Việc thí điểm dạy tiếng Hàn ở cấp THCS đến năm 2023 vừa được Bộ Giáo dục - Đào tạo và Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam ký thỏa thuận với mục đích tăng cường khả năng ngoại ngữ cho học sinh phổ thông trong bối cảnh phát triển đa ngôn ngữ, qua đó sẽ xây dựng nền tảng để có thể phát triển tiếng Hàn thành một ngoại ngữ trong thời gian phù hợp... Tuy nhiên, “thử nghiệm mới” này đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều.
Dạy tiếng Hàn tại các trung tâm.
Đào tạo theo nguyện vọng
Theo thứ trưởng Bộ GD - ĐT Nguyễn Vinh Hiển: Từ năm 2016 sẽ thí điểm đưa tiếng Hàn Quốc vào dạy như ngoại ngữ 2 tại hai trường THCS ở Hà Nội và 2 trường THCS ở TP HCM. Mỗi lớp thí điểm trong 2 năm học liên tiếp để sau đó có thể dễ dàng chuyển đổi thành môn học ngoại ngữ 1. Tùy theo nhu cầu và điều kiện, thời lượng học thí điểm tiếng Hàn ngoại ngữ 2 được bố trí khoảng 3 tiết/tuần.
Từ năm học 2020-2021, Bộ GD-ĐT sẽ chọn một trường THPT ở Hà Nội và một trường THPT ở TP HCM, mỗi trường tổ chức một lớp dạy thí điểm tiếng Hàn ở lớp 10. Kết thúc thời gian thí điểm ở mỗi lớp, mỗi giai đoạn có tổng kết, đánh giá kết quả để chuẩn bị triển khai dạy thí điểm tiếng Hàn có chất lượng ở các lớp và giai đoạn tiếp theo. Sau 2 vòng thí điểm, nếu trường có đủ điều kiện và nhu cầu thì có thể tiếp tục duy trì việc dạy tiếng Hàn...
Thực tế cũng cho thấy, tại Việt Nam, kể từ năm 1993 đến nay, ngôn ngữ Hàn Quốc phát triển khá mạnh mẽ với hơn 100.000 người học, 14 trường đại học có khoa tiếng Hàn chính quy, hơn 2.800 sinh viên chuyên ngành tiếng Hàn và tới 10 cơ quan tổ chức giảng dạy tiếng Hàn. Xét ở lĩnh vực kinh tế, với vị trí nhà đầu tư đứng đầu Việt Nam, hiện có 4.100 doanh nghiệp Hàn Quốc tuyển dụng khoảng một triệu nhân viên Việt làm việc trên lãnh thổ Việt Nam.
Tuy nhiên, việc thí điểm dạy tiếng Hàn đang vấp phải không ít phản ứng trái chiều, chị Nguyễn Mai Anh - một phụ huynh tại Hà Nội đặt câu hỏi: Nếu thí điểm học tiếng Hàn ở THCS thì khi lên THPT các em sẽ học ở đâu, hay lại phải đi học xa nơi cư trú? Không hiểu chủ trương này có dựa trên những cơ sở khoa học và thực tiễn nào? Nên làm theo nguyện vọng mang tính tự nguyện của học sinh và phụ huynh rồi triển khai là đúng nhất.
Đề nghị Bộ chủ quản xem xét kỹ việc thí điểm này. Nếu thí điểm dạy tiếng Hàn cho học sinh ở bậc THPT trên cơ sở nguyện vọng của phụ huynh và học sinh thì có tính khả thi cao hơn.
Không ít ý kiến cho rằng, hiện nay dạy tiếng Anh cho học sinh nhiều năm, nhưng phần lớn học sinh vẫn lơ ngơ với tiếng Anh. Vậy tại sao các trường lại tiếp tục triển khai dạy tiếp tiếng Hàn mà không phải một ngôn ngữ phổ biến nào khác, hay đơn giản là cần nâng cao hơn nữa việc dạy tiếng Anh, thay vì dạy nhiều ngôn ngữ tràn lan.
Ở góc độ người giảng dạy, cô Hà Anh- giáo viên dạy ngoại ngữ của một trường THCS tại Hà Nội lo ngại: Nếu dạy tiếng Hàn thì có dừng học tiếng Anh ở những trường, lớp đó không vì nếu vậy sẽ rất nặng nề. Chúng ta dạy tiếng Anh vì nó là ngôn ngữ quốc tế, điều đó không phải bàn. Tuy nhiên tiếng Hàn lại không như vậy.
“Nên dạy tiếng Hàn theo mô hình CLB ngoại khóa chứ không nên đưa vào chương trình chính khóa có kiểm tra, đánh giá, xếp loại. Việc học ngoại ngữ nào nên để khi đã định hướng chuyên ngành, nghề như bậc đại học hoặc sau đại học mỗi người tự chọn”- cô Hà Anh đề xuất.
Như Đề án triển khai thí điểm dạy và học tiếng Nhật tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2012-2020 được thực hiện 2 năm qua là môn học không lấy điểm đánh giá học tập mà chỉ khuyến khích cộng điểm nên đã thu hút nhiều HS đăng ký theo học.
Căn cứ vào nhu cầu thực tế
Trở lại với dự kiến thí điểm dạy tiếng Hàn trong nhà trường sắp tới, PGS.TS Ngôn ngữ học Phạm Văn Tình- Tổng Thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam cho rằng: Ngành giáo dục nên căn cứ vào môi trường để xác định nhu cầu, mục đích rõ ràng. Hiện nay do quan hệ giao lưu giữa 2 nước về mặt kinh tế, xã hội và văn hóa, do đó số người Việt học tiếng Hàn tương đối nhiều. Nhưng để phổ cập, nhân rộng nó như thế nào lại là một câu chuyện khác.
Vì dạy tiếng Hàn liên quan một là đội ngũ giáo viên và biên soạn hệ thống giáo trình. Như tiếng Anh ở Việt Nam hệ thống giáo trình nhiều năm qua hiện vẫn đang lộn xộn, dù kết quả đạt được cũng có nhiều điều đáng nói. Như vậy, việc dạy tiếng Hàn nhân rộng cần phải cân nhắc chứ không được duy ý chí, muốn là được ngay.
Liên quan tới chuyện ngôn ngữ dạy thí điểm, tiến tới phổ cập thì càng cần phải bàn về nền tảng, xuất phát để chúng ta có thể coi đó để phát triển hiệu quả.
“Tôi vẫn nhắc lại cộng đồng người học, đội ngũ giáo viên và hệ thống giáo trình hiện chưa đầy đủ, hay nói đúng hơn là chưa phù hợp. Chưa đủ cơ sở để xây dựng một quá trình dạy và học sao cho hiệu quả. Một là căn cứ số người học, điều kiện người ta học ở đâu và nhu cầu học theo nhiều mục đích, như: học để biết, học để giao tiếp hay học để nghiên cứu.... Nên căn cứ vào những yếu tố đó để khảo sát đưa ra các thống kê định lượng. Trên cơ sở định lượng đó đặt ra một quyết sách phù hợp”, TS Tình nêu quan điểm.
Còn theo TS Lê Kim Anh, Trưởng khoa Đối Ngoại trường Cao đẳng Kinh tế - Tài chính Thái Nguyên, việc đẩy mạnh năng lực ngoại ngữ cho học sinh - sinh viên là một nhiệm vụ rất quan trọng, đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập quốc tế như hiện nay. Như vậy, việc thí điểm dạy tiếng Hàn ở cấp THCS tại Việt Nam từ năm 2016 - 2023 là chủ trương đúng, song cần phải thận trọng xem xét trong điều kiện thực tế. Chúng ta nên để cho các em học sinh tự nguyện đăng kí lựa chọn ngôn ngữ để học chứ đừng nên bắt buộc.
Cụ thể hơn, TS Lê Kinh Anh gợi ý: Ở các tỉnh thành nào có khu công nghiệp lớn do Hàn Quốc đầu tư, ví dụ như tỉnh Thái Nguyên là khu công nghiệp có nhiều nhà đầu tư Hàn Quốc, đòi hỏi rất nhiều lao động địa phương, thì nên đưa vào dạy thí điểm ở các tỉnh, thành phố đó, tránh đầu tư tràn lan, gây lãng phí mà hiệu quả không cao...