Thi cử và thuyết '3 vòng tròn'

Phương Linh (thực hiện) 26/05/2016 14:05

Kỳ tuyển sinh ĐH,CĐ 2016 sắp diễn ra. Tuy nhiên, khi hỏi các học sinh rằng sau kỳ thi THPTQG sẽ lựa chọn học ngành gì, có khá nhiều em vẫn còn rất băn khoăn. Theo ông Trần Văn Hùng, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Trãi thì đó là do khâu tư vấn hướng nghiệp hiện nay còn kém. 

Thi cử và thuyết '3 vòng tròn'

Ông Trần Văn Hùng.

PV: Ông đánh giá như thế nào về cách lựa chọn nghề nghiệp của các bạn học sinh hiện nay?

Ông Trần Văn Hùng: Nói chung cách chọn nghề của các em, chủ yếu dựa vào yếu tố do người khác ảnh hưởng tới, có thể bố mẹ, các chú bác, có khi là nghe ý kiến của người thành công nhất trong họ… Thứ hai, các em hay tự đặt ra khả năng của mình. Khả năng chỉ được từng này điểm thì chỉ có thể vào trường này thôi, hoặc nhiều hơn thì vào trường lấy điểm cao hơn. Hoặc điểm cao hẳn thì vào ĐH Bách khoa, mặc dù có thể rất thích vào ĐH Giao thông vận tải, nhưng vì điểm mình cao thế thì phải vào trường như thế.

Bên cạnh đó, số các em hiểu rõ sẽ học gì trong nhà trường là rất ít. Khi ra trường cũng có tới quá nửa số sinh viên học cái này làm cái khác, có nhiều lí do nhưng cũng có lí do hướng nghiệp sai. Thậm chí đến 50% các em trong khi học cứ bị đắn đo học tiếp hay dừng lại. Cũng có một số em hết năm thứ nhất đủ mạnh dạn bước ra học cái khác, nhưng nhiều em đã sang năm thứ 3, thứ 4 thì lại cố theo cho chót.

Vậy để có thể lựa chọn được nghề nghiệp phù hợp với bản thân mình, cần quan tâm tới những yếu tố nào, thưa ông?

- Đầu tiên có 3 điều phải làm. Thứ nhất, phải hiểu biết về ngành định làm càng nhiều càng tốt. Thứ hai, cần phải biết mình thuộc nhóm người nào trong các nhóm người như nhóm hỗ trợ, lãnh đạo, sản xuất… Nhóm hỗ trợ có tính cách thích giúp đỡ người khác, nhóm lãnh đạo là những người thích có quyền hành, thích lãnh đạo người khác, hay nhóm mạo hiểm rất thích thắng không sợ thua… giúp các em phân loại mình gần với nhóm nào. Thứ ba, các em cần nhớ lý thuyết về ba vòng tròn, vòng tròn thứ nhất là vòng tròn tiền, cái em định học có ra tiền không. Còn em có thích đến mấy sau này ra trường làm lương chỉ được 1 triệu kiểu gì em cũng bỏ. Vòng tròn thứ hai là vòng tròn lợi thế, em học cái này có lợi thế gì không, có bố làm công an hay mẹ làm hiệu trưởng… là lợi thế, nhưng nếu nói ngọng thì lợi thế em lại ít đi. Nghĩa là tất cả những cái gì có thể hỗ trợ cho em để em làm nghề đó thì là lợi thế. Vòng tròn thứ ba là vòng tròn đam mê, em yêu nghề này nhưng tiền ít, hoặc em rất yêu nó và ra trường kiếm được rất nhiều tiền nhưng lợi thế em bằng không… thì cũng rất khó.

Ba vòng tròn này, nếu nghề em chọn các vòng tròn đó cắt nhau thì nghề em chọn là đúng. Nếu em chọn 3 nghề đều cắt nhau cả thì miếng cắt nào to thì nghế đó nên chọn.

Như ông vừa nói, có nhiều em học năm thứ 2 rồi mới nhận ra mình chọn sai nghề. Khi đó nên lựa chọn như thế nào, thưa ông?

- Chúng ta cũng phải dựa vào 3 vòng tròn này. Ví dụ đang học em phát hiện ra nghề này ít tiền quá, không thích, lợi thế cũng vớ vẩn thì tôi nghĩ nên suy nghĩ kỹ. Nếu thực sự không có chút đam mê, lợi thế, tiền làm ra cũng sẽ không có thì sẵn sàng nên bỏ, còn hơn học thêm 3 năm nữa tốt nghiệp, xong lại cứ gắng đi theo nghề đó cả đời. Thực ra cuộc đời được làm thứ mình thích, kiếm được ra tiền, với toàn điểm mạnh của mình thì là tuyệt vời nhất.

Hiện nay ở các trường phổ thông đều có tư vấn hướng nghiệp cho các em, rồi các trường ĐH cũng có các ngày hội tư vấn tuyển sinh nhưng công tác này vẫn chưa được đảm bảo. Theo ông có lí do quan trọng gì?

- Các trường đến tuyển sinh chủ yếu người ta mong lấy được học sinh. Quay lại lớp 9, các nhà trường bắt đầu dạy về hướng nghiệp, tuy nhiên đến giờ hướng nghiệp các trường lại thực hiện không đúng. Có trường cho các em đến Bát Tràng, rồi đến làng nghề làm bánh cuốn, cốm làng Vòng tham quan. Như vậy đâu phải là hướng nghiệp? Còn các trường đến tư vấn tuyển sinh, trong bối cảnh cùng kéo đến ầm ầm như thế, họ chỉ muốn lấy học sinh về. Có ai đi tìm hiểu đứa trẻ đó không? Vì thế không có hiệu quả nhiều. Ví dụ nếu người đi tư vấn là Trưởng khoa Kế toán thì thế nào ông này cũng kêu gọi các em theo nghề Kế toán.

Vậy khi các em lựa chọn ngành nghề, bố mẹ chọn một nghề và các em chọn một nghề thì nên làm như thế nào?

- Theo tôi các em hãy chọn theo ý mình. Chọn theo đam mê, sở trường của chính mình. Mỗi học sinh là một cơ thể độc lập rồi, sống mãi thế nào được bằng cơ thể bố mẹ. Nhưng đi kèm với nó cũng cần xem xét yếu tố tiền và lợi thế nữa.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thi cử và thuyết '3 vòng tròn'