Hiện chi phí điều trị thuốc mới cho một bệnh nhân ung thư phổi, gan, đại tràng, máu từ 500 triệu đến 1,2 tỉ đồng/năm. Do bệnh nhân thường phát hiện bệnh muộn nên chi phí điều trị rất tốn kém. Tuy nhiên, chi phí này sẽ giảm đi nếu bệnh nhân được sàng lọc, phát hiện và điều trị sớm…
Ảnh minh họa.
Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) vừa có công văn số 42/PC, đồng ý với đề xuất của Bảo hiểm xã hội VN và UBND TP Hà Nội về việc thí điểm thanh toán bảo hiểm y tế (BHYT) đối với xét nghiệm tầm soát ung thư đại tràng.
Trước đó, ngày 30/12/2016, Bảo hiểm xã hội VN đã có tờ trình số 5384/TTr-BHXH trình Chính phủ, đề xuất thí điểm thanh toán BHYT đối với xét nghiệm tầm soát ung thư đại tràng. Đây cũng là đề nghị của UBND TP Hà Nội nhằm tiết kiệm chi phí, tăng cường y tế dự phòng, giảm thiểu rủi ro cho người bệnh, giúp người bệnh có thể được chữa khỏi, tăng cường thời gian và chất lượng cuộc sống.
Trong công văn đồng ý với đề xuất này, Bộ Y tế đã đề nghị làm rõ thời gian thực hiện, về khả năng tài chính đáp ứng cho việc triển khai hoạt động, xác định rõ đối tượng cụ thể được hưởng lợi, vấn đề tổng kết, đánh giá thi hành sau khi kết thúc thực hiện thí điểm, kể cả thành công hoặc thất bại để điều chỉnh chính sách BHYT về khám bệnh để sàng lọc, chấn đoán sớm một số bệnh thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT cho phù hợp.
Như vậy, theo tinh thần này, trong thời gian tới, bệnh nhân xét nghiệm tầm soát ung thư đại tràng trên địa bàn TP Hà Nội sẽ được hỗ trợ chi phí, thanh toán BHYT. Nếu thí điểm thành công, việc thanh toán bảo hiểm y tế cho xét nghiệm, sàng lọc, chẩn đoán sớm một số bệnh có thể được áp dụng trên cả nước.
Trước đó, Luật Bảo hiểm y tế năm 2014 sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm y tế năm 2008 đã hủy bỏ quy định “khám bệnh để sàng lọc, chẩn đoán sớm một số bệnh thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT”.
Tuy nhiên, gần đây, rất nhiều ý kiến cho rằng quỹ BHYT nên thanh toán chi phí cho việc sàng lọc phát hiện sớm ung thư. Theo TS Trần Văn Thuấn- Giám đốc BV K Trung ương, việc quỹ BHYT không chi trả cho khám sàng lọc để phát hiện sớm ung thư là một khó khăn, bởi thực tế chi phí dành cho sàng lọc phát hiện sớm thấp hơn rất nhiều chi phí BHYT phải chi trả cho các bệnh nhân ung thư. Hơn thế nữa, việc phát hiện sớm không chỉ giảm chi phí điều trị mà còn đem lại cơ hội chữa khỏi cho bệnh nhân, giảm tỉ lệ mắc bệnh ung thư.
Theo TS Thuấn, trên thực tế tại các cơ sở y tế hiện nay, tỉ lệ mắc bệnh ung thư đang gia tăng nhanh chóng nhưng phát hiện lại rất muộn. Một số loại ung thư đến viện rất muộn chiếm tỉ lệ cao, như ung thư gan chiếm tới 87,8%, ung thư dạ dày 86,9%, phế quản phổi 84,3%, vòm họng 80%, thực quản 71%, tuyến giáp gần 70%... Có nghĩa là có đến hơn 70% người bệnh ung thư đến viện khi đã qua giai đoạn 3, khả năng điều trị khỏi rất hiếm, thường chỉ kéo dài sự sống. Trong khi đó, phát hiện sớm giai đoạn 1, 2 người bệnh hoàn toàn có thể chữa khỏi, kéo dài thời gian sống hàng 5, 10 năm.
Kết quả nghiên cứu tại 3 cơ sở điều trị ung thư lớn nhất cả nước là: Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu (BV Bạch Mai), BV K, BV Ung bướu TP HCM, cho thấy, rào cản lớn nhất đối với bệnh nhân ung thư là chi phí điều trị tốn kém. Theo TS Phạm Cẩm Phương- Phó Giám đốc Trung tâm y học hạt nhân ung bướu (BV Bạch Mai): “Chi phí cho lần nhập viện đầu tiên vào khoảng 7 triệu đến 35 triệu đồng. Dù đa phần bệnh nhân ung thư được quỹ BHYT chi trả rất lớn, nhưng sau 12 tháng điều trị gần 67% bệnh nhân phải đi vay tiền chữa bệnh, 22% bệnh nhân phải bán tài sản, 33% người bệnh không thể mua thuốc, 15% bệnh nhân không thể thanh toán tiền ăn uống, 21% bệnh nhân không có tiền trả cho chi phí đi lại khám bệnh...”.
Thống kê tại VN cho thấy, chi phí điều trị thuốc mới cho một bệnh nhân ung thư phổi, gan, đại tràng, máu từ 500 triệu đến 1,2 tỉ đồng/năm. Do bệnh nhân đến muộn nên chi phí điều trị rất tốn kém.
Hiện nay tổng gánh nặng kinh tế cho điều trị ung thư chiếm tỉ lệ lớn trong tổng thu nhập quốc dân. Chi phí này sẽ giảm đi nếu bệnh nhân được sàng lọc, phát hiện và điều trị sớm.