Từ tháng 2 đến tháng 8/2024 tại 6 địa phương gồm: Hà Nội, TPHCM, Hà Giang, Tuyên Quang, Hòa Bình, Thanh Hóa sẽ tiến hành thí điểm mô hình cung cấp dịch vụ công tác xã hội và tư vấn tâm lý trường học.
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) cho hay, mục đích của kế hoạch nhằm triển khai các quy định và hướng dẫn tổ chức hoạt động công tác xã hội, tư vấn tâm lý trong trường học của Bộ trong việc hỗ trợ, bảo vệ học sinh; tuyên truyền về mô hình cung cấp dịch vụ công tác xã hội, tư vấn tâm lý trong trường học tại các cơ sở giáo dục; nghiên cứu thí điểm mô hình cung cấp dịch vụ công tác xã hội và tư vấn tâm lý tại các cơ sở giáo dục phù hợp với quy định và thực tiễn tại các địa phương.
Theo kế hoạch, tháng 6/2024, Bộ GDĐT sẽ tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ để nâng cao năng lực của cán bộ, giáo viên thực hiện các hoạt động cung cấp dịch vụ công tác xã hội và tư vấn tâm lý trường học, từ đó, nâng cao năng lực, hiệu quả hỗ trợ, bảo vệ học sinh; tổ chức trao đổi, học tập kinh nghiệm thực hiện công tác xã hội, tư vấn tâm lý giữa các cơ sở giáo dục thí điểm...
Thực tế, mô hình cung cấp dịch vụ công tác xã hội và tư vấn tâm lý trường học đã được Bộ GDĐT chỉ đạo triển khai tại các địa phương và vài năm nay. Tuy nhiên, theo phản ánh từ các sở GDĐT, quá trình triển khai gặp nhiều khó khăn, trong đó có việc kinh phí chưa được đầu tư tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ; trình độ năng lực và phương pháp hỗ trợ học sinh của đội ngũ thực hiện nhiệm vụ này còn hạn chế...
TS Đặng Thị Huyền Oanh - giảng viên khoa Công tác xã hội (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) cho biết, hiện nay công tác xã hội trong trường học bao gồm 4 mức độ: Rà soát, phát hiện nguy cơ; phòng ngừa; can thiệp và trợ giúp; hỗ trợ sự phát triển của học sinh. Song đa phần giáo viên không có chuyên môn về công tác xã hội nên không thể đánh giá, ghi nhận hết tất cả vấn đề học sinh gặp phải để có định hướng hỗ trợ phù hợp...
Giai đoạn 2015 - 2022, Bộ GDĐT đã ban hành một số văn bản liên quan đến công tác tư vấn tâm lý trong trường học nhằm hướng dẫn thực hiện, hỗ trợ triển khai công tác tư vấn tâm lý cho học sinh phổ thông. Việc phối hợp với các bộ, ngành, các tổ chức liên quan trong và ngoài nước cũng được Bộ GDĐT quan tâm, chú trọng. Tuy nhiên, trên thế giới, đang phải đối mặt với những thay đổi nhanh chóng của sự phát triển kinh tế, xã hội dẫn đến sự thay đổi về tâm sinh lý của lứa tuổi học sinh cũng bị ảnh hưởng, thậm chí có dấu hiệu đáng báo động. Điều này đòi hỏi công tác xã hội và tư vấn tâm lý tại các cơ sở giáo dục cần phải thực sự được quan tâm, chú trọng và nâng cao bằng những việc làm thiết thực hơn nữa.
Sức khỏe tâm thần của học sinh đang là vấn đề được quan tâm trong những năm gần đây. Lo âu, trầm cảm... không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất của học sinh mà còn có tác động tiêu cực đến kết quả học tập và cuộc sống của bản thân các em và gia đình.
Dẫu thế, một điều ít được chú ý là công tác tham vấn tâm lý học đường đang bỏ quên giáo viên. Theo nghiên cứu mới nhất của Học viện Quản lý Giáo dục, gần 60% giáo viên có biểu hiện căng thẳng trong công việc, 35 - 40% có những dấu hiệu rối loạn lo âu liên quan đến công việc và một tỷ lệ nhỏ hơn giáo viên có biểu hiện ban đầu của trầm cảm. Công việc tăng, áp lực căng thẳng nên việc được chia sẻ chính là nhu cầu cần thiết của mỗi giáo viên hiện nay. Trong khi, “trường học hạnh phúc”, chỉ được tạo lập khi cả thầy và trò thực sự được yêu thương, chia sẻ; cùng được tư vấn hỗ trợ tâm lý khi cần thiết.
Theo PGS.TS Trần Thành Nam - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội), giáo viên cần được tham vấn tâm lý để giải tỏa những bức xúc, những vấn đề họ gặp phải. Nhiều trường học có phòng tham vấn tâm lý học đường nhưng lại đang mặc định chỉ giải quyết các vấn đề của học sinh trong khi để tạo lập môi trường sư phạm văn minh, hạnh phúc, không thể thiếu vai trò của người thầy. Ngoài kiến thức chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm, giáo viên cũng có nhu cầu được trang bị kỹ năng giải quyết tình huống.