt quân Thanh hoặc là của quân ta. Theo quan sát của PV, những vỏ tiểu sành còn lại đều có hình dạng chữ nhật, vuông thành sắc cạnh, tương đối gần với chiếc tiểu thời nay, một số họa tiết cũng vậy. Hơn nữa, nếu để dọn dẹp nhanh chiến trường có hàng ngàn người chết thì vào thời đó, không thể có đủ số quan tài để chôn, rồi đợi 3 năm sau đó cải táng đưa sang tiểu được. Hơn nữa, với cách cải táng thông thường không cầu kỳ và thực hiện kỹ thuật ướp xác như thế này thì làm sao với khoảng thời gian trên hai thế kỷ lại có cốt còn hộp sọ, xương tay, xương chân… Giả thiết thứ hai có căn cứ hơn khi cho rằng: Vị trí này xưa là nghĩa trang của các làng xung quanh. Hàng trăm chiếc tiểu vừa khai quật này là di chuyển từ trong nội thành ra từ thời chống Pháp, chống Mỹ qua những lần quy hoạch và phát triển đô thị. Theo ý kiến của ông Nguyễn Quốc Việt và một số nhân viên trong Ban Lễ tang TP. Hà Nội: Những chiếc tiểu được xếp theo hàng, cách nhau 10 – 15cm. Vì thế chỉ một đoạn ngắn mà có tới 189 bộ hài cốt.

Với tốc độ phát triển đô thị nhanh như hiện tại, thì sẽ còn không ít các trường hợp tương tự như ở đoạn thi công đường thoát nước trên phố Tây Sơn này. Điều cốt yếu là cách xử lý ra sao. Hàng trăm những chiếc tiểu từng bị di dời này nay tiếp tục bị di dời sẽ càng tăng thêm sự khó khăn cho người thân của họ trong quá trình tìm mộ. Trước đây, khi di dời, những ngôi mộ này đã không được dựng bia ghi dấu. Thì nay, nên chăng khi di dời tới một vị trí ở nghĩa trang Yên Kỳ cũng nên dựng một bia chung? Băn khoăn này của PV đã được ông Nguyễn Quốc Việt – cán bộ Phòng Quản lý nghĩa trang Ban Lễ tang TP. Hà Nội giải tỏa khi cho biết: Chúng tôi có lập hồ sơ quản lý theo hàng và sẽ dựng bia chung ghi rõ xuất xứ việc di dời này.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thi công gặp 189 bộ hài cốt ở đường Tây Sơn, Hà Nội: Hoàn tất di chuyển sẽ dựng bia